Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố bảng xếp hạng về bình đẳng giới. Theo đó, Nhật Bản xếp thứ 120 trong số 156 quốc gia. Cụ thể hơn, vấn đề bất bình đẳng giới nằm ở những hạn chế về mặt xã hội ngăn cản phái nữ tại nước này tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế và hệ thống chính trị mặc dù trong việc xóa bỏ sự khác biệt nam – nữ trong giáo dục và sức khỏe họ đã làm rất tốt.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của Covid 19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hẹp chênh lệch giới tính khi mà đâu đâu, tỉ lệ phụ nữ mất việc luôn nhiều hơn cánh mày râu. WEF nhận định sẽ mất hơn 135 năm để xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giới trên toàn cầu. Trong khi đó, chỉ mới năm 2019, họ khẳng định “thế giới chưa cần tới 100 năm đã có thể hoàn thành mục đích đó”.
Trong 4 chỉ tiêu xét hạng, chỉ tiêu “tham gia chính trị và kinh tế” đã kéo tụt đáng kể thứ hạng chung của Nhật Bản. Tỷ lệ phụ nữ trong Hạ viện và trong các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn, doanh nghiệp ở Nhật Bản còn thấp. Xét riêng yếu tố tham gia chính trị, Nhật Bản đứng thứ 101 vào năm 2011, cách đây 10 năm, nhưng kể từ đó đến nay họ chưa bao giờ vượt qua được thứ hạng này.
Năm nay, họ đứng thứ 147, và cũng là thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2011, về tỉ lệ phụ nữ tham gia vào kinh tế, Nhật Bản đứng thứ 100 và năm nay họ có mặt tại vị trí thứ 117. Tỉ lệ phụ nữ đi làm tại Nhật là 72%, nhưng 50,8% là làm việc bán thời gian, trong khi ở nam giới con sỗ này chỉ bằng một nửa là 22,2%.
Thu nhập trung bình của phụ nữ Nhật Bản cũng thấp hơn 43,7% so với nam giới. ” WEF đã phải cảm thán “Covid 19 đã phá vỡ biết bao nỗ lực của chúng ta suốt nhiều năm qua”. Theo một cuộc khảo sát khác do ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) thực hiện, tỷ lệ phụ nữ mất việc do Covid 19 là 5%, nam giới là 3,9%.
Ngoài ra, do việc đóng cửa các trường học, nhà trẻ, khiến phụ nữ bận bịu hơn với công việc nội trợ, chăm sóc con cái và chăm sóc gia đình. Còn có lo ngại cho rằng sự tiến bộ của tự động hóa và số hóa cũng sẽ làm tăng bất bình đẳng giới. Các ngành tuyển dụng tạo xu hướng hiện tại như ngành kỹ thuật, AI,… vẫn luôn không mấy mặn mà với giới nữ.
Đa số phụ nữ Nhật làm trong các lĩnh vực chăm sóc và giáo dục. Mặc dù các ngành này vẫn được mong đợi tăng trưởng trong tương lai, nhưng mức lương thường thấp hơn so với các lĩnh vực như AI.
Về giải pháp, WEF sẽ đầu tư hơn nữa vào các lĩnh vực kinh doanh phúc lợi cho phép phụ nữ được nghỉ ngơi bình đẳng với nam giới. Ngoài ra, đào tạo lại nghề nghiệp theo hướng trung lập về giới tính là biện pháp được WEF kêu gọi lan rộng trên toàn thế giới .
Chánh văn phòng Nội các Kato phát biểu, “Nhật Bản luôn giữ hạng thấp trong số các nước phát triển, thấp hơn các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN. Điều đó cho thấy, những nỗ lực của Nhật Bản còn đang rất chậm chạp. Hiện nay, chúng ta có hai nữ bộ trưởng, tôi nghĩ rằng Thủ tướng Suga đã đưa ra quyết định đúng người, đúng chỗ, với phương châm khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào chính trị nhằm hướng tới sự cân bằng xã hội.”
Theo WEF, NHK