Đây là hành trình tìm về kí ức của những người đại diện cho hai thế hệ xưa và nay: ông Yoshio Inami (82 tuổi) một cựu giáo viên tại một trường trung học cơ sở sống ở thành phố Ginowan và người còn lại là nữ phóng viên Murata của Đài Truyền hình Okinawa. Trong 20 năm qua, ông Yoshio Inami thường xuyên đến gặp và trò chuyện với các bạn nhỏ tại các trường học về những câu chuyện chiến tranh mà bản thân ông đã trải qua.
Phóng viên Murata cho biết, lần đầu chị liên lạc với ông Yoshio Inami là hồi tháng 4 vì được biết ông là chứng nhân lịch sử trong trận Okinawa kinh hoàng năm xưa. Khi ấy ông Yoshio Inami mới sáu tuổi. Nơi ông sinh ra và lớn lên là một trong những chiến trường ác liệt nhất, nơi mà hàng nghìn binh lính của Nhật và Mỹ đã bỏ mạng.
Ông Inami nhớ lại: “Đứng trên gò đất gần nhà, ông đã nhìn thấy những người lính Hoa Kỳ kéo quân đến hòn đảo này. Nhìn thấy những quả pháo bắn phá, ông còn ngây thơ hò reo “pháo hoa”. Không ngờ suốt 3 tháng sau đó, ông và gia đình đã phải trải qua những ngày tháng loạn lạc, đau thương trên chiến trường khốc liệt.”
Khi chiến tranh bắt đầu tàn phá, gia đình ông đã chạy vào rừng và trú ẩn tại một hang động. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, quân đội đã biến dân thường thành tấm khiên và gia đình ông bị đuổi ra khỏi nơi trú ẩn. Sau đó, họ lang thang trên các chiến trường toàn pháo đạn để hướng về các hầm trú ẩn tại phần phía nam của hòn đảo cách đó hơn 20 km.
Ông Inami nhớ lại trên đường sơ tán, ông đã theo cha đi dọc đường ray xe lửa. Khi đến một con sông chất đầy xác người, cha đã cõng ông qua đó. Đến giờ, ông vẫn không thể nào quên hình ảnh một người mẹ ôm một đứa trẻ không đầu. Do bom đạn trên đường, ông Inami khi đó bị bỏng nặng ở tay chân và không thể đi lại.
Trong suốt hành trình, ông được được cha cõng và cuối cùng cũng đến được phần phía nam của hòn đảo Okinawa. Tuy nhiên, vào ngày 19 tháng 6, nơi này tiếp tục bị quân đội Mỹ tấn công, và ông đã bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh vào bốn ngày trước khi quân Nhật đầu hàng.
Ông Inami nói rằng mình rất đau đớn khi phải nhớ về những trải nghiệm tồi tệ đó. Nhưng vì những đứa trẻ, những người sẽ gánh vác tương lai, ông thấy mình có trách nhiện phải làm điều đó. Bởi vì thế hệ của ông có lẽ sẽ là những người cuối cùng chứng kiến cảnh chiến tranh tàn bạo. Hồi chiến tranh ông mới 6 tuổi, giờ ông đã một ông già 82 tuổi. Số người còn nhớ, còn kể được về trận chiến Okinawa năm xưa thì vẫn giảm dần qua từng năm.
Khi phóng viên đến phỏng vấn, ông Inami nói: “Tôi muốn tìm lại hầm trú ẩn năm xưa. Tôi nghĩ tôi đã biết vị trí của nó. Lúc tôi bị bắt làm tù binh, quân đội Mỹ khi đó đang tấn công Maezato thuộc thành phố Itoman.” Trong cuộc chiến đó ông Inami đã mất em gái của mình, Miyo, lúc đó mới một tuổi.
Phóng viên Murata cho biết đã gặp và nói chuyện với ông nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên ông nhắc về người em gái. Mẹ ông đã mất khi sinh Miyo. Cha và anh chị em của ông đều rất yêu quý cô bé. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy Miyo đã từng tồn tại chỉ là tấm bia thờ, không có ảnh cũng không có hài cốt.
Ông Inami không nhớ mặt em gái và cũng không biết em đã mất ở đâu. Suốt nhiều năm qua, niềm trăn trở này đã đè nặng lên trái tim ông. Ông rất hối hận vì trước khi cha mất đã không hỏi cha về nơi đó. Để giúp ông Inami, phóng viên Murata đã không ngừng suy nghĩ về việc làm thế nào để tìm ra địa điểm Miyo qua đời. Tất cả những thông tin họ có là: “Một cái hầm trú ẩn được đào bởi sức người ở Maezato chứ không phải một hang động tự nhiên. Phía trước hầm có những cánh đồng trải dài”. Tuy nhiên, khi mở bản đồ có tới 100 địa điểm như thế ở Maezato.
Khi cô phóng viên đang bế tắc thì có điện thoại của ông Inami gọi tới. Ông Inami nói: “Hình như có một con suối ở gần đó” sau khi ông nói chuyện với một người hàng xóm đã sơ tán cùng. Dựa trên thông tin đó, phóng viên Murata đã tìm đến tòa thị chính để tra cứu. Cuối cùng, họ đã thu hẹp được phạm vi mục tiêu và trên đường cùng ông Inami đến từng nơi để xác định.
Trở lại nơi cũ sau 76 năm, ông Inami rất xúc động và vui mừng. Đi dưới cái nắng như thiêu đốt suốt nhiều tiếng đồng hồ, phóng viên nói rằng họ rất ngạc nhiên vì ở cái tuổi 82, ông Inami vẫn có thể khỏe mạnh như thế. Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên, mất 5 giờ đi bộ dưới ánh nắng gay gắt chỉ có ở Okinawa và với độ ẩm cao, rốt cuộc, họ vẫn không thể tìm thấy địa điểm muốn tìm.
Thấy ông Inami buồn rầu, phóng viên Murata an ủi: “Lần đầu tiên sau 76 năm, có thể đặt chân lại nơi đây cũng được xem là một bước tiến lớn”.
Khi cô Murata vừa trở về đài truyền hình thì điện thoại lại reo. Đó là diện thoại của ông Inami. Ông nói: “Tôi đã nghĩ đó là Maeri, nhưng có vẻ hầm trú ẩn đó ở làng Kuniyoshi.” Ông Inami đã không bỏ cuộc và đến nói chuyện với một người khác. Hai ngày sau, phóng viên cùng ông Inami đến Kuniyoshi, một ngôi làng cạnh Maeri. Ở đây, quả thực là có một con suối.
Tiếp tục tìm hỏi, họ đã gặp một người biết về hầm trú ẩn được người đó chỉ cho vị trí. Ở đó chỉ có cỏ mọc um tùm, không có dấu hiệu nào cho thấy có gì khác ở đó. Nếu không được hướng dẫn, họ chắc chắn sẽ bỏ qua nơi này. Lúc đầu, ông Inami nhìn vào bên trong với vẻ hoài nghi, nhưng những khung cảnh quen thuộc dần dần hiện lên trước mặt ông.
Ông Inami đan chặt hai tay vào nhau xúc động nói : “Khi tôi rời khỏi hang, những chiếc xe tải của Mỹ đã chờ sẵn ở đây, và chúng tôi lần lượt được đưa lên xe”. Ông Inami nói: “Cuối cùng, tối đã có thể nói với em gái, em hãy yên tâm yên nghỉ. Tôi đã luôn canh cánh giữ nỗi buồn đau này sắp được 1 thế kỷ. Tôi nên buông nó đi thôi. Chiến tranh đã qua đi. Giờ tôi đã tìm lại được nơi di tản năm xưa, và có thể kể về em gái mình. Chúng là những kí ức mà không ai muốn trải qua. Tôi sẽ tiếp tục nói về sự tàn bạo của chiến tranh và sự quý giá của hòa bình cho đến khi nào tôi còn có thể.”
Về phía phóng viên, chị Murata cho biết : “Đã ba năm kể từ khi tôi được chỉ định đến Okinawa với tư cách là một phóng viên. Tôi rất xấu hổ khi phải thừa nhận rằng tôi không hề biết gì về Trận chiến Okinawa cho đến lúc đó. Khi đặt chân đến Okinawa, tôi đã không biết bắt đầu phỏng vấn về chiến tranh từ đâu. Trong hành trình cùng ông Inami tìm về nơi sơ tán năm xưa, tôi có cảm giác mình đã quay ngược dòng thời gian. Cảm giác chiến tranh chỉ là một sự kiện trong quá khứ không còn trong tôi nữa. Tôi muốn tiếp tục đối mặt với nỗi đau chiến tranh. Và như ông Inami nói, để người đời sau không bao giờ quên sự tàn khốc của chiến tranh và giá trị của hòa bình.”
Theo NHK Okinawa, Wikipedia