Loạt ảnh về thảm nạn tự tử nhức nhối trong xã hội Nhật Bản của nhiếp ảnh gia Shiho Fukada đã khiến hàng triệu người rùng mình hoảng sợ.
Bà Kinmi Ohashi bên cây đàn guitar của người chồng quá cố ở Osaka, Nhật Bản. Chồng bà Kinmi đã làm việc cho một công ty chuyển phát nhanh trong suốt 35 năm. Tuy nhiên, 4 năm trước, ông đã tự tử do trầm cảm khi phải chịu áp lực quá lớn từ nguy cơ bị sa thải, sự sách nhiễu và công việc quá tải. Chồng của bà Kinmi đã phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày, và cả trong những ngày lễ. Ông rất hiếm khi có cơ hội được tham gia các sự kiện tại trường học của cậu con trai. Bà Kinmi cho hay dù có chồng nhưng bà vẫn phải nuôi 2 con lớn khôn như 1 bà mẹ đơn thân. Bà nói “Hầu hết những người cha ở Nhật Bản đều rất nghiện việc. Nhiều người không có thời gian để ăn uống cùng gia đình. Có khi công việc phát sinh khiến họ phải làm việc đến nửa đêm và lại đi làm vào sáng hôm sau.”
Một bức ảnh không đề ngày tháng của ông Hitoshi Ohashi. Hitoshi vẫn làm việc liên tục cho tới khi tình trạng của ông trở nên nghiêm trọng. Vợ của ông, bà Kinmi còn nhớ rõ cảm giác lo lắng của chồng mỗi khi bắt đầu ngày làm việc mới. Sau khi đưa chồng đến bệnh viện, các bác sỹ đã cho ông Hitoshi nhập viện ngay lập tức.
Bà Nanbu ở Ibaragi đã giữ chiếc cặp của người chồng quá cố và một chai rượu sake mà ông còn đang uống dở. Ông Nanbu là một kỹ sư tại một công ty nhỏ. Tại đây, công việc lấy đi của ông nhiều thời gian tới nỗi ông dường như bị cách li hoàn toàn khỏi gia đình mình. Ông đã giấu chứng trầm cảm suốt hơn 10 năm. Bà Nanbu nói: “Tôi đã đến gặp bác sĩ của chồng nhiều lần để dò hỏi tình trạng sức khỏe của ông ấy, nhưng bác sỹ luôn từ chối cung cấp thông tin”.
Bà Nanbu cầm chiếc khoác người chồng quá cố trong khi đang đứng bên cạnh chiếc va-li ở Ibaragi, Nhật Bản. Trong túi áo khoác là lá thư tuyệt mệnh của người chồng có viết: “Tôi xin lỗi. Tôi không thể làm việc được nữa. Tôi không biết tại sao. Tôi thực sự xin lỗi vì đã gây ra quá nhiều rắc rối cho công ty”. Ông đã lặp đi lặp lại lời xin lỗi của mình trên 20 lần.
Một hình ảnh không ghi ngày tháng chụp của bà Setsuko và ông Koichi Nanbu. Ông Nanbu đã tự tử bằng cách nhảy xuống đường ray xe lửa tại một vị trí mà ông có thể trông thấy căn hộ cũ của vợ chồng từng sống khoảng 20 năm trước. Bà Nanbu nói: “Tôi nghĩ rằng đó là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời ông ấy”.
Bà Setsuko Nanbu giơ ra chiếc đồng hồ của người chồng quá cố. Vào ngày tự sát, ông đeo chiếc đồng hồ đôi mà hai vợ chồng thường mang vào những dịp đặc biệt.
Bà Hiroko Ishikura đang cầm bức ảnh chụp người chồng quá cố tại Kyoto, Nhật Bản. Chồng bà mất cách đây 25 năm nhưng suốt 18 năm qua, bà đã không thể nói về vụ tự tử đau đớn ấy. Sau khi chồng chết, bà rơi vào tình trạng trầm cảm, nghiện rượu và đã từng tự sát ba lần không thành. Năm 2006, bà mở một quán cà phê để tổ chức các cuộc họp thường xuyên của những người cùng cảnh ngộ, nơi mọi người có thể nói về sự mất mát của những người thân yêu.
Những bức ảnh không rõ ngày chụp của Masafumi, người chồng quá cố của bà Hiroko Ishikura. Ông Masafumi đã có một khoảng thời gian khó khăn để tìm việc làm sau khi phải nằm viện điều trị chứng trầm cảm. Trong lần cuối cùng 2 vợ chồng nói chuyện, ông Masafumi rất lo lắng về việc sẽ không tìm được việc làm. Bà Hiroko từng nói với ông: “Anh cần tìm được một công việc gì đó”. Thế nhưng giờ đây, bà vô cùng hối hận vì câu nói này của mình. “Nghĩ lại, đó là lời nói thật sự tàn nhẫn. Lẽ ra tôi phải nói gì đó nhẹ nhàng và cảm thông hơn như “Chúng mình hãy cùng nhau tìm một công việc nào đó” hoặc “sẽ không sao cả nếu anh không có việc làm”.
Bà Hideko Shimamura vẫn ngủ trên chiếc giường cưới mà bà đã từng ngủ cùng chồng, ông Masayoshi Shimamura khi ông còn sống ở Saitama. Ông tự sát năm 2009 do bị trầm cảm trong quá trình làm việc quá sức và căng thẳng tột độ. Bà Hideko nói: “Ông ấy muốn bỏ việc và nghỉ ngơi để điều trị chứng trầm cảm, nhưng ông ấy không thể làm điều đó vì còn phải kiếm tiền để nuôi sống cả gia đình. Thậm chí, nếu ông nói với công ty về chứng trầm cảm của mình, ông có thể sẽ bị giáng chức, chuyển đến một nơi xa, hoặc bị đẩy xuống làm những việc không quan trọng. Ông đã chỉ làm một nghề trong suốt cuộc sống của mình và không còn tự tin rằng, có thể làm việc gì khác trong nền kinh tế hiện nay ở Nhật Bản”.
Bà Hideko Shimamura vẫn giữ cặp nhẫn cưới của hai vợ chồng. Khi người chồng tự tử, công ty cũ của ông đã không chịu chi trả số tiền trợ cấp hưu trí của ông.
Bà Hideko Shimamura cho thấy đoạn tin nhắn cuối cùng của người chồng quá cố. Đoạn tin nhắn có nội dung: “Cảm ơn em vì tất cả. Anh xin lỗi”. Qua điện thoại, ông nói với bà rằng: “Anh đã uống mười một viên thuốc, nhưng anh vẫn chưa cảm thấy buồn ngủ…” Ngay sau khi cúp máy, ông lại gọi điện lại cho vợ và nói “Cuối cùng anh đã bắt đầu cảm giác buồn ngủ và đang mất dần ý thức”. Đó là những lời cuối cùng ông nói với vợ.
Một bức ảnh không đề ngày tháng của Masayoshi Shimamura và cuốn sách của ông. Các tiêu đề của cuốn sách là “Làm thế nào để sống bình yên”, “Làm thế nào để sống không bất an và lo lắng” và “Làm thế nào để trở nên phấn chấn”. Ông Masayoshi đã giữ 1 cuốn tạp chí trong suốt 4 năm và đọc sách để tự giúp mình đối phó với chứng trầm cảm.
Bà Hideko Shimamura còn giữ một ngăn kéo chứa đầy quần áo người chồng quá cố. Chồng bà thường nói: “Công ty không quan tâm gì đến nhân viên. Anh chỉ là một bánh răng trong cỗ máy. Nếu anh nói một điều gì đó tiêu cực về môi trường làm việc, họ sẽ sa thải anh bất cứ lúc nào”.
(Theo Trí Thức Trẻ)