(Thanh Niên, theo Bloomberg) Hôm 24.2 là thứ sáu đầu tiên chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện chiến dịch “Premium Friday” cho phép nhân viên của họ kết thúc công việc sớm. Nhưng thực tế lại ít người mặn mà, theo Bloomberg.
Theo chiến dịch “Premium Friday”, người lao động tại Nhật Bản sẽ được phép kết thúc công việc sớm lúc 15 giờ thứ sáu cuối cùng của tháng mà vẫn được hưởng lương đầy đủ để giảm tải thời gian làm việc quá sức kinh niên của người dân nước này. Nhưng dường như chiến dịch vẫn chỉ là lý thuyết khi mới có 3,4% công ty cho biết họ sẽ thực hiện, theo một cuộc khảo sát của Culture Convenience Club Co.
“Tôi không nghe ai nói gì về “Premium Friday” tại nơi làm việc của mình. Tôi nghi ngờ tình hình này cũng tương tự ở phần lớn các công ty tại Nhật Bản. Cố gắng thay đổi cách mọi người làm việc không phải là một ý kiến tồi, nhưng nó sẽ rất mất thời gian”, Ayako Sera, chiến lược gia thị trường của Sumitomo Mitsui Trust Bank tại Tokyo cho biết.
Tại một đất nước mà tỷ lệ tử vong do làm việc quá sức là hết sức phổ biến thì việc chính quyền ra sức để người dân có thể làm việc ít hơn không phải là điều đáng chỉ trích, đặc biệt kể từ sau cái chết của một phụ nữ trẻ tại Dentsu Inc., công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản, sau khi cô làm thêm đến hơn 100 giờ/tháng.
“Các công ty tại Nhật thường cho rằng bạn càng làm việc nhiều sẽ càng cho thấy khả năng và lòng trung thành của bạn đối với công ty. Tuy nhiên, đây là quan niệm làm việc có phần lỗi thời tại Nhật Bản và “Premium Friday” là cách rất thú vị để khuyến khích các nhà quản lý thay đổi thói quen làm việc”, ông Jesper Koll, Giám đốc điều hành của Wisdom Tree Japan Inc,. nói.
Hiện cũng có một số ít công ty thực hiện “Premium Friday” trong thứ sáu đầu tiên 24.2 có thể kể đến như Toyota Motor Corp, Nissan Motor Co, Nomura Holdings Inc, Daiwa House Industry và USEN Corp. Tuy nhiên USEN Corp cho biết chiến dịch này có thể không được cho phép diễn ra tại công ty vào tháng tới.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng có kế hoạch cho “Premium Friday” khi ông cho biết sẽ dành buổi chiều ngồi thiền tại một ngôi đền ở Tokyo và thưởng thức buổi hòa nhạc, xem một số phim ngắn và tham gia một cuộc triển lãm.
Bộ Thương mại Nhật Bản, nơi đề ra chiến dịch này, vẫn còn chần chừ trong việc áp dụng rộng khắp vì thực tế quyết định có hưởng ứng chiến dịch này hay không vẫn tùy thuộc vào người lao động Nhật Bản.
Đáng nói là một số công ty có quy mô nhỏ hơn ở nước này tuy cho phép nhân viên về sớm nhưng lại có lý do riêng của họ. Họ thực hiện không phải vì muốn thúc đẩy nền kinh tế hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến làm việc quá sức tại đất nước, mà chủ yếu là để giữ hình ảnh công ty.
“Chúng tôi hoàn toàn không làm điều này vì lợi ích của đất nước. Là một công ty nhỏ, thật không hề dễ dàng để tìm được nhân viên tốt. Vì vậy, chúng tôi muốn cố gắng để gửi đi một tín hiệu cam kết về cân bằng giữa cuộc sống – công việc cho nhân viên khi làm việc tại công ty”, Yoshihide Hirowatari, Chủ tịch công ty AGS Consulting Co. cho hay.
Trong khi đó, tại Tokyo Station, Takahiro Hasegawa, một nhân viên ngân hàng tỏ ra khá bối rối khi được hỏi về quan điểm của mình. “Tôi không biết bạn đang nói về vấn đề gì. Đó có vẻ là ý tưởng tốt nhưng chính phủ cần phải quảng cáo nhiều và hấp dẫn hơn vì hình như không ai biết cả”, Hasegawa nói.
Cũng theo Bloomberg, chỉ 37% người dân được khảo sát đồng ý với ý tưởng này. Một số nhân viên bán thời gian phản đối vì nó sẽ làm giảm thu nhập của họ. Còn các bà nội trợ thì không hài lòng vì việc chồng của họ về nhà sớm sẽ làm mất thời gian mà đáng lẽ ra họ để dành riêng cho bản thân mình.
Phương Anh (Thanh Niên)