Khi những ảnh hưởng mà dịch Covid mang tới xã hội ngày một mạnh mẽ, những nhà nghiên cứu xã hội nhận ra những biến chuyển mạnh mẽ trong xã hội Nhật.
Japan Times đã phỏng vấn Yuka Fujimura, bà mẹ 35 tuổi đã nghỉ việc sau khi vừa phải làm việc trong một team truyền thông của một công ty khởi nghiệp ngành AI vừa phải trông cô con gái nhỏ 2 tuổi vì trường học đóng cửa. Con gái cô hay quấy khóc và đòi đi chơi trong khi cô có quá nhiều việc phải làm và không có người thay thế ở công ty. Cuối cùng cô quyết định nghỉ việc và tìm một con đường khác.
Fujimura có lẽ là một trong những người tiên phong cho làn sóng “Đại nghỉ việc” ở Nhật sau khi làn sóng này đã xuất hiện ở những quốc gia khác. Đây là một hiện tượng xã hội khi một số lượng lớn người lao động nghỉ việc và chuyển hướng công việc khác do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tại Mỹ, 3% lực lượng lao động đã bỏ việc. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm lao động tại nhà hàng, khách sạn hay chăm sóc sức khoẻ. Ấn Độ, trung tâm outsource IT lớn nhất thế giới cũng ghi nhận tỷ lệ xin nghỉ việc cao kỷ lục trong năm ngoái.
Nguyên nhân cho làn sóng này tới từ nhiều lý do: lao động quá sức và cần nghỉ ngơi, cần thay đổi công việc để thích ứng với bình thường mới. Với Fujimura thì là cả hai lý do này. Một số nhà nghiên cứu xã hội cho rằng xu hướng nghỉ việc diện rộng có thể lan nhanh ở đất nước vốn nổi tiếng với việc làm việc quá giờ và thị trượng lao động cạnh tranh cao.
Ví dụ từ Fujimura cho thấy gia đình cô phải vật lộn với chuyện cân bằng giữa làm việc và nuôi dạy con cái dù đã có các khoản trợ cấp của chính phủ. Sức khoẻ yếu đi khiến cô phải nghỉ việc và mở một dịch vụ riêng để có thể sắp xếp thời gian linh hoạt và khoa học hơn. Cô có những khách hàng cũ để duy trì kinh doanh và thậm chí thu nhập còn gấp đôi lương cũ. Ngoài ra thời gian dành cho gia đình và bản thân của cô cũng đã được tăng lên. Cô hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Những khảo sát gần đây cho thấy Nhật Bản đang dần thay đổi hình ảnh một quốc gia gắn liền với những nhân viên làm việc trọn đời ở một công ty. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Daiichi dựa trên một cuộc khảo sát lực lượng lao động của chính phủ, số người muốn thay đổi công việc là 8,41 triệu người trong năm 2021, so với năm 2020 là 8,19 triệu người và năm 2019 là 8 triệu người. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm nhân viên văn phòng toàn thời gian, nhất là khi mô hình làm việc từ xa gợi cảm hứng cho họ tìm kiếm các công viên khác.
Ngoài ra, việc dịch chuyển sang mô hình làm việc từ xa cũng sẽ định nghĩa lại sự cân bằng giữa trách nhiệm công việc và trách nhiệm gia đình. Việc nuôi dạy con cái hay chăm sóc bố mẹ già sẽ không còn là rào cản phát triển sự nghiệp của một người lao động, đặc biệt là đối với phụ nữ. Điều này được cho là sẽ mang lại những tín hiệu tích cực trong bối cảnh Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động do già hoá dân số.
Công ty thống kê nhân sự Lancers cho biết số lượng lao động tự do, bao gồm cả những người làm nhiều công ty một lúc, tăng lên 15,77 triệu người vào năm 2021 so với năm 2020 là 10,6 triệu người. Một trong số đó là Koji Yamazaki, người từng làm kỹ sư cho một tập đoàn lớn tại Tokyo trong 8 năm. Giờ đây anh đã nghỉ việc và chuyển về sống ở một vùng quê ở Nagano, làm việc bán thời gian cho 3 công ty một lúc. Anh cho biết mình không còn yêu thích công việc ở tập đoàn cũ vì tác phong chậm chạp ít sáng tạo. Khi Covid xuất hiện anh trở nên căng thẳng và quyết định nghỉ việc và lựa chọn về quê sinh sống để tìm lại niềm đam mê trong công việc.
Do những ảnh hưởng mà Covid mang tới, ngày càng có nhiều người trẻ ở Nhật bỏ phố về quê để trồng trọt chăn nuôi theo lối sống tự cung tự cấp. Nikkei đã đưa ra một ví dụ tiêu biểu là Kaneko (43 tuổi), người đã từ bỏ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng đầy căng thẳng để trở về quê nhà Saitama. Anh mở một quán trọ nhỏ ở vùng núi non Tokigawa, một thị trấn nhỏ với 10 nghìn người sinh sống. Ở quê nhà, Kaneko cùng vợ trồng rau và tự cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống thường ngày. Họ không đặt ra các tiêu chuẩn ngặt nghèo về cuộc sống tự cung tự cấp mà chỉ muốn có một cuộc sống bớt căng thẳng hơn.
Trước đây, Kaneko đã làm việc ở vài công ty sau khi tốt nghiệp đại học rồi theo đuổi nghề đầu bếp. Anh làm ở một khách sạn trước khi mở một quán cafe cùng bạn. Thời gian đó anh làm việc tới 17 tiếng mỗi ngày và trở nên suy kiệt. Bác sĩ thậm chí đã cảnh báo về việc anh có thể chết vì làm việc quá tải. Từ đó, anh có mong muốn được sống giữa thiên nhiên và trở về quê hương Saitama, mở một quán trọ của riêng mình.
Cuộc sống tự cung tự cấp ở một mức độ nhất định mang lại cho họ sự tự do, theo Kaneko. Sự tự do này mang nhiều giá trị tinh thần hơn vật chất. Blog của vợ Kaneko được chú ý và một trường đại học tư ở trung tâm Tokyo đã mời vợ chồng Kaneko đến thuyết trình. Thông điệp mà họ đưa ra với những người trẻ là “Hãy thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực nhằm duy trì một lối sống xa hoa và giảm bớt sự căng thẳng của chủ nghĩa tiêu dùng.” Kaneko nói với những sinh viên rằng họ chỉ đang cố gắng tự túc hết mức có thể mà không tốn quá nhiều công sức.
Theo Japan Times, Nikkei