Nhật Bản giành thắng lợi bất ngờ nhất lịch sử bóng bầu dục

Đăng ngày 22/09/2015 bởi iSenpai
Đội tuyển Nhật Bản gây sốc với chiến thắng 34-32, trước ứng viên nặng ký Nam Phi, trong ngày ra quân vòng bảng Rugby World Cup 2015, diễn ra ở Anh.

Nam Phi từng hai lần vô địch thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản bị đánh giá rất thấp trước trận ra quân của hai đội tại bảng B của Rugby World Cup 2015, tối thứ bảy 19/9. Một số nhà cái thậm chí ra tỷ lệ 500/1 (tức đặt một ăn tới 500) cho cửa thắng của đội tuyển xứ hoa anh đào. Giới chuyên môn nhận định chỉ có phép lạ mới có thể giúp Nhật thắng Nam Phi.

Tuy nhiên, các cầu thủ của đội Nhật đã thi đấu can đảm như những võ sĩ đạo, tấn công mạnh mẽ, tốc độ, đảo ngược mọi dự đoán và khiến Nam Phi choáng váng.

Karne Hesketh, cầu thủ gốc New Zealand bên phía Nhật Bản, đã nỗ lực vượt qua vạch biên cuối phần sân của Nam Phi để đặt bóng vào đúng phút cuối trận đấu, khiến lịch sử bóng bầu dục thế giới phải ghi nhận thêm một kết quả khó tin.

Jap-1468-1442790604.jpg

Pha ghi điểm của Karne Hesketh (áo đỏ trắng) giúp Nhật Bản làm nên lịch sử. Ảnh:Reuters.

Tuyển Nam Phi không những được đánh giá có sức mạnh vượt trội với đội hình giàu kinh nghiệm dự giải năm nay, mà còn là đội đã thắng Nhật trong cả 12 lần chạm trán trước đó. Trước thắng lợi bất ngờ 34-32 lần này, Nhật Bản không thắng một trận nào tại World Cup suốt từ năm 1991. Cùng khoảng thời gian đó, Nam Phi luôn dự giải thế giới với tư cách ứng viên sáng giá, và vô địch hai năm 1995, 2007.

Chiến thắng của Nhật Bản được đánh giá là kết quả bất ngờ nhất trong số sáu cú sốc hàng đầu của lịch sử Rugby World Cup (năm trận khác là Tonga thắng Pháp 19-14 năm 2011; Tây Samoa – Wales 16-13, năm 1991; Pháp – New Zealand 43-31, năm 1999; Fiji – Wales 38-34, năm 2007; Samoa – Wales 38-31, năm 1999).

Độ sốc của trận này được thể hiện rõ qua phản ứng của người trong cuộc, và từ dư luận cũng như truyền thông thế giới.

“Tôi xin lỗi người hâm mộ cả nước. Chúng tôi đã thi đấu không đủ tốt, và thiếu kỷ luật chiến thuật. Chúng tôi đã lãng phí nhiều cơ hội. Điều đó thật không thể chấp nhận, và tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”, HLV Heyneke Meyer của đội Nam Phi phát biểu sau thất bại.

Jap4-4455-1442790604.jpg

Nỗi thất vọng, chán chường của cầu thủ Nam Phi, Victor Matfield sau thất bại dưới tay Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Nhưng Meyer vẫn tin Nam Phi sẽ thành công ở giải lần này: “Trước giải tôi đã nhận định đây sẽ là kỳ World Cup khốc liệt nhất lịch sử, và tôi nghĩ sẽ còn thêm những cú sốc nữa. Tôi vẫn tin chúng tôi có thể vô địch giải năm nay, nhưng trước mắt tôi cần phải có một số quyết định nghiêm khắc để thay đổi tình hình”.

Trong khi đó HLV của Nhật Bản, Eddie Jones (cựu HLV trưởng Australia), phát biểu: “Chúng tôi đã giành được kết quả lạ thường, nhưng thật tuyệt vời. Trước trận, chúng tôi nghĩ có thể gây nhiều rắc rối cho Nam Phi, nhưng chiến thắng trước họ thực sự là một điều khó tin. Hôm nay là ngày vĩ đại của bóng bầu dục Nhật Bản. Nhưng hôm nay cũng mới chỉ là khởi đầu của giải đấu. Mục tiêu của chúng tôi bây giờ là vào tứ kết. Nếu bạn là một cậu bé ở Nhật Bản, bạn chắc chắn sẽ xem trận này và khao khát muốn chơi cho đội tuyển quốc gia ở Rugby World Cup 2019, giải đấu diễn ra ở Nhật Bản”.

Clive Woodward, HLV tuyển Anh vô địch Rugby World Cup 2003, ngợi khen Nhật Bản đã khiến cuộc đấu với Nam Phi trở thành trận đấu hấp dẫn nhất trong lịch sử World Cup bóng bầu dục.

Jap3-8864-1442790605.jpg

Nhật Bản chưa từng là quốc gia mạnh trên bản đồ rugby thế giới. Nhưng với HLV Eddie Jones (phải), họ đang từng bước làm thay đổi vị thế của rugby xứ sở mặt trời mọc. Ảnh: Reuters.

Rất nhiều tên tuổi lớn khác của làng rugby thế giới khen Nhật Bản đã có một màn trình diễn xuất sắc, với chiến thuật thông minh của HLV Eddie Jones. HLV 55 tuổi này có bố là người Australia, mẹ người Nhật Bản. Ông từng là HLV trưởng tuyển Australia thua Anh tại chung kết World Cup 2003, và từng là trợ lý HLV trưởng tuyển Nam Phi năm họ vô địch thế giới (2007).

Trong khi đó, giới truyền thông Nam Phi phản ứng giận dữ sau thất bại. Họ chỉ trích màn trình diễn của đội tuyển quốc gia là “lúng túng”, “kiêu ngạo, chủ quan”, và “trò hề”.

Nguyễn Phát (VnExpress)

Trả lời