Harukami – Thiền sư trong thế giới văn chương

Đăng ngày 14/10/2014 bởi iSenpai

Danh tiếng của nhà văn Nhật Bản, Haruki Murakami có được nhờ kỷ luật thép, sự tập trung và quyết tâm trong viết lách. Như một thiền sư trong thế giới văn chương, ông là hiện thân của trí tuệ, niềm đam mê, kỹ năng và ý chí hơn người.

Chưa thành chủ nhân của giải thưởng Nobel danh giá dù mang nhiều kỳ vọng, Haruki Murakami vẫn được xếp “cùng chiếu” với những tên tuổi hàng đầu văn đàn thế giới hiện nay. Mỗi tác phẩm mới ra mắt của nhà văn người Nhật lại tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng độc giả ái mộ tài năng của ông. Nổi tiếng là vậy nhưng trong đời thường, Haruki Murakami lại là một con người vô cùng bình dị.

Vốn là một chủ quán bar nhạc jazz nhưng có niềm đam mê với bóng chày. Một lần đi xem bóng, Haruki Murakami chợt nghĩ rằng tại sao mình không bắt đầu viết văn dựa trên những hiểu biết về môn thể thao này, nhất là khi bạn bè cứ đinh ninh rằng ông không có năng khiếu kinh doanh và sớm muộn gì quán bar cũng sẽ phải đóng cửa. Năm 1978, khi ra mắt tác phẩm đầu đời ở tuổi 29, Murakami đoạt một giải thưởng uy tín, ông trở nên nổi tiếng và thực sự tạo ra bước ngoặt cuộc đời. Haruki Murakami đã phải lựa chọn một trong hai, kinh doanh hoặc viết lách. Và rồi mặc cho định kiến về tương lai không chắc chắn của một nhà văn, ông đã bán quán bar của mình để chuyên tâm cho văn chương. Nhưng rồi sau khi tập trung viết toàn thời gian, Murakami nhận ra sức khỏe mình không dẻo dai như vẫn tưởng. Murakami rời Tokyo đến sống ở ngoại thành, bắt đầu bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh và chạy bộ để rèn luyện sức khỏe.

Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ The Paris Review mùa hè năm 2004, ông viết: “Khi đang viết dở một cuốn tiểu thuyết, tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc liên tục từ 5 – 6 giờ. Buổi chiều, tôi chạy bộ khoảng 10 km, bơi 1500m hoặc cả hai. Sau đó tôi đọc một chút và nghe nhạc. Tôi đi ngủ vào lúc 21 giờ. Tôi giữ thói quen này mỗi ngày mà không cần thay đổi. Sự lặp lại của nó là một điều vô cùng quan trọng, như một thuật thôi miên. Tôi thôi miên bản thân mình để đạt được một trạng thái sâu sắc hơn về tâm trí. Tuy nhiên, để lặp đi lặp lại thói quen này trong thời gian 6 tháng đến 1 năm, đòi hỏi một sức khỏe thể chất và tinh thần rất tốt. Và như vậy, viết một cuốn tiểu thuyêt dài giống như một bài luyện tập sống, sức mạnh thể chất cũng cần thiết như sự nhạy cảm về nghệ thuật”. Dậy sớm và đi ngủ trước 10 giờ tối, không ăn khuya, thường xuyên đi dạo và đặt ra kỷ luật viết lách nghiêm túc, Murakami đã có được thành công nhờ tài năng và cả sự khổ luyện.

Chính vì muốn tập trung cho việc viết lách, Haruki Murakami chọn cách sống ẩn dật, rất ít khi xuất hiện. Tuy nhiên, trong những lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi, ông đều gây ấn tượng nhờ phong thái vui vẻ, sống động, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Lý giải về điều này, nhà văn 64 tuổi cho hay: ông sống một cuộc đời bình thường, di chuyển bằng tàu điện ngầm và xe bus, mua sắm trong các cửa hàng địa phương và vì thế ông cảm thấy thiếu thoải mái nếu bị truyền thông theo dõi sát nút. Trong cuộc trò chuyện tại Đại học Kyoto hồi tháng 5 vừa qua, với sự tham gia của 500 người may mắn nhân ra mắt cuốn Shikisai wo Motanai Tazaki Tsukuru to, Kare no Junrei no Toshi (Tạm dịch: Tsukuru Tasaki vô vị và những năm tháng hành hương), Murakami đã nhận được 1.500 câu hỏi. Tại cuộc trò chuyện này, nhà văn người Nhật có kể lại một câu chuyện cũ như sau: “Nhiều năm trước, khi đi gia hạn giấy phép lái xe, có một nhân viên giao dịch quầy liên tục thốt lên “Haruki Murakami. Khi đến lượt tôi làm thủ tục, người đó đã hỏi: Ông cùng tên với một tiểu thuyết gia nổi tiếng phải không?”. Và tôi đã trả lời: “Đúng vậy”.
Tác phẩm của Murakami phản ánh một phần cuộc sống và con người của ông. Có nhiều cuốn thường xuyên nói về nhạc jazz, riêng cuốn Phía nam biên giới, phía Tây mặt trời kể về một chủ quán bar nhạc jazz. Vì yêu mèo, ông cũng thường viết về chúng với dụng ý độc đáo và mê hoặc. Tình yêu, niềm đam mê và sự cô đơn cũng là những chủ đề chính trong các tác phẩm của Murakami.

Mỗi cuốn tiểu thuyết là một xứ sở xa lạ, Murakami không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ mà luôn kiếm tìm những phương thức khác nhau để bồi đắp phong cách viết lách. Giống như một người thợ thủ công tỉ mẩn, lành nghề, nhà văn người Nhật Bản chưa bao giờ hết gây ngạc nhiên cho độc giả với những sáng tác của mình. Cuốn tiểu thuyết Shikisai wo Motanai Tazaki Tsukuru to, Kare no Junrei no Toshi có đề cập tới nghệ sĩ piano người Nga, Lazar Berman đã gây nên một cơn sốt trên thị trường đĩa nhạc cổ điển. Tất cả đĩa của Berman đều bán sạch sành sanh chỉ một thời gian ngắn sau khi Shikisai wo Motanai Tazaki Tsukuru to, Kare no Junrei no Toshi được xuất bản. Trước đó, bộ ba tác phẩm 1Q84 đã tạo ra một cơn sốt trong tiêu thụ đĩa nhạc cổ điển Sinfonietta của nhà soạn nhạc người Czech, Leos Janacek được nhắc tới trong tác phẩm đã bán hết veo nhờ danh tiếng và sự tuyệt vời trong bút pháp Murakami.

Nguồn Nhã Nam

Trả lời