Theo SCMP, cố đô Nhật Bản đang gặp khủng hoảng tài chính nặng nề do nợ nần và doanh thu từ ngành kinh tế chủ đạo là du lịch sụt giảm do dịch Covid.
Năm ngoái, thị trưởng Kyoto Kadokawa đã cảnh báo việc thành phố có thể phá sản trong một thập niên tới. Cách đây 3 năm không ai nghĩ Kyoto sẽ lâm vào tình trạng này khi thành phố đón tới 50 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Nhưng dịch Covid xuất hiện khiến cho ngành du lịch và các ngành phụ trợ của thành phố gặp khó khăn.
Trong năm tài khoá 2021, Kyoto ước tính sẽ lỗ tròng 433 triệu USD. Khoản lỗ này sẽ khiến số nợ 7,5 tỷ USD của thành phố thêm trầm trọng. Ảnh hưởng từ ngành du lịch là rất rõ ràng nhưng những nguyên nhân gây nên con số nợ khổng lồ này còn bao gồm việc miễn thuế cho các địa điểm tôn giáo, chi tiêu công lãng phí và thua lỗ từ hệ thống giao thông công cộng.
Trước đây, các pháp nhân tôn giáo ở Kyoto phải nộp một phần doanh thu cho thành phố nhưng hiện tại phần thu này đã được miễn. Ngoài ra theo một doanh nhân Israel ở Kyoto được SCMP phỏng vấn, hiệp hội du lịch thành phố thường tổ chức các sự kiện xa hoa để thu hút khách du lịch nhưng hiệu quả không đáng là bao. Những điều này khiến ngân sách bị hao hụt nặng nề.
Tuyến tàu điện ngầm nội đô khai trương năm 1997 cũng hoạt động kém hiệu quả. Tuyến tàu này có chi phí xây dựng là 4,8 tỷ USD cộng với 872 triệu USD bảo trì và vận hành. Tuy nhiên nó không thu hút lượng khách cần thiết như trong kế hoạch của thành phố. Ngoài ra Kyoto cũng cho phép người già trên 70 tuổi dùng các phương tiện công cộng miễn phí hoặc được giảm giá khiến ngân sách chịu thêm áp lực. Phúc lợi dành cho trẻ em và sinh viên của Kyoto cũng thuộc diện tốt nhất ở Nhật.
Trước nguy cơ phá sản, thị trưởng Kadokawa đã công bố kế hoạch tái cấu trúc tài chính vào tháng 6 năm ngoái. Chính quyền yêu cầu các địa điểm tôn giáo tự nguyện đóng góp cho ngân sách thành phố. Kyoto cũng cơ cấu lại phúc lợi cho người cao tuổi khi nâng độ tuổi được hỗ trợ từ 70 lên 75. Một loại thuế mới dành cho chủ sở hữu bất động sản không cư trú được ban hành.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cắt giảm chi phí vận hành khi giảm lương nhân viên hành chính và dự kiến sẽ cắt bỏ 500 nhân sự trong 5 năm tới. Những khó khăn vẫn ở phía trước và chỉ có thời gian mới có thể trả lời được câu hỏi Kyoto liệu có thoát khỏi cảnh phá sản hay không.