Nhân viên người nước ngoài ở các cửa hàng tiện lợi trở nên phổ biến, nhưng Nhật Bản đã sẵn sàng chào đón họ chưa?
Phan Hoang Tu Linh (23) giờ đây cảm thấy quen với công việc ở cửa hàng tiện lợi, nhưng cô thừa nhận ban đầu rất khó khăn. Đến Nhật vào tháng 7/2017 để theo học ở một trường tiếng Nhật ở Tokyo, Linh bắt đầu làm công việc này sau đó 2 tháng. Cô kể: “Chúng tôi có 3 máy tính tiền nhưng chỉ có 2 hàng chờ. Một khách hàng từ phía sau chen lên nhưng tôi không thấy vì quá bận rộn, thế là người khách đứng đầu nổi giận và mắng xối xả vào tôi. Các nhân viên khác an ủi tôi rằng đó không hoàn toàn là lỗi của tôi nhưng tôi cảm thấy rất tồi tệ. Đôi khi mọi người đem căng thẳng ở nơi làm việc xả vào chúng tôi.”
Linh là một trong 55.300 người nước ngoài làm việc tại 4 chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất: Seven-Eleven, Lawson, Family Mart và Mini Stop. Chỉ cách đây 5 năm, nhân viên người nước ngoài rất hiếm thấy, cho dù ở Tokyo. Nhưng việc thiếu nhân lực người Nhật và số sinh viên nước ngoài tìm kiếm việc làm thêm ngày càng tăng, khiến bất kì ai ghé vào hơn 55.000 cửa hàng tiện lợi đều có thể thấy họ.
Hiroyuki Chiba, quản lý nhân sự của Lawson cho biết: “Các lưu học sinh đến đây để học tiếng Nhật, và công việc ở cửa hàng tiện lợi giúp họ có cơ hội dùng tiếng Nhật thường xuyên. Vừa có thể kiếm tiền vừa có thể trau dồi tiếng Nhật khiến công việc này được yêu thích.”
Nhật Bản có 311.505 người nước ngoài có visa sinh viên, tính đến cuối năm 2017, tăng 12,3% so với năm trước và tăng hơn 100.000 người so với 5 năm trước. Visa sinh viên cho phép lưu học sinh làm việc 28 tiếng/tuần, tăng lên 40 tiếng/tuần trong kì nghỉ ở trường và không được làm việc quá 8 tiếng/ngày. Theo số liệu điều tra năm 2015 của Tổ chức dịch vụ sinh viên Nhật Bản, có khoảng 75% lưu học sinh làm thêm ngoài giờ, với các công việc phổ biến như nhà hàng, xí nghiệp và cửa hàng tiện lợi,…
“Tôi làm ở khách sạn khi mới đến Nhật nhưng nó quá vất vả khi phải mang vác vật nặng như valy nên tôi chuyển sang làm cho cửa hàng tiện lợi.” Bijay Syangbo đến Nhật tháng 4/2016 và hiện đang làm cho Lawson được 4 tháng kể rằng tiếng Nhật học ở trường khác với tiếng Nhật mọi người dùng trong đời sống hàng ngày, cậu không có dịp nói chuyện với khách hàng nhưng cậu được nghe nhiều.
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi cung cấp hàng hóa, thương hiệu và huấn luyện cho các cửa hàng được điều hành bởi các đại lý. Lawson có 6000 đại lý với 14000 cửa hàng. Thuê và huấn luyện cho nhân viên là trách nhiệm của chủ cửa hàng, và trình độ tiếng Nhật của người ứng tuyển luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vì nhân viên được yêu cầu phải tiếp khách hàng, xếp hàng lên kệ, kiểm kê hàng, bán tem thuế và thanh toán các loại hóa hơn, không đủ khả năng tiếng Nhật có thể gây ra sự cố.
Pham Thùy Linh (27) đến Nhật tháng 10/2017 và bắt đầu làm việc ở cửa hàng tiện lợi 2 tháng sau đó. “Bây giờ tôi ổn rồi nhưng ban đầu rất hay xảy ra nhầm lẫn, hiểu sai ý. Tôi bị khách hàng mắng rất nhiều. Tôi hỏi khách hàng có cần túi bóng không và họ trả lời OK. Tôi cứ nghĩ vậy là họ cần nhưng thật ra nó có nghĩa là họ không cần.”
Khoảng 5% trong số 200.000 nhân viên của Lawson trên toàn quốc là người nước ngoài, nhưng ở Tokyo con số này là 20%. Quản lý nhân sự, anh Chiba giải thích rằng khách hàng có xu hướng bao dung hơn với các nhân viên không phải người Nhật ở một cộng đồng hòa nhập quốc tế như Tokyo, các vùng khác thì nhân viên yêu cầu trình độ tiếng Nhật cao hơn.
Tuy vậy, những ví dụ khách hàng đối xử thô lỗ với nhân viên người nước ngoài không phải là hiếm ngay cả ở Tokyo. Tác giả Kensuke Serizawa mất 1 năm để phỏng vấn khoảng 100 nhân viên người nước ngoài trong cuốn sách “Konbini Gaikokujin” đã xuất bản vào tháng 5. Những câu chuyện khiến ngay cả anh cũng phải xem lại thái độ của chính mình. “Họ kể với tôi khách hàng người Nhật thường dùng từ ngữ thể hiện sự phân biệt như là, ‘nói cho rõ ràng’, ’không hiểu anh/cô đang nói cái gì’. Như tôi thấy thì không phải chỉ một bộ phận nhỏ người Nhật nói như thế. Nhật Bản thường tự cho là omotenashi (mến khách) nhưng khi tôi nghe những câu như vậy tôi thấy chẳng có gì là omotenashi. Tôi quan sát các khách hàng và hầu như mọi người ở Tokyo đi vào, chọn hàng, trả tiền và rời đi mà không nói một tiếng nào. Tôi cũng đã từng như vậy, nhưng từ khi tôi biết nó làm người khác cảm giác thế nào, tôi đã luôn cố nói lời cảm ơn.”
Serizawa cho rằng việc tăng số người nước ngoài làm việc ở cửa hàng tiện lợi là do người Nhật không muốn làm những công việc có lương thấp. Lương theo giờ tùy thuộc vào ông chủ, kinh nghiệm, giờ làm và vị trí cửa hàng, nhưng những người mới ở Tokyo không thể được trả cao hơn giá 985 yên/giờ. Visa sinh viên chỉ cho phép làm 28 tiếng/tuần, nên cũng khó khăn để có thể trang trải cuộc sống. Islam, một sinh viên người Bangladesh đến Nhật tháng 10/2014, đang học đồ họa vi tính ở một trường dạy nghề cho biết, “Thật tốt nếu chúng tôi được làm 35-40 giờ/tuần, cuộc sống ở Nhật quá đắt đỏ”. Do vậy kì nghỉ là cơ hội cho họ kiếm thêm tiền.
Serizawa tin rằng nhiều người đến Nhật với lý do chính là để kiếm tiền, không phải để học. Chính phủ cũng nghĩ thế nên từ tháng 10, Bộ Tư pháp ban hành quy định mới, yêu cầu các trường tiếng Nhật phải tổ chức giờ học ít nhất 35 tuần/năm. Số liệu từ Cục quản lý nhập cảnh cho thấy có sự sụt giảm rõ rệt về số visa sinh viên được chấp thuận. Số visa được thông qua so sánh giữa học kì 4/2018 và 10/2018 lần lượt là: Bangladesh 58% xuống 3,4%; Myanmar 73,5% xuống 19,6%; Uzbekistan 69,1% xuống 4%. Tuy vậy ứng viên từ Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì ở tỉ lệ hơn 90% được chấp thuận.
Anh Serizawa nhận định, “Nếu việc nhập cảnh khó khăn, tôi nghĩ rất nhiều cửa hàng gặp trở ngại. Những người lao động nước ngoài đóng vai trò quan trọng mà nếu thiếu họ nền kinh tế có thể bị lung lay”. Các cửa hàng tiện lợi vẫn sẽ phải dựa vào nguồn nhân lực sinh viên.
Vừa rồi, dự luật sửa đổi Luật nhập cảnh đã được thông qua, 14 nghành công nghiệp được chọn để tiếp nhận loại visa mới. Nhưng trong đó không có nghành công nghiệp cửa hàng tiện lợi, mặc dù đã được sự ủng hộ của Hiệp hội thương mại Nhật Bản. Dù sao Nhật Bản giờ đây đang ở kỉ nguyên mới của nhập cư và việc hàng ngày phải giao tiếp với người nước ngoài càng trở nên hiện thực đối với một trong những nước phát triển có thành phần dân cư đồng nhất.
“Nhiều người Nhật ngại khi giao tiếp với người từ các nước khác, nhưng những năm gần đây họ có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài thông qua cửa hàng tiện lợi. Mọi thứ đang thay đổi và nhân viên nước ngoài ở cửa hàng tiện lợi góp phần vào đó. Một số nơi ở Châu Âu và Mỹ người ta theo chủ nghĩa cực đoan, bài ngoại, khi nhiều kiểu người trong một cộng đồng sẽ xảy ra va chạm. Tôi nghĩ đây là thời điểm để người Nhật xem lại cách tiếp xúc với người nước ngoài và họ muốn Nhật Bản trở thành một đất nước như thế nào. Cả thế giới đang nhìn vào Nhật Bản.” Serizawa dự đoán rằng công nghệ tự động hóa sẽ giảm số nhân công làm việc trong cửa hàng tiện lợi nhưng hiện giờ, người lao động nước ngoài vẫn rất cần thiết.
Từ năm 2016, Lawson đã mở 4 trung tâm huấn luyện ở Việt Nam và Hàn Quốc, dạy học viên tiếng Nhật là cách làm việc. Anh Chiba, quản lý nhân sự, cho hay cùng với sự gia tăng của khách du lịch và Tokyo Olympics sắp tới, nhân viên nói được nhiều thứ tiếng càng được hoan nghênh hơn.
Đối với Mazharul người Bangladesh không có việc làm thêm nào hơn. “Bạn có thể tìm niềm vui với nhân viên khác và khách hàng khi làm việc ở cửa hàng tiện lợi. Trong nhà hàng, khách uống rượu, nói to và tức giận với bạn. Ở cửa hàng tiện lợi, bạn chủ yếu làm việc với các sinh viên khác, cả người Nhật và người nước ngoài. Tôi thích công việc này.”
Tâm sự từ sau quầy, Đặng Thế Phong (25), Việt Nam:
“Tôi tới Nhật từ năm 2015. Tôi học ở trường tiếng Nhật 2 năm và giờ đang là sinh viên năm thứ 2 ở một trường dạy nghề. Tôi làm việc ở cửa hàng tiện lợi cũng phải 20 tháng rồi.
Tôi làm việc 3 ngày/tuần và thỉnh thoảng 4 ngày/tuần. Đôi khi tôi được yêu cầu làm thêm giờ.’Không có ai cả, cậu có thể làm không?’ Điều đó không phải chỉ xảy ra với mình tôi.
Người Nhật không muốn làm công việc này nên không có đủ nhân viên. Họ thuê người Việt Nam và Nepal. Nếu chúng tôi bỏ việc sẽ không có tiền sinh sống, nên chúng tôi phải cố gắng. Đây không phải là cách nhìn của mình tôi, nhiều người cũng nghĩ vậy.
Tôi có thể trò chuyện với người Nhật trong khi làm việc nên trình độ tiếng Nhật của tôi cũng tốt lên. Tôi làm cùng công việc với cùng những con người đó, nó khiến tôi hình thành thói quen. Công việc trước của tôi ở nhà hàng khi tôi còn ở Sendai không có thời gian cố định. Cửa hàng tiện lợi ít bận rộn hơn.
Cũng không có điều gì quá tệ với công việc này. Tôi gặp nhiều vấn đề khi làm ở nhà hàng, họ bắt người nước ngoài làm những việc mà người Nhật không muốn như rửa bát hoặc việc trong bếp.
Khách hàng ở đây giống như là bạn tôi, họ đến thường xuyên và tôi nói chuyện với họ. Tôi thích như vậy. Đôi khi cũng có những khách lạ. Có những khách mà họ gặp chuyện căng thẳng ở nơi làm việc hoặc đâu đó và họ không có chỗ nào để xả, vậy là họ đến cửa hàng tiện lợi và xả cho nhân viên. Họ đùng đùng nổi giận mà nhiều khi chúng tôi không hiểu tại sao.
Người lớn tuổi có cách nói khác với điều tôi học ở trong sách. Tôi không hiểu họ đang nói gì.
Rất khó khăn khi làm việc ở cửa hàng tiện lợi mà tiếng Nhật không tốt, nhất là những người mới tới. Mọi việc có thể bỏ qua nếu chỉ thỉnh thoảng bạn không hiểu, nhưng nếu lặp lại nhiều lần thì khó đấy. Tôi đã làm việc này được một thời gian rồi nên tôi hiểu rõ, nhưng với người mới, sẽ dễ bị cuống lên khi bị hỏi bất ngờ.
Tôi vẫn chưa hiểu hết các phong tục Nhật Bản. Nếu mọi người bao dung hơn một tí với nhân viên cửa hàng tiện lợi không rành tiếng Nhật lắm, chúng tôi sẽ dễ dàng hơn nhiều.”
Nguồn: Japan Times.