Không chỉ đơn giản là một quốc gia với nền văn hóa có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam, mà Nhật Bản cũng vô cùng nổi tiếng trên thế giới về việc có những người, việc “lạ” quá khác biệt so với suy nghĩ chung của người “bình thường”. Không nói đến những lế hội, điểm du lịch hay địa điểm đặc thù, ngay trong cuộc sống hàng ngày thôi bạn cũng có thể bắt gặp rất nhiều chuyện thú vị, mà nếu tìm hiểu kỹ hơn bạn mới thấy hết được sự thú vị của nó.
Người Nhật luôn có những lịch “cố định” để đi chơi trong năm, ví dụ như mùa xuân ngắm hoa anh đào, mùa hạ ngắm pháo hoa, mùa thu ngắm lá đỏ, mùa đông ngắm tuyết, đi suối nước nóng và chơi Nôen,… Chính vì thế nên nếu đi đến một điểm du lịch đang vào đúng “mùa”, bạn sẽ gặp phải những cảnh tượng thế này – quá nhiều người cũng đến cùng nơi với cùng mục đích như bạn. Pháo hoa được bắn vào khoảng 7 giờ tối, nhưng những người giữ chỗ thì đã bắt đầu đến từ trước 12 giờ trưa.
Tuy rất đông người và ồn ào nhưng những đám đông thế này ở Nhật thường vô cùng trật tự – về mặt an ninh. Ban tổ chức thỉnh thoảng có phát loa thông báo nhắc nhở mọi người chú ý uống đủ nước tránh bị mất nước, hay khi quá đông người sóng điện thoại sẽ không sử dụng được, nhưng không bao giờ phải nhắc nhở về nạn trộm cắp. Điều này cũng dẫn đến hệ quả là một số người đến sớm, rải bạt ra để chiếm chỗ nhưng không ở lại giữ chỗ mà đi về hoặc đi chơi chỗ khác. Và trong số đó lại có những người cũng không thèm quay lại xem pháo hoa nữa, báo hại những người đến sau không có chỗ để đứng/ngồi xem, nhưng dù vậy họ cũng không bén mảng vào chỗ đã có rải bạt từ trước vì “đó là chỗ của người khác đến sớm hơn mình”.
Trong những sự kiện đông người thế này thì nhà vệ sinh là một vấn đề nan giải – vì có hàng ngàn người đến chờ suốt nhiều tiếng đồng hồ. Kể cả khi đã có giải pháp, bạn vẫn phải xếp hàng dài đến cả vài chục người để được đi vệ sinh tại những nhà vệ sinh “dã chiến” thế này. Thường đàn ông đi vệ sinh thì không đóng cửa, để tiết kiệm thời gian và cho những người sau khỏi phải chờ lâu.
Ở Nhật có rất nhiều mèo hoang. Thực tế người dân không bao giờ động đến hay làm hại những con vật hoang, chỉ trừ khi chúng gây hại cho người hay tài sản, như lợn rừng xổng, quạ bới rác, … vì thế nên các con vật hoang có thể chung sống hòa bình với con người. Bầy mèo hoang trong ảnh sống ở khu vực “Con đường triết học” ở Kyoto, là nơi có nhiều địa điểm văn hóa lịch sử nổi tiếng và thường xuyên có nhiều khách du lịch qua lại. Tuy nhiên chúng hoàn toàn không sợ người mà còn tỏ ra rất thân thiện, ngược lại các du khách cũng tỏ ra rất thân thiện với chúng.
Một chú cò đứng co ro trong kênh nước ở Arashiyama – Kyoto. Tôi đã từng đến đây vào mùa thu, mùa đông của vài năm khác nhau, và lần nào cũng thấy hình ảnh chú cò này đang thu mình đứng dưới nước.
Nói đến động vật hoang dã sống chung với người, không thể không kể đến nai. Ở Nara, và Hiroshima cũng như vài địa phương khác (đặc biệt là Nara) các chú nai được thả rông ban ngày để đi kiếm ăn, chơi rông và thực hiện “nhiệm vụ” chính của chúng: chụp ảnh cùng du khách, và được gọi về “chuồng” khi trời tối. Được nhìn, sờ, cho ăn và chơi đùa cùng nai cũng là một điểm thú vị thu hút khách du lịch ở các địa phương này.
Bên trong một trung tâm mua sắm tại Tokyo: Dòng sản phẩm nước hoa cao cấp đang được quảng cáo chào mời bởi những người mẫu nam lực lưỡng cường tráng. Quả là một chiêu tiếp thị hấp dẫn, đặc biệt là tại một nơi – như bạn có thể thấy trong ảnh – mà khách hàng đến shopping hầu hết là phụ nữ như thế này.
Một vài món đồ được bán trong những trung tâm mua sắm cao cấp: Bút máy tùy loại có giá từ ¥55,000 – ¥103,000, bật lửa có giá từ ¥124,950 đến ¥212,200.
Bạn có thể nghĩ bọn tội phạm làm tiền giả ở Nhật quá tinh vi vì những đồng tiền giả (ảnh dưới) do chúng in ra quá giống so với tiền thật (ảnh trên) đến nỗi mắt thường không phân biệt được… nhưng thực ra đây chỉ là những đồng tiền giả lấy may, được bán với giá rẩt rẻ.
Các trường từ tiểu học đến đại học của Nhật thường có các câu lạc bộ thể thao của trường, được thành lập để đáp ứng nhu cầu chơi thể thao rèn luyện sức khỏe của học sinh sinh viên và để đi thi đấu mang thành tích về cho trường. Những câu lạc bộ này được đào tạo huấn luyện kỹ càng, với lịch tập luyện dày đặc và kỷ luật rất nghiêm khắc, nghiêm khắc đến mức mà – như bạn có thể thấy trong ảnh – mưa bão không phải là một lý do chính đáng để hủy cho dù chỉ là một buổi tập. Và đây chỉ là một câu lạc bộ của trường, không phải câu lạc bộ chuyên nghiệp. Không phải không có lý do mà các cầu thủ đá bóng của Nhật (và cả các vận động viên thể thao) đều có nền tảng thể lực vô cùng tốt, một phần lý do là vì họ có nhiều thời gian tập thể lực trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau.
Nếu ở Việt Nam có xích lô,thì ở Nhật cũng có một loại hình xe thô sơ chạy bằng sức người được sử dụng với mục đích chính là phục vụ khách du lịch. Jinrikisha – xe người kéo – ở Kyoto thu hút khá nhiều lượt khách tham quan, một phần lý do là vì muốn đi thăm thú hết các điểm tham quan ở đây khách du lịch phải đi bộ khá nhiều.
Cho dù bạn sống ở Nhật, ít nhất trong vòng 1 năm đầu tiên ban sẽ rất dễ bị lạc trong các ga lớn nếu như không đi con đường bạn đã quen đi, bởi do có nhiều tuyến đường sắt chạy qua chống chéo nhau và cùng tập trung ở một ga lớn, trong những ga này lại chia thành nhiều tầng, phải có nhiều đường đi, thang máy, thang cuốn… nên việc tìm đường ở đây là rất phức tạp. Tuy nhiên, do có vô số những biển chỉ dẫn đặt tại trên cao, dưới thấp bên trong nhà ga mà việc tìm đường trong ga còn chưa phải là việc phức tạp nhất. Có một việc khác còn khó hơn nữa: đó là tìm ra một quán ăn cụ thể trong ga. Do có quá nhiều món ăn, nằm trên những hành lang không tên và không được đánh số – và dù có thì việc đánh số cũng không theo quy luật nào, nếu quán ăn đó không phải nằm gần một nơi mà bạn đã biết trước, thì xác suất bạn đi lạc trước khi tìm thấy quán ăn đó có thể nói là đến 90%.
Tại Nhật có một thường thức hoàn toàn khác với Việt Nam: đó là nếu anh nói chuyện, hay nghịch điện thoại, hay làm bất cứ điều gì không liên quan đến bài giảng, anh đang làm việc riêng, nhưng nếu anh ngủ gật, thì đó là việc “không thể tránh khỏi”, vì cơ thể quá mệt mỏi và anh ngủ thiếp đi chứ không phải là một hành động anh cố tình làm. Ở các trường đại học, một số giảng viên xử lý tình huống này bằng cách nhẹ nhàng gọi sinh viên thức dậy hoặc thậm chí còn cho họ 5-10 phút giải lao rửa mặt, một số khác thì lịch sự không làm phiền các sinh viên này. Không chỉ trong nhà trường mà trong công việc thường thức này cũng tồn tại, và vì thế xuất hiện hiện tượng nhân viên giả vờ ngủ gục trên bàn giấy sau giờ làm hoặc thậm chí trong giờ làm, để gây ấn tượng tốt với sếp là mình đã dồn toàn tâm toàn lực vào công việc đến độ kiệt sức.
Và với mặt bằng an ninh tốt, ở Nhật hiện tượng ngủ gật trên xe điện cũng là một hiện tượng hết sức phổ biến. Nếu có ghế người Nhật sẽ ngủ ngồi, còn nếu không họ sẽ ngủ đứng, và có thể nói là họ cực kỳ giỏi trong việc này. Cũng rất nhiều khi họ ngủ quá ngon và… đổ gục vào người đứng/ngồi bên cạnh, làm những người này hết sức bối rối và khó xử. Trong những trường hợp thế này thì việc ngủ gục thực sự là do cơ thể đã quá mệt sau một ngày học tập và làm việc, chứ không phải là để gây ấn tượng với ai khác như trường hợp ở trên nữa.
Ở Nhật có một hình thức marketing rất sáng tạo, hiệu quả và mang phong cách dễ thương đúng kiểu Nhật: đó là các địa phương, thành phố, các nhãn hiệu hàng hóa, các tổ chức pháp nhân (hay đôi khi là cả các nhà ga, các địa điểm du lịch) tạo ra một nhân vật hoạt hình thật dễ thương, và tuyên truyền quảng bá cho thương hiệu – hình ảnh của mình gắn liền với nhân vật đó. Nhiều khách hàng hay người dùng có cảm tình với các thương hiệu hay địa phương đó thông qua nhân vật hoạt hình này, hay nếu không quá cảm tình thì họ cũng có một hình ảnh để dễ dàng liên tưởng đến thương hiệu/địa phương đó hơn.
Và sau khi đã xây dựng được hình ảnh đó và “thấm” đủ sâu vào trí nhớ thị trường rồi, họ sẽ hiện thực hóa những nhân vật hoạt hình đó bằng trang phục nhồi bông như trên, và đứng ở những nơi đông người qua lại mời chào mọi người chụp ảnh. Hiệu quả của việc này có thể nói là rất đáng kể: Một mặt, họ tuyên truyền được hình ảnh của nhân vật hoạt hình gắn với thương hiệu/địa phương mình, một cách rất thu hút. Mặt khác, nếu có người chụp ảnh cùng, rất ít người sẽ cất ảnh đó đi không đụng đến nữa, mà phần lớn họ sẽ để ảnh đó trong nhà, đưa lên mạng hoặc đi khoe với bạn bè mình – có nghĩa là họ sẽ giúp quảng bá hình ảnh của thương hiệu/địa phương đó một cách hiệu quả hơn nữa.
(còn tiếp)
Bạn có những hình ảnh cùng với những câu chuyện bên lề thú vị về Nhật Bản (do chính bản cảm nhận)? Hãy chia sẻ cùng iSenpai!
Bài & Ảnh: Mr.Kro (Trừ các ảnh đã ghi rõ nguồn)