NHK đưa tin Chính phủ Nhật đã tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng tại dinh Thủ tướng sáng ngày 13/4 để thảo luận về cách xử lý nước đã qua xử lý có chứa các chất phóng xạ như tritium, đang dần vượt quá sức chứa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Theo đó, chính phủ Nhật đã đưa ra kết luận đồng ý với phương án xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý để đạt chuẩn an toàn ra biển.
Sau khi quyết định được công bố, các nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với đề xuất trên. Cùng với đó là thái độ nghi ngờ từ phía người dân và ngư dân đánh bắt cá trên biển. Vấn đề được bàn luận ở đây là, quá trình xử lí nước có thể loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ ngoại trừ Tritium.
Theo các chuyên gia, chất Tritium chỉ gây hại cho con người khi đưa vào một liều lượng rất lớn. Cơ quan Năng lương Nguyên tử quốc tế IAEA lập luận rằng, nước nhiễm Tritium có thể xử lí bằng cách pha loãng đến khi đạt nồng độ tiêu chuẩn và thải ra đại dương một cách an toàn.
Về những lo ngại từ phía người dân, chính phủ Nhật Bản nói rằng sẽ tăng cường phổ biến thông tin và trả lời mọi câu hỏi được đặt ra.
Tritium là gì?
Tritium là một đồng vị phóng xạ của Hidro. Ngoài tự nhiên, Tritium có thể được tạo ra khi các tia bức xạ vũ trụ tương tác với khí quyển khiến nước mưa, nước biển và ngay cả trong cơ thể chúng ta có thể có một hàm lượng rất nhỏ chất này. Trước khi phương án xả nước ra biển được quyết định, người ta đã đưa ra 5 phương án như sau:
▽Pha loãng đến nồng độ an toàn và thải ra biển
▽Đun đến nhiệt độ bay hơi và giải phóng vào khí quyển
▽Điện phân tạo ra hidro và giải phóng vào khí quyển
▽Đưa vào sâu trong lòng đất
▽Trộn với xi măng, đóng thành khối và chôn xuống đất.
Tại thời điểm hiện tại, công nghệ tách và loại bỏ Tritium cũng đã được xem xét, nhưng người ta kết luận rằng công nghệ này chưa đến giai đoạn có thể đưa vào sử dụng thực tế. Vào tháng 2 năm 2020, các nhà chuyên gia đi đến kết luận rằng phương án pha loãng rồi xả ra biển là phương án thực tiễn nhất. Đánh giá này được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học từ các nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA.
Cụ thể, nước chứa Tritium sẽ được pha loãng đến 1/40 mức tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 mức tiêu chuẩn về nước uống do WHO quy định trước khi được đưa ra biển. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cùng các lãnh đạo địa phương Nhật Bản sẽ là nhân tố trong nước, IAEA sẽ là nhân tố quốc tế cùng nhau tham gia giám sát nồng độ trước và sau khi xả nước.
Dự kiến, kế hoạch này sẽ được chính thức bắt đầu sau hai năm nữa, tức là năm 2022, sau khi đã xây dựng được cơ sở và đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra. Ngoài ra, người ta cũng tính đến phương án, vận chuyển lượng nước trên ra ngoài khơi xa bằng tàu biển để hạn chế nhất khả năng ảnh hưởng của chúng lên con người.
Hiện tại, sau 10 năm kể từ sự cố năm 2011, việc tiếp tục trữ nước đã qua xử lý có chứa Tritium trong các bể chứa là một trở ngại lớn cho việc tái thiết tại khu vực Fukushima. Vấn đề này trở nên ngày càng cấp thiết do sự thiếu hụt không gian lưu trữ nước.
Tại khu lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, việc phun nước để làm mát nhiên liệu hạt nhân của Tổ máy số 1 đến tổ máy 3 vẫn đang được tiếp tục tiến hành. Bên cạnh đó, nước mưa và nước ngầm tiếp tục chảy vào nhà máy với tốc độ 140 tấn mỗi ngày. Trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, có hơn 1000 bể lớn chứa nước đã qua xử lý, và 90% dung tích khoảng 1,37 triệu tấn đã chứa nước.
Theo NHK, Kyodo News, TBS News