Ông Takamatsu chuẩn bị lặn xuống biển trước ngày kỷ niệm ba năm thảm họa kép ở Nhật Bản vào năm ngoái. Ảnh: AFP. |
Một tháng hai lần, hai người đàn ông Nhật Bản mặc đồ lặn và xuống biển. Một người tìm vợ, còn người kia tìm con gái. Người thân của họ bị cuốn đi trong thảm họa sóng thần ở Nhật cách đây bốn năm. Họ biết vợ và con mình không còn sống nhưng vẫn hy vọng tìm thấy thứ gì đó, bất cứ thứ gì, mang lại cho hai người đàn ông này cảm giác hy vọng.
Dưới dòng nước lấp lánh của vịnh Onagawa, tỉnh Miyagi, những chiếc tủ lạnh, tivi, ôtô, xe tải, đồ câu nằm rải rác và bị một lớp bùn bao phủ. Dưới nước, mọi thứ hầu như vẫn nằm nguyên chỗ chúng ở như lúc bị con sóng hung dữ cuốn đến. Nhưng trên bờ, tất cả đã thay đổi. Những con thuyền đánh cá lại tiếp tục công việc ra khơi. Đống đổ nát của bến cảng một thời sầm uất đã được dọn sạch. Một góc ở đây giờ trở thành miếu nhỏ có cây thông Giáng sinh và hoa cúc nhựa màu vàng. Nơi này trước là nơi tọa lạc của chi nhánh ngân hàng Shichijushichi 77 ở thị trấn Onagawa.
Khi cảnh báo sóng thần phát đi lúc 14h50 ngày 11/3/2011, các nhân viên ngân hàng vẫn đang bận rộn thu dọn đống bừa bộn do trận động đất khiến tòa nhà rung chuyển vài phút trước đó gây ra.
Quản lý của họ đang ra ngoài gặp khách hàng. Lúc lái xe về dọc bờ biển, ông trông thấy đại dương trào dâng dữ dội, dấu hiệu sóng thần sắp xảy ra. Vừa vào tới phòng, ông bảo mọi người dừng việc và leo lên nóc ngôi nhà hai tầng càng nhanh càng tốt.
Vừa lên tới nơi, họ nghe còi báo động và cảnh báo của thành phố yêu cầu người dân sơ tán tới nơi cao hơn. Một nhân viên hỏi quản lý liệu có thể về nhà không vì cô lo cho bọn trẻ. Quản lý nói rằng ông không thể ngăn cô được. Cô chạy ra ôtô đỗ cách đó 300 m và lái xe về nhà.
Trong số 13 nhân viên ngân hàng đứng trên nóc nhà hôm ấy có Yuko Takamatsu, 47 tuổi. Chồng bà, ông Yasuo Takamatsu, sáng hôm đó chở vợ đi dù họ chỉ sống cách chỗ làm vài phút lái xe. Suốt đoạn đường ngắn ngủi, họ bàn chuyện sẽ ăn gì vào bữa tối.
“Anh đừng nói: gì cũng được đấy nhé”, bà Yuko nói với chồng.
Vợ chồng ông Takamatsu và con trai Yohei, hiện 25 tuổi, và con gái Rina, giờ 22 tuổi, trong bức ảnh gia đình cũ. Ảnh: BBC. |
Đứng cùng bà Yuko trên mái nhà là đồng nghiệp Emi Narita, 26 tuổi, đến từ thị trấn Ishinomaki kế bên. Bố Emi, ông Masaaki Narita, điều hành một nhà máy chế biến cá. Cô gặp ông vào đêm trước đó.
Trong lúc đứng chờ trên nóc nhà, nhóm nhân viên vừa sợ hãi vừa bàn bạc xem liệu có đủ thời gian để chạy tới bệnh viện gần đấy, một tòa nhà cao hơn và chắc chắn hơn, không nhưng cuối cùng họ quyết định ở lại. Một vài người đi xuống lấy áo khoác vì trời lạnh.
Bà Yuko gửi tin nhắn cho chồng: “Anh an toàn chứ? Em muốn về nhà”.
Một lúc sau, sóng thần tràn vào Onagawa. Đoạn video do một người sống sót ghi được cho thấy dòng nước đen di chuyển nhanh chóng và hung dữ vào thị trấn, cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của chúng. Những tòa nhà bị nuốt chửng. Ôtô, xe tải bị cuốn đi như đồ chơi và trôi dập dềnh. Trong vòng vài phút, nước biển nhấn chìm nhiều khu vực từng được xem là an toàn.
Tòa nhà của ngân hàng nhanh chóng bị ngập. Nước lấp đầy một nửa ngôi nhà chỉ trong 5 phút. Nhóm nhân viên quyết định leo lên căn phòng chứa thiết bị điện trên nóc ngôi nhà hai tầng. Khi trèo lên chiếc thang dựng đứng cao 3 m, một cơn gió mạnh suýt thổi bay họ.
Onagawa được xem là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa sóng thần nhất. Nhiều tòa nhà bị giật khỏi móng, một con tàu thậm chí còn bị đánh văng tới quả đồi cách xa bến.
Buổi sáng sau thảm họa, ông Takamatsu, tài xế xe buýt, tới bệnh viện thành phố để tìm vợ. Ông choáng váng khi biết bà không ở đó.
“Rất nhiều người đang trú ở đây. Họ bảo tôi rằng Yuko bị sóng thần cuốn đi. Tôi đã không thể đứng nổi và cảm thấy mất toàn bộ sức lực”, ông Takamatsu, 58 tuổi, nhớ lại.
Vài hôm sau, ông Masaaki Narita mới biết tin về số phận của con gái. Phần lớn những người sống sót ở trong khu nhà đặc biệt dành cho người đi sơ tán. Họ dành thời gian đi tìm người thân yêu, lục tung đống lộn xộn và đi bộ nhiều km ven bờ biển.
Ông Takamatsu cũng không phải ngoại lệ.
“Tôi tìm vợ khắp nơi mà chẳng thấy”, ông nói.
Nhóm nhân viên ngân hàng mắc kẹt trên nóc nhà khi con sóng dữ dội ập tới. Ảnh:BBC. |
Thứ duy nhất của bà Yuko mà ông Takamatsu nhận được là chiếc điện thoại di động được tìm thấy ở bãi đỗ xe phía sau ngôi nhà ngân hàng. Lúc đầu, ông Takamatsu nghĩ điện thoại đã hỏng vì bị ngập dưới nước nhưng nhiều tháng sau, ông lôi nó ra và cố gắng khởi động. Ông bất ngờ khi thấy điện thoại “vẫn còn sống”.
“Sóng thần thật khủng khiếp” là tin nhắn cuối cùng trong máy của bà Yuko mà ông Takamatsu không bao giờ nhận được. Có lẽ, bà nhắn cho chồng trước lúc thiên nhiên nổi giận và chưa kịp gửi đi.
Trong số 13 nhân viên trú trên nóc ngôi nhà có một người sống sót. Người đàn ông này bám vào được một mảnh vỡ trôi nổi và bị cuốn ra biển. Anh gần như bất tỉnh dưới làn nước lạnh giá trước khi được một tàu đánh cá cứu sống nhiều giờ sau. Thi thể của bốn nhân viên ngân hàng cũng được tìm thấy, trong khi tám người khác vẫn mất tích. Emi và bà Yuko là hai trong số ấy. Người phụ nữ rời khỏi tòa nhà bằng ôtô may mắn còn sống.
Mặc dù hiện giờ thị trấn đã bắt đầu hồi sinh nhưng với những gia đình có người thân thiệt mạng, thật khó để bước tiếp.
“Chúng tôi vẫn nguyên nỗi đau năm 2011”, ông Narita chia sẻ.
Ông Takamatsu vẫn ám ảnh với tin nhắn của vợ.
“Tôi có cảm giác bà ấy muốn về nhà”, ông tâm sự.
Cách đây hai năm khi trông thấy thợ lặn từ lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tìm kiếm thi thể người mất tích, ông Takamatsu đã nảy ra ý định: học lặn và đưa vợ về.
“Tôi học lặn vì cảm thấy giống như một này nào đó có thể gặp vợ”, ông Takamatsu cho biết.
Ông Narita sau đó cũng quyết định tham gia cùng ông Takamatsu. Học lặn là một thử thách với hai người, bởi họ đều đã lớn tuổi. Ông Takamatsu lo bình oxy trục trặc và sợ khi xuống độ sâu 20 m, còn ông Narita có vấn đề khác.
“Tôi không sợ nhưng tôi không thể kiểm soát được cơ thể dưới nước”, ông Narita cho hay.
Ông Takamatsu (ngoài cùng bên trái), vợ chồng ông Narita (giữa) cùng các gia đình có người thân thiệt mạng trong thảm họa chụp ảnh tập thể trước tấm chân dung của Emi. Ảnh: Narita Family. |
Sau nhiều tháng huấn luyện, cả hai được cấp phép năm ngoái. Lúc đầu, ông Takamatsu chỉ muốn tìm vợ nhưng giờ ông hy vọng có thể thấy những người khác. Công việc tìm kiếm của họ gặp nhiều khó khăn do vịnh rất sâu và phần lớn các đồ vật bị vùi dưới lớp bùn dày. Do đó khi khoắng lên, họ không nhìn thấy gì. Tuy nhiên, cả hai cũng có những ngày gặp may. Có lần, hai người tìm thấy hộp bút có đề tên của một cậu bé và album ảnh cưới. Bất cứ thứ gì có tên đều được trả lại cho chủ nhân của nó. Ví, sổ sách và con tem được nộp lại cho cảnh sát.
Nhiều người trong thị trấn rời khỏi nơi này để trốn chạy những ký ức về thảm họa và tìm việc làm. Mặc dù mọi thứ dường như đã hết hy vọng nhưng ông Takamatsu và ông Narita vẫn không có ý định bỏ cuộc.
“Tôi vẫn mong chúng tôi tìm thấy gì đó, có thể là thi thể, dù cho đấy có phải con gái tôi hay không”, ông Narita nói.
Vật kỷ niệm duy nhất của người cha này về con gái Emi là bức vẽ ông đặt mua sau cái chết của con gái. Bức tranh được treo ở nơi trang trọng trong phòng khách.
“Miễn là sức khỏe cho phép, tôi vẫn muốn tìm con. Từ bỏ nghĩa là tôi sẽ chẳng còn cơ hội nào cả”, ông Narita lý giải.
Ông Takamatsu cũng cảm thấy thế.
“Tôi muốn tiếp tục tìm kiếm, miễn là còn sức khỏe và dù cho cơ hội tìm thấy vợ là mong manh. Tôi biết Yuko đã ra đi nhưng tôi không muốn vợ nằm lại một mình dưới đáy biển. Thực lòng, tôi vẫn muốn tìm thấy bà ấy và đưa về nhà”.
Bình Minh (theo BBC)