Nhật Bản chính là nơi đã khai sinh ra các thiết bị định hình cả 1 thời đại như máy Walkman hay đầu đọc CD và VCD. Giờ đây, họ bị vượt lên bởi Apple, Google hay Samsung.
Trong chuyến công tác tới Nhật Bản vào năm 2004, chuyên gia phân tích công nghệ Michael Gartenberg đã để mắt tới Librie, chiếc máy đọc sách đầu tiên trên thế giới được trang bị công nghệ mực điện tử được sản xuất bởi Sony – “đại gia” điện tử Nhật Bản.
Gartenberg rất ấn tượng với công nghệ này và cho rằng chắc chắn đây là sự khởi đầu của 1 làn sóng mới sắp đổ bộ vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đã có những vấn đề nảy sinh. Phần mềm được viết bằng tiếng Nhật và do đó các lựa chọn bị hạn chế rất nhiều. Ngày nay, thương hiệu Kindle của Amazon đã thống trị thị trường máy đọc sách điện tử trong khi Librie là thương hiệu được rất ít người nhớ tới.
Thực tế, đây không phải là trường hợp duy nhất. Những câu chuyện tương tự đã được nhắc đi nhắc lại trong suốt 20 năm qua khi nói về các đại gia công nghệ đã từng thống trị thế giới của Nhật Bản.
Khi thế mạnh chính là điểm yếu
Vậy thì, gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Mỉa mai thay, thế mạnh truyền thống của Nhật Bản lại chính là yếu tố gây nên sự yếu kém. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản được gắn chặt với triết lý “monozukuri” nổi tiếng – thuật ngữ nói đến nghệ thuật tạo ra sản phẩm với trọng tâm là phát triển phần cứng. Chính triết lý này khiến Nhật Bản đánh mất những yếu tố mà người tiêu dùng thực sự quan tâm đến như thiết kế và tính tiện dụng.
Có thể nhận thấy điều này qua sản phẩm máy đọc sách điện tử. Sony chỉ tập trung vào bán sản phẩm, trong khi Amazon tập trung vào điều ngược lại – bán sách. Kết quả là, khách hàng mua sản phẩm Kindle với 2 lý do: mua và đọc sách.
Để vượt lên trên đối thủ, các công ty Nhật Bản sử dụng những bước đột phá về phần cứng – từ tivi panel phẳng cho đến điện thoại di động công nghệ cao. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài lại phản ứng bằng cách đẩy mạnh cải tiến phần mềm thuận tiện cho người sử dụng đi kèm với thông điệp makerting thông minh hơn.
Điều này khiến Sharp – một trong những “đại gia” điện tử mang đến tự hào cho người Nhật – loạng choạng, lâm vào tình cảnh thiếu tiền mặt trầm trọng trong khi giá cổ phiếu lao dốc thảm hại. Sony cũng đang phải tiến hành cải tổ sau 4 năm dấn sâu vào thua lỗ. Trong khi đó, tình cảnh cũng không khá hơn đối với Panasonic.
Tổng cộng, Sony, Sharp và Panasonic đã phải gánh chịu khoản lỗ lên tới 20 tỷ USD trong năm tài khóa vừa qua. Đây là điều hoàn toàn tương phản so với những ngày huy hoàng thời kỳ cuối những năm 1970 – đầu những năm 1980, khi Nhật Bản bắt đầu thống trị ngành điện tử thế giới với các tập đoàn hùng mạnh cung cấp các sản phẩm “nổi đình nổi đám” như thẻ nhớ, TV màu, đầu máy video.
Luẩn quẩn trong vòng xoáy công nghệ mới
Vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh đồng yên quá mạnh khiến các công ty không thể theo kịp được các cải tiến kỹ thuật trong bối cảnh phải giảm giá thành để thu hút thị trường.
Đối với các sản phẩm có lợi thế vượt trội, các doanh nghiệp Nhật Bản thường chỉ sản xuất trong nước và sau đó bán sản phẩm ở nước ngoài. Như vậy, rõ ràng là đồng yên mạnh sẽ khiến lợi nhuận thặng dư của các doanh nghiệp này sụt giảm nghiêm trọng. Hơn thế nữa, lợi nhuận sụt giảm cũng khiến họ gặp khó khi đầu tư vào các sản phẩm và công nghệ mới.
Có thể lấy thế hệ tivi mới nhất – tivi OLED – làm minh chứng cho điều này. Đây là thế hệ tivi mỏng hơn và tốn ít năng lượng hơn. Cách đây 5 năm, Sony chính là nhà sản xuất đầu tiên bán tivi OLED. Vào thời điểm đó, ban lãnh đạo công ty cho rằng đây chính là biểu tượng cho sự trở lại của hãng.
Tuy nhiên, giờ đây, thị trường này đã bị Samsung dẫn đầu và thậm chí hãng này còn thống trị cả thị trường màn hình OLED trên các sản phẩm như smartphone hay các thiết bị di động khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản gồm Sony, Panasonic, Sharp và Toshiba vốn mất nhiều năm để phát triển công nghệ này đã phải chật vật tìm ra cách thương mại hóa nó.
Trong nỗ lực chống lại các đối thủ sừng sỏ từ Hàn Quốc, Sony và Panasonic đã thành lập liên minh để phát triển công nghệ OLED, bất chấp việc trước đây họ là đối thủ cạnh tranh gay gắt.
Ngược dòng thời gian, vào năm 2004, Sony cũng gặp phải 1 thất bại tương tự. Vào thời điểm đó, Sony cũng là nhà sản xuất đầu tiên giới thiệu tivi LCD ra công chúng. Tuy nhiên, 1 năm sau đó, Samsung tung mẫu tivi LCD của hãng này ra thị trường. Với chiến lược marketing xuất sắc, Samsung đã giành chiến thắng. Theo nghiên cứu của công ty NPD, trong 6 tháng đầu năm, Samsung chiếm gần 1 nửa thị phần tivi LED ở Bắc Mỹ trong khi Sony thậm chí còn không thể lọt vào top 5.
Sau nhiều năm để tuột mất cơ hội, đến gần đây Sony mới nhận ra rằng chính những đột phá về mặt công nghệ mà Sony tạo ra lại là mục tiêu theo đuổi của các đối thủ cạnh tranh. Họ có thể dễ dàng bắt chước với chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Với tình trạng tài chính hiện nay, các doanh nghiệp điện tử Nhật Bản không thể thực hiện những khoản đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, chính sự lựa chọn này lại có những rủi ro riêng: rủi ro rơi vào vòng xoáy suy giảm. Thua lỗ kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư vào các công nghệ và sản phẩm mới sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh với tiềm lực tài chính dồi dào có thể phát triển các công nghệ mới và tăng sức cạnh tranh.
Trong lịch sử, chi phí R&D của Sony và Panasonic thường lớn hơn Samsung rất nhiều. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, xu hướng đã thay đổi hoàn toàn. Năm 2011, Samsung bỏ ra 8,7 tỷ USD cho mảng R&D trong khi Sony và Panasonic chỉ lần lượt bỏ ra 5,5 và 6,6 tỷ USD.
Nguồn Cafef