Một truyền thuyết phổ biến giữa những người nước ngoài học tiếng Nhật đó chính là JLPT N1 khó đến mức ngay cả người Nhật cũng phải trầy trật với các câu hỏi và có lẽ cũng không đạt được 50% điểm số cần thiết để đậu. Cây bút Matthew Coslett của GaijinPot đã thực hiện một bài kiểm tra xem liệu có đúng những người bản ngữ cũng phải vật lộn với mức độ cao nhất của bài kiểm tra trình độ tiếng Nhật này không.
Người Nhật cũng gặp khó khăn với các câu hỏi trình độ N1
Matthew đã không thực sự tin điều đó cho đến một ngày khi anh cố gắng giải thích một điểm ngữ pháp tiếng Anh cho một trong những sinh viên của mình. Anh đã sử dụng ngữ pháp (に) だに (thậm chí) để giải thích điểm ngữ pháp này. Anh nhận được phản ứng mà những người Nhật cho thấy họ tin rằng người nói đã mắc một số lỗi cơ bản.
“Thầy có chắc đó là tiếng Nhật không?” cô ấy hỏi.
Sau khi được xem những ví dụ trong sách luyện thi N1, cô ấy cười. “Em không nghĩ rằng mình đã từng gặp cấu trúc này” cô giải thích. “Thay vào đó, em sẽ sử dụng những từ như にも.” Và cô ấy đã đúng, sau này Matthew phát hiện ra (に) だに chỉ thực sự được sử dụng trong một số tác phẩm văn học còn にも được sử dụng phổ biến hơn nhiều. Tuy nhiên, điều này lại khiến anh quan tâm đến việc người Nhật có thể làm tốt các câu hỏi trong đề thi N1 hay không.
Bài kiểm tra
Những đối tượng cho bài kiểm tra của Matthew là người Nhật thuộc nhiều nhóm đối tượng: những người đi làm tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng, học sinh sinh viên của các trường cao đẳng (senmon gakkou) và một số học sinh trung học cơ sở.
Ban đầu, nhóm của anh cho rằng bài kiểm tra sẽ có thể làm khó cả những người Nhật ngay từ những câu hỏi đầu tiên với phần kiểm tra kanji và từ vựng. Những người làm bài tốt nhất ở phần này là các học sinh các trường senmon. Họ đã trả lời các câu hỏi với tốc độ nhanh nhất có thể và hầu như không dừng lại để xem xét về sự khác biệt giữa các từ. Hầu hết các học sinh sinh viên cho biết họ đã nhìn thấy từ này, nhưng chưa bao giờ thực sự tìm hiểu về ý nghĩa của nó.
Thật thú vị khi những người đi làm mất nhiều thời gian hơn trong phần từ vựng vì họ cảm thấy “hai từ này có ý nghĩa này gần như giống hệt nhau” nhưng họ đã thực hiện tốt toàn bộ các phần trong khi các học sinh vẫn thỉnh thoảng chọn sai đáp án.
Một vài học sinh trung học cơ sở đã mắc lỗi sai về các sắc thái nhỏ trong từ vựng. Hầu hết các bạn nói rằng họ đã nhìn thấy từ này nhưng chưa bao giờ thực sự nghĩ về ý nghĩa của nó. Tuy nhiên,kết quả của họ cũng vượt xa với mốc 49% cần thiết để qua phần này.
Sắp xếp từ
Một trong những khó khăn phổ biến nhất của người nước ngoài học tiếng Nhật là đến từ phần thi tiếp theo. Trong phần này, thí sinh phải sắp xếp lại các từ và điểm ngữ pháp theo một thứ tự để tạo ra một câu. Điều này có thể gây bực bội cho nhiều người vì nó đòi hỏi sự hiểu biết tường tận, chẳng hạn như một danh từ đứng trước たる thường cũng được theo sau bởi một danh từ khác. Là một người thường thấy những bài tập tiếng Anh kiểu này còn khiến học sinh thấy nhức đầu, chứ đừng nói đến tiếng Nhật, Matthew ngờ rằng những câu hỏi này sẽ làm khó những người tham gia vào bài kiểm tra.
Tuy nhiên những người Nhật bản xứ tỏ ra không gặp chút khó khăn nào. Matthew cho rằng tiếng Nhật là một ngôn ngữ có trật tự và cấu trúc rõ ràng, vì vậy có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những câu hỏi như thế này trở nên rất dễ dàng.
Phần đọc hiểu
Nhìn chung, kiểm tra đọc hiểu cấp độ N1 gồm năm loại: đọc một ý kiến; điền vào một từ/câu còn thiếu từ một văn bản; trả lời về những gì một câu trong văn bản đang thể hiện; đọc hai tài liệu rồi so sánh và đọc lướt qua một khối lượng lớn văn bản để nắm bắt thông tin. Ở cấp độ N1, bài thi nhằm kiểm tra xem bạn đọc nhanh và chính xác như thế nào. Nhiều người học tiếng Nhật gặp khó ở phần này vì hết thời gian hoặc đọc lướt qua quá nhanh, từ đó mắc phải những sai lầm sơ đẳng.
Thật thú vị, sau khi được thông báo về thời gian còn lại để làm bài, đã có sự khác nhau về chiến thuật làm bài giữa những người đi làm và các học sinh sinh viên.
Những học sinh đã thực hiện tương tự như cách các giáo viên như Matthew vẫn thường được dạy trên lớp. Ví dụ, khi tới các câu hỏi điền vào từ còn thiếu, hầu hết trong số họ không đọc toàn bộ văn bản mà chỉ đọc lại một vài đoạn văn, tìm kiếm phần có liên kết với câu chính. Họ đọc lướt qua các văn bản để tìm ra cái nhìn tổng thể của bài và tìm câu trả lời chính xác trong một khoảng thời gian ngắn.
Những người đi làm vốn xem việc đọc nhanh báo cáo và tài liệu như một phần của công việc hàng ngày thì chọn đọc toàn bộ bài viết một cách nhanh chóng để tìm câu trả lời. Cách tiếp cận này dường như tốt hơn, vì những cái bẫy và câu đánh lạc hướng vốn phổ biến trong bài đọc hiểu N1 đã chứng minh điều đó.
Một trong những người làm bài thi cho biết: “Khi chúng tôi còn học trung học, chúng tôi phải làm những câu hỏi như thế này. Ví dụ như xem qua bài viết và tìm hiểu xem tác giả nghĩ gì,” cô giải thích.
Thật thú vị khi có sự tương phản ở phần so sánh hai đoạn văn. Những người đi làm đọc cả hai bài một cách cẩn thận, sau đó đi vào một số trọng điểm để tìm xem hai văn bản đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến gì, cuối cùng tìm ra sự khác biệt trong một câu duy nhất. Ngược lại, các sinh viên lướt qua bài để tìm ý tổng thể và tìm được câu trả lời chính xác trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
“Một bài đọc nhàm chán”, một trong những người đi làm phàn nàn khi cô nhìn vào trang văn bản mà cô sẽ phải đọc cho câu hỏi cuối cùng.
Kết luận
Hóa ra đó là một bài kiểm tra thú vị vì hầu hết những người Nhật tham gia cũng sử dụng các kỹ thuật làm bài tương tự như những kỹ thuật mà người nước ngoài học tiếng Nhật. Có lẽ ở một mức độ nào đó, những câu hỏi đó được thiết kế để khiến chúng ta suy nghĩ theo cách có trật tự như những người Nhật tiếp cận ngôn ngữ của họ.
Matthew tổng kết lại thử nghiệm của mình cho thấy những người bản ngữ có thể sẽ không nhận được 100% điểm số trong bài kiểm tra N1 nhưng họ vẫn sẽ vượt qua kỳ thi một cách dễ dàng. Còn những trải nghiệm của bạn thì sao? Bạn đã bao giờ ngạc nhiên bởi những câu hỏi mà người bản xứ thấy khó khăn?
Tham khảo:
https://blog.gaijinpot.com/how-difficult-is-the-jlpt-n1-for-japanese-people/