Trong một chuyến du lịch, hẳn bạn sẽ rất lo lắng khi gặp phải các vấn đề như đột nhiên bị bệnh hay gặp tai nạn, đặc biệt khi đang du lịch ở một đất nước khác. Đừng lo lắng, hôm nay, iSenpai sẽ đem đến cho bạn những lời khuyên và lưu ý khi cần hỗ trợ y tế trong lúc đang đi du lịch ở Nhật.
1. Cần đến bệnh viện
Nếu bạn cần gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện khi đang ở Nhật Bản, hãy thử search tìm Tổ chức Y tế thông qua trang web của Cơ quan Du lịch Nhật Bản
https://www.jnto.go.jp/emergency/eng/mi_guide.html#search
Tại đây, bạn có thể tìm được các cơ sở y tế trên cả nước theo nhu cầu khu vực, ngôn ngữ, bộ phận y tế, liệu thanh toán thẻ tín dụng có được chấp nhận hay không, và JMIP (Chứng nhận Dịch vụ Y tế Nhật Bản cho Bệnh nhân Quốc tế, một hệ thống công nhận cho các tổ chức y tế chấp nhận bệnh nhân quốc tế).
Một số tổ chức y tế đa ngôn ngữ có chứng nhận JMIP tại Tokyo:
– Bệnh viện Trung tâm của Trung tâm Y tế và Sức khỏe Toàn cầu
Địa chỉ: 1-21-1 Toyama, Shinjuku, Tokyo 162-0052
Điện thoại: 03-3202-7181
– Bệnh viện Tokyo Nishi Tokushukai
Địa chỉ: 3-1-1 Matsubara, Akishima, Tokyo 196-0003
Điện thoại: 042-500-4433
Hoặc bạn có thể hỏi thêm thông tin tại quầy Lễ tân khách sạn hay các trung tâm thông tin du lịch để có thoog tin cụ thể hơn. Trong trường hợp bạn có bảo hiểm y tế du lịch nước ngoài, công ty bảo hiểm của bạn cũng sẽ hướng dẫn bạn đến các tổ chức y tế trực thuộc.
Mang theo thông tin y tế
Nhật Bản có các bệnh viện liên kết đại học, bệnh viện công của nhà nước hoặc thành phố, bệnh viện tư nhân và phòng khám nhỏ. Không phải tất cả các bệnh viện đều có thông dịch viên hoặc nhân viên có thể nói tiếng Anh, vì vậy để thuận tiện nhất, phòng trường hợp khẩn cấp, bạn nên luôn chuẩn bị sẵn ghi chú về thông tin y tế của bạn bằng tiếng Anh/Nhật. Điều này cũng rất có ích nếu bạn gặp tai nạn hoặc ở trong tình trạng không thể giải thích – nhân viên y tế chỉ cần đọc ghi chú của bạn để có thể đưa ra biện pháp y tế thích hợp nhất.
Các thông tin y tế cần thiết bao gồm:
– Tên
– Nhóm máu
– Bất kỳ căn bệnh nào bạn đang điều trị
– Bất kỳ loại thuốc bạn đang dùng
– Dị ứng
– Lịch sử y tế
– Tôn giáo
– Thông tin liên hệ khẩn cấp
Vấn đề sử dụng bảo hiểm y tế
Thanh toán hóa đơn y tế tại bệnh viện Nhật Bnar khá là tốn kém. Tuy nhiên, bảo hiểm sức khỏe du lịch nước ngoài sẽ giúp bạn chi trả một phần chi phí. Trong một số trường hợp, tùy thuộc vào loại bảo hiểm mà bạn thậm chí có thể được điều trị tại các bệnh viện được chỉ định mà không cần trả phí. Thêm vào đó, các bệnh viện lớn có xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng trong khi các phòng khám nhỏ hơn chỉ có thể chấp nhận tiền mặt. Vì vậy hãy kiểm tra chi tiết bảo hiểm du lịch và lựa chọn bệnh viện phù hợp để đảm bảo nắm rõ bạn sẽ phải trả bao nhiêu, liệu bệnh viện có cung cấp dịch vụ thanh toán qua thẻ hay không,…
Nếu bạn không có bảo hiểm du lịch nước ngoài từ đất nước của mình, bạn có thể đăng ký sau khi đến Nhật Bản để đảm bảo an toàn nếu có bất kỳ tình huống khẩn cấp nào xảy ra.
– Công ty bảo hiểm hỏa hoạn Tokio Marine & Nichido
Ngôn ngữ hiện có: Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn
Phí bảo hiểm: 760 yên mỗi ngày, 3.610 yên trong tối đa 10 ngày
– Sompo Japan Nipponkoa
Ngôn ngữ hiện có: Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn
Phí bảo hiểm: 2.900 yên trong 10 ngày
Các chi phí y tế ước tính khi không sử dụng bảo hiểm
– Kiểm tra y tế ban đầu: ~ 3.000 yên
– Xét nghiệm máu: ~ 6.000 yên
– X-quang: từ 2.000 yên (tùy theo bộ phận cơ thể và số lượng hình ảnh)
– CT bụng: ~ 15.000 yên
– Điều trị, phẫu thuật: ~ 5.500 yên ~ 20.000 yên (gãy chân)
Trong trường hợp cần trải qua phẫu thuật do tai nạn giao thông, thì chi phí có thể lên tới hàng trăm ngàn yên.
Nhận toa thuốc và thuốc
Sau khi khám bác sĩ, bạn sẽ nhận được đơn thuốc cho các loại thuốc cần thiết tại quầy thanh toán khi bạn thanh toán hóa đơn. Tại các phòng khám nhỏ thường bạn sẽ chỉ nhận được đơn thuốc và phải tự lấy thuốc tại các nhà thuốc bên ngoài. Các bệnh viện lớn sẽ có hệ thống nhà thuốc trong khu vực lân cận, vì vậy chỉ cần đưa toa thuốc của bạn đến đó và bạn sẽ nhận được thuốc.
Trường hợp cần mua thuốc không kê đơn:
Nếu bạn cảm thấy không khỏe nhưng cảm thấy không cần phải đi khám bác sĩ như cảm lạnh, các vấn đề về dạ dày, vết thương do ngã,… và bạn chỉ cần mua thuốc tại nhà thuốc thì hãy tìm chuỗi cửa hàng dược phẩm Matsumoto Kiyoshi.
Chuỗi cửa hàng dược phẩm Matsumoto Kiyoshi có nhân viên đa ngôn ngữ tại nhiều địa điểm của nó ở Tokyo. Đặc biệt là các cửa hàng ở Shibuya , Shinjuku , Ikebukuro và Ginza – những khu phố có rất nhiều khách du lịch – nhân viên có thể nói được tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn. Hãy nói chuyện với nhân viên để tìm được loại thuốc thích hợp cho tình trạng của bạn.
Đem thuốc tới Nhật
Nếu bạn đang dùng một loại thuốc thường xuyên thì nên mang theo khi di du lịch. Tại Nhật, các loại thuốc thông thường cho cảm cúm hoặc đau dạ dày ở dạng thuốc viên hoặc bột có thể được đem qua, tuy nhiện cần giới hạn số lượng đủ và cất kỹ trong vali.
Bạn cũng nên mang theo thuốc có hộp đựng với thông tin thánh phần và nhà sản xuất rõ ràng, để thuận tiện hơn trong trường hợp cần thiết. Nếu bạn có thuốc lỏng trong hộp chứa 100ml, hãy đặt nó vào một chiếc túi trong suốt và để nhân viên xem qua khi kiểm tra hành lý. Nếu bạn cần loại thuốc đặc biệt hoặc một lượng lớn trong hành lý xách tay do tình trạng y tế, hãy thông báo trước và đưa cho nhân viên xem giấy chứng nhận y tế và đơn thuốc. Với đơn thuốc của bác sĩ, bạn được phép mang thuốc, bột và thuốc lỏng đến Nhật Bản.
2. Gặp tai nạn và ốm đau đột ngột: Gọi xe cứu thương 119
Nếu có tai nạn hoặc bạn đột nhiên cảm thấy không ổn trong người, hãy đến bệnh viện cấp cứu hoặc gọi xe cứu thương. Nếu bạn cảm thấy đủ khỏe để tìm kiếm hoặc hỏi đường đến bệnh viện khẩn cấp như vậy, bạn có thể đến đó bằng taxi. Trường hợp bạn cần chăm sóc khẩn cấp, đừng ngần ngại gọi xe cứu thương qua 119. Nếu bạn không có điện thoại di động bên mình và không thể tìm thấy điện thoại công cộng, hãy nhờ người dân gần đó gọi một kyūkyūsha (xe cứu thương) giúp.
Cách gọi xe cứu thương
– Gọi 119.
– Thông báo đây là tình trạng y tế khẩn cấp. (Có thể dùng tiếng Anh).
– Thông báo địa chỉ của bạn
– Thông tin thêm về nạn nhân, các triệu chứng, gặp vấn đề từ khi nào
– Thông tin về tên bệnh nhân, phương thức liên hệ (số điện thoại), tuổi,…
Hãy bình tĩnh và trả lời đầy đủ các thông tin để bên phía có thể nắm rõ tình hình và đưa ra phương thức hỗ trợ tốt nhất, trong trường hợp bạn không biết địa điểm hiện tại của mình, hãy nhờ người dân gần đó giúp đỡ.
Các cụm từ tiếng Nhật giúp gọi xe cứu thương
– Khi nói chuyện với 119:
Kyū-kyū-sha o onegai shimasu. ( Tôi cần xe cứu thương / Đây là một trường hợp khẩn cấp về y tế.)
– Khi yêu cầu những người gần đó gọi xe cứu thương:
Kyū-kyū-sha o yonde kudasai. (Hãy gọi xe cứu thương giúp tôi.)
Hy vọng với những thông tin hỗ trợ trên, bạn có thể chuẩn bị cho mình một chuyến đi đầy đủ và đảm bảo khi du lịch tại Nhật Bản.
Nguồn: https://livejapan.com/en/article-a0002612/?sc_lid=lj_pc_article_r_html_frame_5_teiban