Nhật Bản – nơi biển quảng cáo sumo dự báo sức khỏe kinh tế

Đăng ngày 03/02/2016 bởi iSenpai
1200x-1_NBVY

Ảnh: Bloomberg

Khi những võ sĩ sumo rục rịch bước vào giải đấu lớn cuối cùng trong tháng 1 ở Tokyo, nhà kinh tế Akiyoshi Takumori, người làm việc tại hãng quản lý tài sản lớn nhất Nhật Bản, bắt đầu tính toán dự báo kinh tế của mình. Đối với ông Takumori, môn võ cổ truyền không chỉ là trò vui giải trí. Đây là góc nhìn xác định xem liệu chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thành công ra sao trong việc kích thích nền kinh tế.

Bằng cách đếm số lượng biển quảng cáo, tên công ty thêu trên biểu ngữ được nhiều người đàn ông cầm trên tay, giới đầu tư có thể đánh giá xem liệu các giám đốc điều hành có đang lạc quan về nền kinh tế và sẵn sàng chi tiêu tiền mặt của công ty họ hay không, ông Takumori cho biết.

Nhà kinh tế 58 tuổi đang tìm kiếm các dấu hiệu để đánh giá triển vọng cho kế hoạch kinh tế Abenomics, và cụ thể hơn là tác động của Abenomics lên thị trường chứng khoán. Sau ba năm đầu lạc quan với chỉ số Nikkei 225 Stock Average tăng gấp đôi, cổ phiếu Nhật Bản lao dốc trong năm 2016 với khởi đầu năm mới tệ kỷ lục.

“Các biển quảng cáo như đèn giao thông bổ sung vào các yếu tố chính, các chỉ số kinh tế thông thường. Nếu bạn theo dõi các biển quảng cáo, bạn có thể nói được rằng các yếu tố chính có chuyển sang đèn đỏ hay không”, nhà kinh tế Takumori cho hay.

Vậy các biển quảng cáo sumo đang thể hiện điều gì? Giải đấu vào tháng 1 ở Nhật Bản có 1.872 băng rôn của doanh nghiệp tài trợ chạy trong suốt 15 ngày giải đấu diễn ra, ít hơn 5,4% so với mức cao nhất từng được ghi nhận là 1.979 biển quảng cáo tại sự kiện diễn ra ở Fukuoka vào tháng 11. Song 1.872 băng rôn trên đây vẫn là con số cao thứ nhì trong lịch sử và chủ yếu chuyện sụt giảm là do có một tay đô vật không tham gia giải đấu vì chấn thương.

Chỉ số Topix của Nhật Bản cũng đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoài tầm kiểm soát khi mất đến 6,2% trong năm nay, rơi vào giữa đợt lao dốc cổ phiếu toàn cầu xảy ra do lo ngại về kinh tế Trung Quốc và giá dầu cùng các loại hàng hóa khác.

“Số lượng có thể tốt nhưng vì các yếu tố bất thường mà nó trở nên xấu hơn”, ông Takumori nói về mức giảm trong số lượng biển quảng cáo. Nhà kinh tế làm việc tại hãng quản lý tài sản Sumitomo Mitsui bắt đầu đếm các biểu ngữ từ năm 1990 và sớm phát hiện ra sự tương quan trong số lượng của chúng và tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đơn cử, khi số lượng quảng cáo giảm trong tháng 1.2012, GDP Nhật Bản bi quan trong quý tiếp theo.

Trung bình mỗi biển quảng cáo tốn 62.000 yen Nhật, tương đương 515 USD, và các doanh nghiệp phải trả khoản tiền cho ít nhất một ngày trong suốt thời gian diễn ra giải đấu. Biểu ngữ tại giải đấu góp mặt nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ hãng điều hành cửa hàng tiện lợi Lawson đến Suzusho, công ty làm thịt bò khô. Giải đấu được phát sóng trực tiếp trên đài NHK và khoảng 1/4 hộ gia đình khu vực Tokyo theo dõi ngày thi cuối cùng của mùa giải, theo số liệu từ hãng Video Research.

“Quảng cáo như thế này không phải là quá phô trương, song các doanh nghiệp sẽ không chi tiền cho quảng cáo nếu họ không có doanh thu tốt”, chuyên gia Takumori nói. Lợi nhuận hoạt động của các công ty có cổ phiếu góp mặt trong chỉ số Nikkei 225 tăng lên mức kỷ lục vào quý kết thúc tháng 9.2015 vì đồng yen yếu và khách du lịch lần lượt tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu và các doanh nghiệp nội địa.

Theo Thu Thảo (Thanh Niên)

Trả lời