Người ta vẫn biết đến đất nước Nhật Bản như xứ sở của những công trình hiện đại, những thương hiệu xe hơi nổi tiếng, hay những con người luôn tôn trọng kỷ luật trong công việc và đoàn kết để chống chọi vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên… nhưng chưa biết đằng sau đó là một cuộc sống lặng lẽ đến ngột ngạt, một xã hội thiếu tiếng cười. Và trong thế giới thu nhỏ đó có cả những người Việt….
Trước khi đến Nhật Bản, tôi tự “tô vẽ” cho mình về một đất nước của sự hoàn hảo cả về văn hóa lẫn con người, bởi những gì tôi nhìn thấy trên phim, ảnh hay sách báo đều không thể chê. Đây cũng là lý do tôi muốn được ít nhất một lần đặt chân đến xứ sở này, đất nước của hoa Anh đào, của những mùa lá đỏ, hay những sáng kiến thần kỳ, những con người làm việc mẫn cán, đất nước có một thủ đô “không ngủ”. Phải thừa nhận, ngay khi đặt chân đến nước Nhật Bản, tôi đã cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới hoàn toàn mới, đẹp hơn những gì tôi tưởng tượng. Tôi chợt nghĩ, người Nhật chắc “happy” lắm, vì họ có nhiều thứ như thiên nhiên ưu ái tặng 4 mùa thời tiết đẹp, các tiện ích và phương tiện sống hiện đại bậc nhất. Đi qua những vùng quê, tôi rơi vào cảm giác yên bình của các cố đô xưa, lạc vào những gì thế giới của cổ kính với những mái ngói rêu phong được xây vuông vức, ngay ngắn, không lộng lẫy, nhưng mang lại những cảm giác rất sâu và khó tả.
Còn với Tokyo, đứng giữa ngã tư của khu phố đêm, hay ở ga tàu điện ngầm, tôi được trải nghiệm nhiều điều rất thật về một thành phố với sự tất bật và náo nhiệt nhất – thành phố không ngủ. Song, với một thói quen tò mò sẵn có, tôi đã thâm nhập vào cuộc sống của người Nhật, đặc biệt là những người Việt đang sống ở xứ Phù Tang này với tất cả những gì tưởng như hoàn thiện nhất… May mắn cho tôi khi được làm quen với một nhóm người đã sống ở Nhật Bản ngót 20 năm. Tôi chưa hiểu hết về cuộc sống của những người Việt đang sinh sống tại đây, nhưng tôi vẫn muốn viết về những điều riêng biệt đó, những khoảng lặng nhưng thể hiện rõ nét nhất cuộc sống hằng ngày của người Nhật Bản.
Việc đầu tiên tôi làm theo gợi ý của những người bạn Việt là quan sát khuôn mặt của người Nhật trên tàu điện, vì theo họ, đó là thế giới thu nhỏ của đất nước này, còn trên các phố, nếu đi vào ban ngày hầu như chỉ gặp người già. Trong số những người đang cố theo kịp cuộc sống bận rộn của người Nhật Bản, tất nhiên có những người Việt Nam, nhưng tôi không thể phân biệt được sự khác nhau giữa 2 khuôn mặt người Việt hay Nhật, ngay cả những người bạn Việt mới của tôi nhìn cũng không khác bao nhiêu so với người Nhật Bản. Tôi không muốn đề cập tới những sự khác nhau mà chỉ muốn nói về thần thái, trên nhiều khuôn mặt rất hiếm có nụ cười. Ngay cả một nơi công cộng như tàu điện, tiếng cười như một thứ hàng xa xỉ. Cuộc sống quá dài ở Nhật Bản đã dần biến họ thành những con người thực thụ của xứ Phù Tang, chỉ khác là trong họ vẫn mang dòng máu Việt mà thôi.
Người Nhật thường làm việc từ 10 đến 16 tiếng mỗi ngày, bởi vậy, trên tàu luôn là những khuôn mặt thiếu ngủ khi hầu hết người dân phải mất 2-3 tiếng ngồi tàu. Họ không bao giờ nói chuyện, cũng không nghe điện thoại, người trung tuổi tranh thủ ngủ, còn những người trẻ hơn thì nghe nhạc, nhắn tin. Nếu vô tình bạn nói to trên tàu điện, cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ được chú ý như thể bạn là một người “từ hành tinh khác đến”. Có lẽ vì thế, trên mỗi khuôn mặt là thế giới của lặng lẽ, cô đơn và nhiều khi là cả sự nhàm chán vì với họ, ngày nào cũng vậy. Còn nếu đi lang thang ở quanh các ga tàu, cho dù vào nửa đêm, ta vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh đông đúc, người dân tất bật ngược xuôi, những người đã ở tuổi trung niên hay còn trẻ đều mang đôi mắt của những người thiếu ngủ. Tôi khá ấn tượng với hình ảnh một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi có bước chân liêu xiêu, đôi mắt vô hồn đi lên tàu cho kịp về nhà. Hình như người đàn ông này đã quá mệt mỏi, nhưng lại không thể dừng chân vì ngày mai sẽ tiếp tục là một ngày lao động và đằng sau lưng anh ta còn một gia đình với những đứa trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành để có thể sống độc lập…
Rời ga tàu, tôi đến những quán ăn, quán cafe của người Nhật, nhưng ngay cả nơi đây, người Nhật Bản cũng ít cười. Cũng là một cái hay khi ở nơi nào bạn cũng cảm nhận được sự yên tĩnh, nhưng nếu tĩnh đến mức này tôi lại có cảm giác ngột ngạt vì chẳng có nơi nào ta được cười to với bạn bè để quên bớt những căng thẳng trong cuộc sống đời thường. Những người bạn Việt tâm sự với tôi, ban đầu họ cũng “sốc”, không quen với việc chỉ được cười tủm, nói thì thầm, uống rượu không được “dô” như ở Việt Nam, nhưng rồi cũng quen, quen với không gian trầm lặng nơi đây.
Một trong những người bạn mới của tôi đã sống ở Nhật Bản 20 năm từ khi còn là cậu sinh viên với nhiều hoài bão cho tôi biết, anh sang đây học và lấy vợ người Nhật. Nhưng cuộc sống ở Nhật Bản không hào nhoáng như những gì người ta vẫn nghĩ. Chính sự quá tự lập kể từ khi còn nhỏ đã đẩy họ vào một thế giới rất khác. Tất cả đều có hai mặt, giống như hai mặt của một đồng tiền, nếu lật mặt trên thì ta không thể nhìn thấy mặt dưới và ngược lại. Một đứa trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường mẫu giáo đã được dạy về cách sống tự lập, kỷ luật và trong những năm tiếp theo của cuộc đời cũng vậy. Một đứa trẻ 3 tuổi nếu không may bị ngã khi đi trên đường sẽ phải tự đứng lên, ngay cả khi nó có khóc thật to cũng sẽ không có ai đỡ dậy. Khi đi học tiểu học, đứa trẻ sẽ phải tự đi bộ mỗi sáng để đến trường hay từ trường về nhà mà không có ai theo cùng.
Trung bình, một đứa trẻ sẽ phải đi bộ từ 3 đến 4km mỗi ngày để đi học. Nếu bố mẹ chúng có lo lắng cho những ngày đầu tiên tới trường của chúng cũng phải đi sau lưng, quan sát từ rất xa. 18 tuổi, thanh niên Nhật tách ra ở riêng, tự tạo dựng cuộc sống cho dù đó là con trai của một người dân thường hay con của một chính khách hoặc nhà tài phiệt giàu có. Đó là một cách giáo dục mà bất cứ quốc gia nào cũng muốn học và áp dụng. Nhưng có lẽ cùng với cái được, là sự lạnh lùng, người Nhật như thể không bao giờ có thói quen kể lể, chia sẻ với người khác, cho dù đó là người thân hay bạn bè, tính tự ái, tự tôn của họ quá cao để có thể làm việc đó. Và khi rơi vào bế tắc, không còn lối thoát, rất nhiều người đã chọn con đường rời bỏ cuộc sống. Ngay trên ngọn núi đẹp nhất, kỳ quan của Nhật Bản là Phú Sĩ, mỗi năm có hàng trăm người chọn nơi đây là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời…
Nguồn citinews