Đã có khoảng 260.000 người sống sót sau các vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II, nhưng vị kỹ sư người Nhật Tsutomu Yamaguchi là một trong số rất ít người phải chịu đựng nỗi kinh hoàng và vẫn còn sống sót sau cả hai vụ nổ.
Tsutomu Yamaguchi đang chuẩn bị rời khỏi thành phố Hiroshima thì quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống. Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, kỹ sư hải quân 29 tuổi này đang ở ngày cuối cùng của chuyến công tác dài ba tháng theo yêu cầu của Công ty công nghiệp Mitsubishi. Ông và các đồng nghiệp đã dành cả mùa hè thực hiện công việc thiết kế một tàu chở dầu mới và tràn ngập háo hức trở về nhà cùng vợ con sau chuyến công tác.
Khoảng 8h15 sáng hôm đó, Yamaguchi đang đi bộ đến xưởng đóng tàu của Mitsubishi lần cuối cùng thì nghe thấy tiếng máy bay phía trên bầu trời. Khi nhìn lên, ông thấy một máy bay ném bom B-29 của Mỹ bay vút qua thành phố và thả một vật nhỏ nối với một chiếc dù. Đột nhiên, cả đất trời ngập trong luồng ánh sáng rực rỡ, ông chỉ có đủ thời gian để lặn xuống một con mương trước khi một tiếng nổ chói tai vang lên, tuy nhiên sóng xung kích vẫn hút lấy Yamaguchi từ mặt đất, cuốn ông xoay vòng giữa không trung như một cơn lốc xoáy và hất tung ông ra xa khỏi vị trí ban đầu.
“Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra.” – ông nói với tờ báo The Times của Anh – “Tôi nghĩ tôi đã ngất đi một lúc. Khi tôi mở mắt, xung quanh tối tăm và tôi chẳng thể nhìn thấy thứ gì. Tựa như sự khởi đầu của một bộ phim, trước khi những hình ảnh xuất hiện, các khung hình trống chỉ nhấp nháy mà không có bất kỳ âm thanh nào.” Vụ nổ nguyên tử đã khiến bụi và mảnh vụn gần như che lấp ánh sáng mặt trời rực rỡ của ngày hôm đó. Xung quanh Yamaguchi là từng đám tro tàn tung bay giữa không trung và ông nhìn thấy một đám mây hình nấm bốc lên trên bầu trời thành phố Hiroshima. Mặt và tay ông bị bỏng nặng, màng nhĩ chịu tổn thương nghiêm trọng và bị rách.
Trong cơn bàng hoàng, Yamaguchi bắt đầu đi lang thang về phía những gì còn sót lại của xưởng đóng tàu Mitsubishi. Ở đó, ông tìm thấy đồng nghiệp của mình là Akira Iwanaga và Kuniyoshi Sato, cả hai đều sống sót sau vụ nổ. Sau khi trải qua một đêm trong một điểm trú ẩn không kích, những người đàn ông thức dậy vào ngày 7 tháng 8 và đi về phía nhà ga, nơi vẫn còn hoạt động. Trên đường đi, họ nhìn thấy khung cảnh của những đám cháy vẫn còn bập bùng, những tòa nhà đổ nát và những xác chết cháy và tan chảy trên đường phố. Nhiều cây cầu của thành phố biến thành đống đổ nát, và mỗi một lần qua sông, Yamaguchi buộc phải bơi qua một lớp xác chết trôi nổi. Khi đến ga, anh lên một chuyến tàu chở đầy những hành khách vẫn đang hoang mang với thương tích đầy người để trở về quê nhà Nagasaki.
Trong khi Yamaguchi trở về với vợ và con, cả thế giới hướng sự chú ý về phía Hiroshima. Mười sáu giờ sau vụ nổ, Tổng thống Harry Truman đã lần đầu tiên phát biểu về sự tồn tại của bom nguyên tử. Theo lời ông, máy bay ném bom B-29 Enola Gay đã cất cánh từ đảo Thái Bình Dương của Tinian và bay khoảng 1.500 dặm trước khi cho nổ một quả bom Little Boy trên bầu trời Hiroshima. Vụ nổ đã ngay lập tức giết chết khoảng 80.000 người và hàng chục nghìn người nữa sẽ thiệt mạng trong những tuần sau đó. Truman cảnh báo trong tuyên bố của mình rằng nếu Nhật Bản không đầu hàng, họ sẽ được nhìn thấy một cơn mưa hủy diệt từ trên không mà chưa một ai từng thấy trên trái đất này.
Yamaguchi đến Nagasaki vào sáng sớm ngày 8 tháng 8 và khập khiễng đến bệnh viện. Những vết bỏng đen trên tay và mặt của Yamaguchi rất nghiêm trọng, khiến hầu như mọi người không nhận ra ông, bất kể là gia đình hay người bạn bác sĩ điều trị cho ông.
Bất chấp những thương tích nặng nề, Yamaguchi đã đến báo cáo công việc tại văn phòng Nagasaki của Mitsubishi vào sáng ngày 9 tháng 8. Khoảng 11 giờ sáng, khi ông đang kể lại những sự kiện đã xảy ra vào ngày 6 tháng 8 với một giám đốc công ty. Ánh sáng chói lòa, tiếng nổ chói tai,.. được kể lại nhưng cấp trên của ông cho rằng ông bị điên, người đàn ông không tin được chuyện việc một quả bom có thể phá hủy toàn bộ thành phố. Yamaguchi đang cố giải thích thì cảnh vật bên ngoài đột nhiên bùng nổ với một tia sáng trắng óng ánh, Yamaguchi vội nằm xuống ngay trước khi sóng xung kích làm vỡ những ô cửa sổ và đánh văng các mảnh vỡ khắp căn phòng. Quả bom nguyên tử nhấn chìm Nagasaki thậm chí còn mạnh hơn so với quả bom được thả xuống Hiroshima, vụ nổ đã càn quét mọi thứ bên trong văn phòng. Yamaguchi đã phải chịu một đợt phóng xạ gây ung thư nữa chỉ trong vòng ba ngày và may mắn thay, ông vẫn sống sót.
Sau khi rời khỏi đống đổ nát còn lại của tòa nhà Mitsubishi, Yamaguchi vội vã vượt qua những khu vực của Nagasaki bị bom tàn phá để tìm kiếm vợ và con trai. Ông sợ điều tồi tệ nhất đã xảy ra khi nhìn thấy một phần của ngôi nhà đã biến thành một đống đổ nát, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra cả hai chỉ bị thương ngoài da. Khi vụ nổ xảy ra, vợ ông đã ra ngoài tìm thuốc cho chồng, cô và đứa bé đã lánh nạn trong một đường hầm. Có lẽ nói đó là một điều kỳ lạ khác của số phận. Nếu Yamaguchi không bị thương ở Hiroshima, gia đình ông có thể đã gặp nguy hiểm ở Nagasaki.
Trong những ngày sau đó, liều phóng xạ gấp đôi của Yamaguchi đã gây ra những tổn thương nhất định đến cơ thể ông: tóc bắt đầu rụng, những vết thương trên cánh tay ngày càng lan rộng và trở nặng, đồng thời nôn mửa không ngừng. Vào ngày 15 tháng 8, khi Thiên hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng trong một chương trình phát thanh, ông vẫn đang chịu sự giày vò, khổ sở trong một hầm tránh bom cùng gia đình. “Tôi không có cảm giác gì về chuyện đó cả”, Yamaguchi chia sẻ với The Times. “Tôi không thấy hối tiếc hay vui mừng, lúc đó cơ thể tôi liên tục sốt cao, hầu như không ăn uống gì được. Tôi đã nghĩ rằng có lẽ mình sắp chết rồi.”
Tuy nhiên, không giống như nhiều nạn nhân bị phơi nhiễm phóng xạ khác, Yamaguchi dần hồi phục và tiếp tục cuộc sống bình thường của mình. Ông hoạt động như một người biên phiên dịch cho các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ trong thời gian họ chiếm đóng Nhật Bản, sau đó bắt đầu mở lớp dạy học trước khi tiếp tục sự nghiệp kỹ thuật của mình tại Mitsubishi. Ông và vợ thậm chí còn có thêm hai cô con gái vào những năm 1950. Yamaguchi viết những ký ức kinh hoàng ở Hiroshima và Nagasaki của mình trong những vần thơ, nhưng đồng thời, ông cũng tránh thảo luận về những chuyện đã xảy ra một cách công khai cho đến những năm 2000, khi ông phát hành một cuốn hồi ký và trở thành một phần của phong trào chống vũ khí nguyên tử. Sau đó, ông đến New York vào năm 2006 và thuyết trình về việc giải trừ hạt nhân trước Liên Hợp Quốc. Ông đã từng trải qua các vụ đánh bom nguyên tử hai lần và sống sót, đó là định mệnh của tôi để có thể đứng đây và nói về nó, ông nói trong bài phát biểu của mình.
Tsutomu Yamaguchi không phải là người duy nhất phải trải qua cả hai vụ nổ nguyên tử. Đồng nghiệp Akira Iwanaga và Kuniyoshi Sato của ông cũng ở Nagasaki khi quả bom thứ hai rơi xuống, cũng như Shigeyoshi Morimoto, một người làm diều đã sống sót một cách kỳ diệu ở Hiroshima. Có khoảng 165 người có thể đã trải qua cả hai cuộc tấn công, nhưng Yamaguchi là người duy nhất được chính phủ Nhật Bản chính thức công nhận là một Nijyuu Hibakusha – người trải qua cả hai cuộc ném bom nguyên tử – vào năm 2009, chỉ một năm trước khi ông qua đời ở tuổi 93.
Nguồn:
https://www.theguardian.com/world/2009/mar/25/hiroshima-nagasaki-survivor-japan