Nekonomic là từ ghép từ chữ neko trong tiếng Nhật là mèo, “nomic” bắt nguồn từ “economic”, ta có thể gọi một cách đơn giản nekonomic là “kinh tế mèo”. Người ta nói rằng “Những chú mèo dễ thương có thể chữa lành mọi vết thương lòng. Vì vậy nếu cuộc đời khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, tổn thương, đau đớn hãy thử tìm đến một chú mèo xem sao nhé.” Càng ngày càng có nhiều người coi điều trên là chân lí. Như một thói quen trong hơn một năm nay, người ta lại nghi ngờ rằng, phải chăng, sự thay đổi này là do corona? Chẳng ai có thể ngờ được, kinh doanh mèo lại có thể đem về món lợi nhuận nhiều như thế.
Khi cơ hội đến…
NHK đã phỏng vấn Junko Kobayashi, làm việc tại một công ty thuộc lĩnh vực IT ở Shibuya, Tokyo, cho biết, chị đã bắt đầu nuôi mèo vào tháng 3 năm ngoái, một phần vì chị chuyển sang làm việc online kể từ tháng 2. Vào thời điểm đó chị sống ở 1 căn phòng ở trung tâm Tokyo, nhưng nó quá nhỏ để có thể làm việc tại nhà. Và vì hiện tại không phải đi làm nữa, chị cảm thấy không nhất thiết phải sống ở Tokyo, một thành phố đắt đỏ, chật chội. Chị quyết định mua một căn hộ lớn hơn ở Chiba để có thể nuôi thú cưng.
Đúng lúc đó, một người bạn đã tình cờ giới thiệu cho chị một chú mèo chưa tròn một tuổi, và chị quyết định nhận nuôi nó. Đây cũng là lần đầu tiên chị nuôi thú cưng. Chị Kobayashi chia sẻ: “Tôi đã quen với cuộc sống một mình. Vì vậy, khi suy nghĩ trên khía cạnh trách nhiệm, tôi khá lo lắng không biết mình có thể nuôi nó hay không. Nhưng khi tôi bắt đầu nuôi nó, chú mèo đó quả thực quá đáng yêu. Nó thực sự khiến tôi cảm thấy thư thái và hạnh phúc.”
Trong năm 2020, người ta ước tính số thú cưng được nuôi (chỉ gồm chó và mèo) là khoảng 18.133.000 con (Tổng hợp của Hiệp hội Thức ăn Vật nuôi). Và trong năm nay, nhu cầu mua cún con, mèo con được dự đoán còn tiếp tục tăng lên. Năm ngoái, số lượng mèo được nuôi tăng 16% và ở chó cũng tăng 14%. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Khi được hỏi lý do bạn quyết định nuôi chó (mèo) là gì, câu trả lời phổ biến nhất mà người ta nhận được là “Tôi đã từng nuôi chó (mèo) nên muốn nuôi lại” hay “Tôi muốn có những trải nghiệm thư thái, thoải mái”. Có lẽ việc không thể ra ngoài do lo ngại Corona, khiến người ta strees và ngày càng nhiều người tìm đến sự relax nhờ thú cưng.
Tương lai từ “kinh tế mèo”
Năm 2020, quy mô thị trường của các ngành hàng liên quan đến vật nuôi được ước tính là 1 624.2 tỷ yên (tổng hợp của Viện nghiên cứu Yano). Nhu cầu về lồng, bát ăn cho chó mèo, vòng cổ, v.v.. ngày càng tăng. Người ta còn dự đoán rằng thị trường này sẽ tiếp tục mở rộng khi mà thức ăn cho vật nuôi thì trở nên cao cấp hơn và chi tiêu cho việc du lịch, ăn uống của con người giảm đi. Những năm trước đây, người ta có xu hướng nuôi chó nhiều hơn, tuy nhiên từ năm 2017, tốc độ nhân giống loài mèo đã vượt và soán ngôi đầu bảng của chó.
Năm ngoái, có hơn một triệu con mèo con được ra đời và dĩ nhiên là nhiều hơn chó. Sách và hàng hóa liên quan đến mèo cũng dần trở nên phổ biến trên thị trường. Để hiểu rõ hơn hiện trạng loài mèo đã “xâm chiếm” Nhật Bản như thế nào, bạn hay cùng lướt qua những sự kiện sau đây nhé.
1. Cuốn sách “Nyappuru”, được phát hành vào tháng 1 năm nay, viết về mèo, đã nhanh chóng làm bão trên các mạng xã hội. Cuốn sách được order nhiều đến nỗi, người ta còn phải tiến hành tái bản khẩn cấp đặc biệt trước khi nó được phát hành.
2. Vào tháng 2, một công ty sản xuất đồ gia dụng lớn của Nhật đã cho ra mắt “phòng tắm, vệ sinh” dành riêng cho mèo. Khi cảm biến phát hiện chú mèo của bạn đã rời khỏi nhà vệ sinh, chức năng tự động rửa sạch sẽ được kích hoạt. Điểm thú vị đáng chú ý nhất của dụng cụ này là một vòi hoa sen được thiết kế hoạt động tốt ngay cả khi mèo di chuyển.
3. Tại thành phố Nagoya, người ta còn phát hành một “tour du lịch xe buýt cho những người yêu mèo”. Bạn có thể thưởng thức một quán cà phê mèo, một cửa hàng bánh mì với họa tiết mèo và trải nghiệm vẽ tranh mèo thần tài,…
4. Một khách sạn ở Osaka đã bắt đầu ý tưởng biến cả khách sạn thành nơi mà những người đến đây có thể vừa làm việc vừa ngắm mèo. Tại đây, bạn có thể vừa làm việc trong phòng riêng vừa nhìn mèo qua những tấm kính trong suốt.
Lợi nhuận từ “kinh tế mèo”
Hiệu quả từ kinh tế mèo “Nekonomics” theo bạn có thể là bao nhiêu? Vào tháng 3, giáo sư danh dự Katsuhiro Miyamoto của Đại học Kansai đã công bố rằng ước tính tổng các nguồn lợi nhuận liên quan đến những chú mèo “chanh xả” này có thể rơi vào khoảng 2 082,4 tỷ yên (năm 2020).
Các nguồn lợi nhuận liên quan này bao gồm:
● Chi phí nuôi cơ bản như thức ăn, đồ dùng và chi phí y tế
● Sách ảnh mèo và các hàng hóa liên quan
● Du lịch mèo và quán cà phê mèo
Mặt khác người ta cũng làm một thống kê tương tự cho “Inunomics” (tạm gọi là kinh tế chó), ước tính doanh thu là 2 899,5 tỷ yên. Nếu làm một phép tỉnh đơn giản tính tổng lợi nhuận từ kinh doanh chó mèo ta thu được một con số lên tới gần 5 nghìn tỷ yên.
“Thú cưng là gia đình”
Hầu hết người Nhật chăm sóc thú cưng rất cẩn thận. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp người ta bắt gặp những chú chó, mèo đáng thương tội nghiệp bị bỏ rơi. Người ta đã phỏng vấn NPO “ Tổ chức bảo vệ mèo Tokyo”, tại thành phố Tokyo, nơi được cho là nơi tiên phong cho hình thức hoạt động “Quán cà phê mèo” ở Nhật Bản. Tổ chức này hoạt động dựa trên việc tiến hành nhận nuôi những con “mèo bị bỏ rơi” do chính quyền địa phương hoặc người dân mang đến.
Kể từ năm 2008, NPO đã tiến hành các hoạt động tặng mèo cho những người thực sự muốn nuôi. Gần đây, số lượng người nhận nuôi mèo ngày càng nhiều. Năm ngoái chỉ trong tháng 8, họ đã chuyển đi 122 con mèo, và đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Ông Yamamoto đại diện tập đoàn NPO cho biết: “Tôi nghĩ rằng sự gia tăng nhận mèo là do càng ngày càng có nhiều người quan tâm đến mèo và bắt đầu nuôi chúng khi có dịch Covid. Tuy nhiên, tại thời điểm này, số lượng mèo bị bỏ rơi ngày càng tăng.”