Khi đại dịch Covid xuất hiện, những thay đổi trong văn hoá làm việc đã khiến xã hội Nhật thay đổi nhiều hơn. Và truyền thống làm việc trọn đời cho một công ty cũng dần thay đổi khi số lượng người chuyển việc tăng nhanh hơn.
Làm việc trọn đời trong một công ty là thông lệ trong nhiều thập kỷ với người Nhật. Mô hình này được duy trì từ thời kỳ tăng trưởng thần kỳ của kinh tề Nhật. Nhân viên được đảm bảo về công việc, địa vị theo thâm niên và gắn với vinh quang của công ty như phần thưởng cho những hi sinh khi làm thêm giờ, giảm bớt thời gian dành cho cá nhân và gia đình.
Tuy nhiên truyền thống này đang ngày một lung lay khi quan điểm tuyển dụng của các công ty Nhật đã thay đổi khi họ cho rằng sự linh hoạt về nhân sự sẽ tăng tính cạnh tranh. Ở chiều ngược lại thì khi thời gian làm việc ở nhà nhiều hơn, những người lao động có thêm thời gian đánh giá lại sự cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Điều này tạo nên sự chuyển dịch.
Người Nhật bắt đầu nói nhiều hơn về “ikigai” – mục đích của cuộc sống. Nhiều người bắt đầu ưu tiên hơn cho gia đình, một số người khác chọn những ngành nghề phi thông thường để thoả mãn sở thích cá nhân. Hình ảnh một nhân viên cổ cồn trắng chăm chỉ làm việc trọn đời cho một công ty không còn là hình mẫu lý tưởng cho người lao động Nhật Bản nữa.
Theo một nghiên cứu mà New York Times dẫn lại thì tỷ lệ nghỉ việc ở các công ty lớn trong vòng 3 năm ở những người trẻ lên tới 26,5%, tăng 6% so với 8 năm trước. Làn sóng di chuyển về những vùng nông thôn cũng mạnh mẽ hơn và năm ngoái lần đầu tiên dân số Tokyo giảm khi những người trẻ rời bỏ đô thị để làm việc từ xa ở những vùng quê thanh bình và dễ sống hơn.
Sự thức tỉnh này được cho là chịu ảnh hưởng từ dịch Covid. Người ta đặt ra câu hỏi liệu có cần làm việc theo cách trước đây hay không. Giáo sư Kennosuke Tanaka nghiên cứu về nghề nghiệp tại Đại học Hosei cho rằng sự thức tỉnh này là bước ngoặt với Nhật Bản.
New York Times cũng dẫn lại câu chuyện của ông Tanaka (53 tuổi), người đã nghỉ hưu sớm trong năm ngoái khi đang làm việc cho hãng quảng cáo lươn Dentsu để bắt đầu khởi nghiệp công việc cố vấn. Ông cho biết mình đã suy nghĩ về ý nghĩa của sự tồn tại của bản thân mình cũng như bản sắc cá nhân. Ông không tìm thấy ý nghĩa trong công việc khi chỉ làm theo những yêu cầu của công ty mà không thực sự làm những gì mình mong muốn. Việc thường cho lời khuyên những người khác khiến ông cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa và ông lựa chọn việc bắt đầu một sự nghiệp mới dành cho bản thân mình. Ông cho biết dịch Covid đã thay đổi và thúc đẩy ông lựa chọn con đường mới.
Sự trung thành của người lao động với công ty, điều tạo nên sức mạnh của thời đại phát triển kinh tế thần kỳ của nước Nhật ở thế kỷ trước được xem là đã lỗi thời. Nó được cho là đã kìm hãm sự phát triển của các công ty, kìm hãm người lao động và kìm hãm cả nền kinh tế Nhật.
Một cuộc khảo sát của hãng bảo hiểm Sompo Holdings cho thấy 44% người được hỏi cho biết ưu tiên công việc của họ đã thay đổi trong thời kỳ đại dịch. Người Nhật trẻ đã ưu tiên thời gian rảnh rỗi dành cho việc phát triển bản thân và gia đình nhiều hơn. Người ta sẵn sàng nghỉ việc nếu tương lai ở công ty không hứa hẹn. Những công ty khởi nghiệp cũng tỏ ra hấp dẫn các nhân sự trẻ hơn.
Trước xu hướng này, các doanh nghiệp cũng chuyển đổi từ việc tuyển dụng các nhân viên trọn đời sang việc xây dựng con đường sự nghiệp của nhân viên đa dạng hơn. Và họ cũng tập trung nhiều vào việc thu hút nhân tài mới thay vì giữ chân những người cũ. Hãng nước giải khát Kagome là một ví dụ khi họ bỏ thang lương theo thâm niên và tăng lương theo hiệu suất làm việc. Họ vẫn giữ lựa chọn làm việc trọn đời cho nhân viên nhưng không gây áp lực để giữ chân.
Ueyama, một cựu nhân viên Sony đã nghỉ việc và khởi nghiệp cho biết đại dịch đã tạo ra những thay đổi tích cực trong văn hóa làm việc của Nhật Bản. Dù chậm, Nhật Bản đang tiến tới một xã hội mà mọi người có thể có sự nghiệp và cuộc sống có mục đích hơn.
Theo New York Times, VnExpress