Phong tục viết những điều ước lên những tờ giấy màu nho nhỏ vào đêm của ngày 7 tháng 7 hàng năm và treo lên một cành tre để trang trí vẫn còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Hình ảnh những cây tre, trúc treo đầy những mảnh giấy màu sặc sỡ, trên đó viết đầy những điều ước gửi tới Ngưu Lang và Chức Nữ đã gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều người Nhật. Vậy thì lễ Thất Tịch đã bắt đầu từ bao giờ và như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của lễ Thất Tịch nhưng có thể kể đến 3 giả thuyết sau:
1, Vốn dĩ là nghi lễ Tanabata (棚機) của Nhật Bản
2, Do bắt nguồn từ truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ
3, Lễ Kikouden (乞巧奠) được truyền từ Trung Quốc vào Nhật Bản vào thời Nara.
Tanabata (棚機) là gì?
Tanabata là một nghi thức thanh tẩy có từ ngày xưa của Nhật Bản, một trinh nữ sẽ dệt những chiếc áo kimono và đặt lên trên giá, dùng để đón mừng Thần linh cầu mong một mùa màng bội thu, và gột rửa những ô uế. Những người trinh nữ được chọn gọi là Tanabata tsume, những trinh nữ này sẽ giam mình trong phòng dệt ở những vùng có nước trong xanh, họ dùng tất cả sự thành kính dệt nên những chiếc áo kimono để dâng lên các Thánh thần. Khung dệt được dùng khi ấy được gọi là Tanabata. Về sau, khi đạo Phật được truyền bá vào Nhật, nghi thức này dần trở thành nghi thức để chuẩn bị cho lễ Obon, tổ chức vào đêm ngày 7 tháng 7. Có nguồn cho rằng ngày nay lễ Thất Tịch七夕được gọi là Tanabata là do bắt nguồn từ đây.
Truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ
Người xưa cho rằng Chức Nữ tức ngôi sao Chức Nữ của chòm Thiên Cầm phụ trách việc dệt vải, và Ngưu Lang tức ngôi sao Ngưu Lang của chòm Thiên Ưng có nhiệm vụ cai quản việc làm nông. Hai ngôi sao này cứ đến ngày 7 tháng 7 theo lịch cũ sẽ vượt qua sông Ngân Hà và có thể thấy chúng sáng rất rực rỡ. Từ đó, người Trung Quốc cho răng đây là ngày hội ngộ một năm một lần và câu chuyện về lễ Thất tịch ra đời.
Trời mưa ngày Thất tịch, vậy Ngưu Lang và Chức Nữ hai người có gặp được nhau?
Nếu có người cho rằng, vào đêm Thất tịch dù chỉ mưa một chút xíu thì có nghĩa là hai người đã không gặp được nhau, thì cũng có người lại cho rằng dù trời mưa nhưng hai người đã đến được bên nhau, trời mưa là do những giọt nước mắt vui sướng của Chức Nữ mà ra. Có cả những nơi dùng những nước mưa này để thanh tẩy những ô uế.
Mặt khác, cũng có những nơi cho rằng nếu hai người gặp được nhau thì năm đó bệnh dịch sẽ hoành hành, vì vậy họ cầu mong để hai người không gặp được nhau. Ngày xưa, Thất tịch tổ chức vào ngày 7 tháng 7 theo lịch cũ, tức khoảng ngày 12 tháng 8 theo lịch ngày nay, vậy nên người dân những nơi đang khổ sở vì hạn hán sẽ cầu trời có mưa.
Kikouden là gì?
Kikouden là một nghi thức của người Trung Quốc tổ chức vào ngày 7 tháng 7, được sinh ra từ phong tục cầu mong thần Chức nữ ban cho tay nghề thêu thùa may vá giỏi giang. Người ta sẽ bày biện kim thêu lên một bàn cúng đặt ở trước sân, hướng tới ngôi sao là Thần và dâng lên ước nguyện của mình. Dần dần, không chỉ việc thêu thùa mà người ta còn cầu mong sự tiến bộ trong nghệ thuật hay thư pháp.
Đêm Thất Tịch được truyền tới Nhật Bản
Thời Heian, câu chuyện này được truyền tới Nhật Bản, lễ Thất Tịch được cử hành như một nghi lễ trong cung điện. Những người trong cung điện sẽ bày biện những đồ cúng như đào, lê, dưa, đậu tương, cá hồng khô, bào ngư, ngước nhìn những vì sao, đốt trầm hương, chơi nhạc cụ, ngâm thơ. Người xưa cho rằng, những giọt sương đọng trên lá của cây khoai là “Những giọt nước từ Ngân hà”, họ dùng những giọt nước này để mài mực, viết những bài thơ lên lá dâu và cầu nguyện. Từ xưa, cây dâu đã được cho là loại cây linh thiêng, và hay được dùng như lễ cụ trong nhiều trường hợp.
Thời Edo, dần dần trở thành nghi lễ trong dân gian
Đến thời Edo, Thất tịch trở thành một trong 5 ngũ tiết, được lan rộng trong dân gian, và dần dần được tổ chức trên toàn đất nước. Người người dâng lên trái cây và rau củ, cầu mong cho việc thơ ca, học hành tiến bộ. Và thay cho cây dâu, người ta viết điều ước lên những mảnh giấy ngũ sắc, treo lên cây tre, việc cúng lễ dần chuyển thành những lễ hội.
Người Trung Hoa cổ đại có học thuyết Ngũ hành, theo đó các hiện tượng tự nhiên và xã hội biến đổi dựa trên 5 yếu tố là Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy, và mảnh giấy ngũ sắc tương ứng với 5 màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen. Ở Trung Quốc, người ta không dùng giấy ngũ sắc mà thay vào đó treo những quả cầu đầy màu sắc cùng với cờ đuôi nheo và chỉ ngũ sắc. Ngoài ra, họ còn cho nước vào trong chậu, thả lá dâu vào trong đó, hình ảnh của hai ngôi sao Ngưu Lang và Chức Nữ phản chiếu trong đó để cầu mong hai người bình an gặp nhau.
Lễ Thất tịch ngày nay
Điều ước được gặp nhau của Ngưu Lang và Chức Nữ vào đêm Thất Tịch ngày 7 tháng 7 thành hiện thực. Mọi người viết những điều ước lên những mảnh giấy mong sao “Điều ước của mình cũng sẽ thành hiện thực giống hai người ấy”, và treo trang trí chúng lên cành tre hoặc trúc.
Tre và trúc là loại cây ngay cả mùa đông vẫn có thể giữ được màu xanh, chúng lớn lên ngay thẳng, là loại cây tràn trề sinh lực. Vì vậy từ ngày xưa, người ta cho rằng chúng mang một sức mạnh thần bí. Vì là một loại cây linh thiêng nên chúng được cho rằng là nơi thần linh có thể trú ngụ. Sau lễ hội, phong tục thả những cây tre, trúc này xuống biển, sông với ý nghĩa những cành tre, trúc này sẽ mang đi những ô uế.
Những lễ hội Tanabata nổi tiếng
Lễ hội Tanabata ở Sendai
Lễ hội Tanabata ở Hiratsuka Shounan
Lễ hội Tanabata ở Ichinomiya
Tham khảo: Wikipedia, http://www.jishujinja.or.jp/tanabata/yurai/