Trước đây, Nhật Bản ănTết theo Âm lịch nhưng đã chuyển sang ăn Tết theo Dương lịch kể từ năm 1873. Người Nhật gọi dịp này là “Oshogatsu”, như một sự kiện để vinh danh vị thần Toshigamisama.
Từ năm 1844 đến ngày 31/12/1872 (ngày 2/12 năm Minh Trị thứ 5), người Nhật đón Tết theo lịch Thiên Bảo. Ngày 3/12 năm Minh Trị thứ 5 được sửa đổi thành ngày 1/1 năm Minh Trị thứ 6 (năm 1873). Việc sửa đổi này đã được chính phủ công bố vào ngày 9/11 năm Minh Trị thứ 5 (9/12/1872) và được áp dụng vào tháng sau đó.
Nhờ việc thay đổi lịch này mà chính phủ đã tiết kiệm được tiền trả lương tháng 13 cho công chức (vì nếu tính theo lịch cũ thì năm Minh Trị thứ 6 có tháng 6 là tháng nhuận) và giảm bớt ngày nghỉ, tăng sản lượng quốc gia.
Tuy đổi ngày ăn tết, phong tục đón năm mới của người Nhật hiện vẫn giữ được những truyền thống Á Đông điển hình, bên cạnh đó vẫn thu nhận những nét văn hóa mới từ phương Tây.
Oshogatsu vốn là tên gọi riêng tháng Giêng, nhưng hiện nay thường dùng để chỉ khoảng thời gian từ mùng 1 đến mùng 3 của tháng đầu tiên trong năm mới. Trong những ngày này, người Nhật thực hiện các cuộc viếng thăm đầu xuân như đi chúc tết cấp trên ở công ty, chúc tết họ hàng, người thân, bạn bè, láng giềng…
Cũng giống như Việt Nam, sáng ngày mồng 1, người Nhật ra đường với trang phục đẹp nhất, phụ nữ lộng lẫy trong bộ Kimono truyền thống, trẻ em thì rực rỡ trong bộ cánh mới. Trong những ngày này, người Nhật cũng có phong tục mừng tiền cho các cháu nhỏ và con cái mừng tuổi cho ông bà, bố mẹ. Họ cũng không quên mua những chiếc diều cho con trai và những chiếc vợt đánh cầu cho con gái để chơi trong những ngày Tết.
Người Nhật vẫn có phong tục gửi thiếp chúc mừng, cảm ơn vì một năm đã qua, nhưng từ năm 1990, công nghệ internet phát triển nên người Nhật thay vì dùng bưu thiệp được làm bằng tay thì họ chuyển sang dùng email, điện thoại.
Ngày Tết, người Nhật còn có phong tục uống trà đầu năm “Hatsugama”, cùng ăn bánh Mochi, thưởng thức món súp O-Zoni và nhâm nhi hương vị của rượu Sake. Rồi cùng nhau chơi bài Utagaruta (Loại bài ở trên đó có in những câu thơ). Trò chơi này đòi hỏi khá công phu, người chơi phải thuộc thơ trong Hyakunin-isshu (Bách nhân nhất thủ), đây là tập thơ được biên soạn vào năm 1235 gồm 100 bài thơ cổ của 100 nhà thơ sống từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII. Tất cả thơ này đều được làm theo thể tanka (đoản ca), dài 5 câu với 35 âm tiết. Trí tuệ trong trò chơi Utagaruta đã được người dân Nhật chọn làm môn thi giành chức vô địch hàng năm và được tổ chức vào ngày mồng 2 Tết.
Người Nhật cũng thường xuyên sử dụng lời chào đầu năm mới bằng từ “Happy new year” thay vì câu chúc mừng năm mới truyền thống bằng tiếng Nhật và không khí đón năm mới ở Nhật Bản cũng nhộn nhịp và “Tây hóa” hơn.
Ở xứ sở Phù Tang còn có một tập tục khá hay là sau ngày đầu tiên của năm, rất nhiều các cửa hàng, cửa hiệu trên khắp đất nước mở hàng để phục vụ quý khách. Họ cho hàng hóa mà mình kinh doanh vào trong một túi to, bên ngoài in chữ Fukubukuro (Túi phúc) và bán với giá “bèo” bất ngờ, nên rất nhiều người đến xếp hàng từ sớm. Đến mồng 7, người Nhật có tục lệ ăn cháo chay Nanakusagayu được nấu từ 7 loại rau củ quả. Đến ngày 11 thì có tục lệ làm vỡ bánh dày (Kagamibikari) để nấu thành chè với đậu đỏ, có hàm ý mang lại nhiều điều tốt đẹp.
Còn một tập tục nữa là ngày Lễ thành nhân (Seijin-no-hi) diễn ra vào ngày thứ hai tuần thứ hai của năm mới, đây là thời gian làm các nghi lễ trang trọng để công nhận và chúc mừng nam nữ thanh niên tròn 20 tuổi trong năm đó. Lễ này thường được tổ chức tại các ngôi chùa nổi tiếng ở từng địa phương, nơi các thanh niên nam nữ đó cư trú. Thế mới biết, mặc dù Tết được chuyển sang lịch dương, nhưng những phong tục tập quán truyền thống mà cha ông của người dân xứ sở Phù Tang để lại vẫn được lưu giữ và phát triển.
Người Nhật cố gắng lưu giữ hết mức phong tục truyền thống của ngày tết Âm lịch khi chuyển sang ăn tết theo lịch dương. Tuy nhiên, phong tục truyền thống vẫn đang ngày càng mai một do sự du nhập của văn hóa phương Tây. Người trẻ đã sống thoáng hơn, ít để tâm đến các nghi lễ cầu kỳ vào năm mới hơn. Giờ đây, chỉ có người lớn tuổi Nhật Bản vẫn mong muốn lưu giữ lại càng nhiều phong tục càng tốt.
Trần Anh Minh (Infonet)