Người đàn ông Nhật Bản và giấc mơ xây 200 điểm trường cho học sinh nghèo tại Việt Nam

Đăng ngày 16/03/2017 bởi iSenpai

(CAND) – Ngày 15-3, tại Hà Nội, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho ông Hiroshi Tanikawa, quốc tịch Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị và Giáo dục Châu Á vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Đây cũng là phần thưởng cao quý nhất của ngành giáo dục dành tặng cho các cá nhân có nhiều thành tích và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Ông Hiroshi Tanikawa năm nay đã 74 tuổi, từng làm việc cho một công ty thương mại quốc tế lớn tại Nhật Bản. 13 năm trước, sau khi nghỉ hưu, ở độ tuổi 60, ông đã thành lập một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ việc xây dựng trường học, đó là tổ chức AEFA – Hiệp hội Hữu nghị và Giáo dục Châu Á.

758f763a-75e9-4ce9-9fa3-4a7415e92757.3.17.TH.le

Ông thực sự ngạc nhiên và ấn tượng với điều đó và mong muốn giúp các em bằng cách xây trường học mới. Kể từ đó, ông đã không ngừng nỗ lực huy động quỹ để tiếp tục dự án.Tháng 8-2004, lần đầu tiên đến Việt Nam, ông đã đến thăm một ngôi trường nhỏ tại Lạng Sơn và gặp gỡ những học sinh, giáo viên nơi đây. Mặc dù phải học tập trong điều kiện khó khăn nhưng trong ánh mắt các em đều luôn bừng sáng với nụ cười tươi tắn, sáng ngời ý chí sống và học tập.

Hơn 10 năm vừa qua, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Hiroshi Tanikawa với tấm lòng yêu trẻ em, đã không quản ngại khó khăn đã vượt hàng triệu km, lặn lội đến với những nơi xa xôi, vất vả của Việt Nam để chia sẻ, động viên các em vùng khó khăn đi học. Ông cũng đã đem các hình ảnh vượt khó của học sinh khó khăn ở Việt Nam về trao đổi và giáo dục trẻ em ở Nhật Bản, tổ chức giao lưu, học tập giữa học sinh của hai nước, điều này đã làm thắt chặt thêm tình hữu nghị của hai dân tộc thêm bền vững.

Đặc biệt, với mong muốn giúp học sinh nghèo tại các vùng khó khăn của Việt Nam có chỗ học tử tế, ông  đã trực tiếp đi vận động tài trợ để giúp cho Việt Nam xây được hàng trăm điểm trường học tại các vùng khó khăn của Việt Nam, mỗi điểm trường có trung bình 3-5 phòng học và nhà vệ sinh với kinh phí tại mỗi điểm trường khoảng 40 nghìn đô la Mỹ.

Tính từ năm 2005 đến năm 2016, ông Tanikawa đã hoàn thành việc xây dựng được 140 điểm trường cho vùng khó khăn, vùng nghèo khó của Việt Nam, trong đó Miền Bắc gồm 30 điểm trường; Miền Trung gôm 35 điểm trường, Tây Nguyên gồm 55 điểm trường, Miền Nam gồm 20 điểm trường với tổng giá trị ước tính khoảng 6 triệu đô la Mỹ.

Ngoài việc hỗ trợ để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường khó khăn, ông cũng đã tổ chức và xây dựng Quỹ hỗ trợ để trao hàng trăm xuất học bổng cho học sinh khó khăn có kết quả học tập tốt tại một số tỉnh- nơi được hỗ trợ để xây các phòng học mới.

Chia sẻ niềm vui, niềm vinh dự khi được Bộ GD&ĐT tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, ông Tanikawa cho biết: “Tôi rất hạnh phúc khi có thể làm điều gì đó giúp đỡ các học sinh Việt Nam tại những vùng núi, vùng xa xôi hẻo lánh. Sau khi xây dựng trường học, chúng tôi bắt đầu thực hiện các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Các em học sinh của hai nước đã viết thư, vẽ tranh, giúp đỡ và tìm hiểu về nhau. Hơn 50 trường tại Nhật Bản đã thực hiện các hoạt động giao lưu hữu nghị với các trường tại Việt Nam. Tôi thấy mình quá may mắn khi có nhiều người bạn tốt tại Việt Nam và hy vọng  sẽ tiếp tục dự án thêm 10 năm bởi giấc mơ của tôi là xây được 200 điểm trường cho học sinh nghèo tại Vỉệt Nam”.

Huyền Thanh (CAND)

Trả lời