Nghệ thuật gây thanh thế của Ajinomoto

Đăng ngày 26/10/2014 bởi iSenpai

Người Nhật có lẽ là dân tộc đầu tiên có được kỹ nghệ hoá hợp chế tạo chất bột ngọt có tên khoa học là “Monosodium Glutamate” hay viết tắt là “MSG”!

Dân Nhật đã biết dùng một vài loại rong biển để giúp tăng thêm mùi vị của thức ăn từ cả ngàn năm về trước. Song mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 (khoảng năm 1908-1910) một vài nhà hoá học Nhật Bản mới thành công trong việc tách rời phân tố của hợp chất axit nhựa bột (glutamate… như trong chất dẻo của một số chất bột, v.v.) từ rong biển.

Và sau đấy, một công ty sản xuất bột ngọt đã hình thành đầu tiên trên thế giới với cái tên Ajinomoto mà chúng ta còn được biết là hãng bột ngọt Moto!

Bột ngọt Ajinomoto là sản phẩm danh tiếng thế giới. Sản phẩm Ajinomoto chiếm lĩnh khoảng 90% tổng lượng tiêu thụ của thị trường bột ngọt Nhật Bản, bán chạy ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sản phẩm bột ngọt Ajinomoto từ khi ra đời đến lúc thành danh đã trải qua rất nhiều thăng trầm.

Đầu thế kỷ 20, trên thế giới chưa hề có khái niệm bột ngọt. Suzuki, người thanh niên Nhật Bản bắt đầu mò mẫm nghiên cứu bột ngọt, anh tin rằng loại sản phẩm này nhất định sẽ trở thành sản phẩm yêu thích của nhân loại. Suzuki đã dày công cùng với các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu chế tạo nhiều lần, cuối cùng tìm ra được công thức pha chế. Bằng niềm tin của mình, Suzuki đầu tư vốn, xây dựng nhà máy sản xuất bột ngọt.

Nhưng, khi sản phẩm xuất hiện trên thị trường, mọi người đón nhận rất thờ ơ, con đường tiêu thụ ngày càng trở nên khó khăn khiến Suzuki gần như mất hết vốn. Rất nhiều người chế nhạo Suzuki vì sản xuất ra cái thứ kỳ quái không biết là thuốc hay là hạt tiêu.

Không nản chí, Suzuki hiểu rằng thất bại ban đầu của Ajinomoto không phải do sản phẩm mà là ở sách lược tiếp thị. Bởi vì trước sản phẩm Ajinomto chào đời, hãng chưa giới thiệu quảng cáo với công chúng về tác dụng và giá trị của bột ngọt, không ai biết nó là một loại gia vị mới ra đời. Có thể nói đây là vấn đề phổ biến mà hầu hết các sản phẩm mới đều gặp phải.

Trong xã hội kinh tế thị trường, các doanh nghiệp ngoài có sản phẩm mới chất lượng tốt thì phải có biện pháp tiêu thụ thích hợp, phải khuyếch trương thanh thế trước, giành lấy tai mắt của mọi người, tức là trước khi sản phẩm đưa ra tiêu thụ thì điều cần làm là giúp khách hàng biết đến sản phẩm của mình, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của sản phẩm, hướng dẫn tiêu thụ, thu hút thị trường, để người sử dụng thấy được nghe được. Suzuki cuối cùng đã lĩnh hội được điều này.

Rút kinh nghiệm, cùng với việc tung sản phẩm Ajinomoto ra thị trường, Suzuki thực hiện nhiều chiến lược quảng bá và giới thiệu về loại sản phẩm mới này, giúp người tiêu dùng hiểu được công dụng và các ưu nhược điểm của sản phẩm. Mỗi gói sản phẩm phẩm bán ra đều có bản hướng dẫn chi tiết về thành phần cấu tạo và công dụng của bột ngọt. Suzuki cho các nhân viên đi phát các tờ rơi về sản phẩm trên toàn nước Nhật, thường kèm theo mỗi bản hướng dẫn là một gói Ajinomoto nhỏ.

Trên thực tế, Suzuki đã trải qua bao khó khăn, thử thách. Sau khi thành công, nhớ lại cảnh lúc ấy, Suzuki nói: “Hồi ấy không những tiêu thụ gặp phải trắc trở mà chế tạo cũng gặp phải đá. Tôi là người không sợ gian khó, nhưng quả thật cũng cảm thấy tiến thoái lưỡng nan. Quanh năm suốt tháng suy nghĩ, gian khổ tìm tòi vẫn không tìm được lời giải. Trong tình hình đó, đã nhiều lần tôi có ý định tự sát”.

Sau khi bột ngọt Ajinomoto trở thành sản phẩm bán chạy trên thế giới, một phóng viên hỏi Suzuki: “Đâu là nguyên nhân chủ yếu nhất khiến bột ngọt của ngài xưng bá trên thế giới?” Ông trả lời: “Chính là dựa vào tuyên truyền và tiếp thị. Nhân viên tiếp thị của tôi giống như nước sông chảy mãi không ngừng, tuyên truyền không biết mệt đến mọi người. Bất cứ nơi nào trên thế giới, chỉ cần nơi đó có người ở thì có nhân viên tuyên truyền và tiếp thị của chúng tôi. Có thể nói, thành công của chúng tôi hoàn toàn do máu, mồ hôi và nước mắt dệt thành”.

Bột ngọt Ajinomoto xâm nhập thị trường Đông Nam Á cũng đúng theo nguyên tắc này, bằng hình thức tổ chức đội ngũ tiếp thị, gây thanh thế đồ sộ, hai người thành một tổ, ngồi xe tải nhẹ, chở theo lều bạt, thanh la và thực phẩm, cứ nơi nào có người ở thì đến nơi đó tuyên truyền tiếp thị. Lợi dụng các tiệm bán lẻ và bán hàng rong ở các địa phương, các nhân viên tiếp thị trực tiếp bán từng bao nhỏ cho người tiêu thụ. Đồng thời đăng quảng cáo tuyên truyền gián tiếp trên báo chí, truyền hình địa phương.

Ajinomoto cử hai nhân viên tiếp thị tiến hành ba năm công tác tiếp thị ở Thái Lan, họ đã đi khắp 69 trong số 71 tỉnh của nước này. Có thể thấy tính nhẫn nại và thể tiến công của họ thật kiên trì và chính sự phối hợp công tác như vậy khiến bột ngọt Ajinomoto bắt đầu được người tiêu dùng địa phương biết đến rộng rãi.

Ngày nay, thế giới đã biết đến Ajinomoto nhưng có lẽ vẫn ít người biết đến những chiến lược kinh doanh tiếp thị hiệu quả của hãng. Quả thật, chỉ với bản lĩnh và nghệ thuật marketing thông minh, kiên trì, Ajinomoto mới đứng vững để rồi có những bước phát triển mạnh mẽ trên thị trường bột ngọt thế giới, một thị trường rất nhạy cảm và nhiều rủi ro.

Theo BWP/ Câu chuyện Nhật Bản

Trả lời