Người dân Nhật Bản có rất nhiều điều có thể tự hào về đất nước mình, một trong số đó là bản Hiến pháp được coi là hòa bình nhất trên thế giới. Dù lịch sử tàn bạo của đội quân phát xít trong hai cuộc chiến tranh thế giới vẫn còn đó, nhưng từ năm 1947 trở đi, Nhật Bản chính là dân tộc hòa bình và yêu chuộng hòa bình nhất trên thế giới bởi một điều nhỏ trong đạo luật cơ bản.
Một điều luật có thể làm nên tên tuổi của cả một bộ luật, câu nói này đúng với điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (tuyên bố từ bỏ quyền tuyên chiến), theo đó:
1. Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe doạ bằng vũ lực.
2. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục, hải và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.
Có thể hiểu, điều 9 Hiến pháp quy định Nhật Bản không được sản xuất các loại vũ khí tấn công, vũ khí hạt nhân, đồng thời không được đưa quân đội ra nước ngoài tham chiến.
Nhưng, sau gần 70 năm chỉ xây dựng và phát triển lực lượng phòng vệ để đảm bảo an ninh và chủ quyền theo tinh thần của điều 9 Hiến pháp. Ngày nay, ngài Thủ tướng Shinzo Abe cùng Đảng cầm quyền đang có một “tham vọng lớn”, là làm sao để Nhật Bản có sức ảnh hưởng lớn hơn nữa, và đủ sức đối phó với tình hình an ninh căng thẳng trong khu vực – đó chính là điều động quân đội.
Là một cường quốc về kinh tế, nhưng Nhật Bản không hề có tên trên bản đồ quân sự thế giới, sức mạnh quân sự không cao như vị thế kinh tế khiến Nhật Bản gặp nhiều bất lợi trên chính trường. Mỹ có thể điều quân góp mặt ở tất cả các điểm nóng trên thế giới, tầm ảnh hưởng gần như bao trùm toàn diện. Nga với sức mạnh khoa học kỹ thuật cũng vươn cánh tay của mình phủ trời Âu, là đối trọng chính với Mỹ trong thế giới phân cực. Trung Quốc như con hổ đang dần mọc thêm đôi cánh nhờ đầu tư vô cùng lớn cho Quốc phòng, chừng đó là đủ để Nhật Bản xem lại tầm ảnh hưởng của mình. Những đồng yên ODA và các hình thức viện trợ khác là không đủ đem lại vị thế xứng tầm cường quốc.
Nhưng mưu cầu vị thế chưa phải là điều cốt lõi, chính những xung đột gần đây với Trung Quốc và Hàn Quốc về vấn đề chủ quyền, biển đảo mới là động lực chính thúc đẩy ngài Shinzo Abe kết thúc lộ trình hơn 10 năm tăng cường sức mạnh quân sự bằng một hành động thiết thực, đó chính là đưa ra bản dự luật an ninh mới, cho phép binh sĩ Nhật Bản được tham chiến ở nước ngoài – lần đầu tiên sau Đệ nhị thế chiến.
Lộ trình dự luật và những tranh cãi:
Chiều ngày 16/7 vừa qua, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật nhờ số ghế chiếm ưu thế của Đảng Liên minh cầm quyền, tuy dễ dàng nhưng đã vấp phải những phản đối mạnh mẽ.
Các Đảng đối lập không ngần ngại đưa ra những lời chỉ trích, một phần vì sự đối lập đảng phái chính trị, nghị trường cũng là chiến trường, chưa thể khẳng định sự đấu tranh đó vì mục đích nào là chính.
Người dân thì khác các nghị sĩ, họ không cho phép một đạo luật mở đường một lần nữa cho Nhật Bản bước vào các cuộc xung đột vũ trang bên ngoài biên giới. Điều động quân đội không đồng nghĩa với phát động chiến tranh, nhưng nó cho phép điều đó xảy ra. Những cuộc biểu tình rầm rộ liên tục diễn ra tại Tokyo, Hiroshima, Yamaguchi với những khẩu hiệu bảo vệ điều 9 Hiến pháp. Sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Abe đang giảm mạnh kể từ khi ông quay lại nắm quyền năm 2012.
Ngài Abe phải làm gì:
Hạ viện đã thông qua dự luật, điều mà ngài Abe và bộ sậu cần phải làm chính là để nó vượt qua ải cuối cùng, đó là Thượng viện, nơi chưa thể chắc chắn điều gì khi Đảng cầm quyền không còn chiếm đa số ghế. Vận động hành lang là việc làm cần kíp nhất hiện tại.
Trong tình huống xấu có thể xảy ra, đó là dự luật bị Thượng viện bác bỏ, nó sẽ quay trở lại Hạ viện và tiếp tục được đệ trình sau 60 ngày, nếu số phiếu thông qua lớn hơn 2/3 thì ngài Abe đã thành công.
Bên cạnh đó việc giải thích dự luật một cách rõ ràng và xoa dịu dư luận cũng là một ưu tiên hàng đầu trong thời điểm căng thẳng này. Các thanh niên là tầng lớp không mấy quan tâm đến chính trị nay đã xuống đường biểu tình, sự kỳ lạ đó không thể chỉ giải thích bằng việc họ chính là hàng ngũ quân đội tương lai.
Trung – Hàn và các đồng minh nói gì:
Trung Quốc cho rằng, dự luật an ninh mới của Nhật Bản là động thái gây phức tạp an ninh khu vực và sự ổn định chiến lược. Hàn Quốc bày tỏ quan ngại ngại dự luật sẽ cho phép Nhật Bản điều động quân đội trong các hoàn cảnh xung đột. Còn Mỹ thì vô cùng hoan nghênh động thái của Nhật trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện của Hải quân ở vùng biển Hoa Đông và biển Đông.
Tuy mới chỉ là dự luật, nhưng sự tranh cãi quanh nó đang nóng lên từng ngày. Việc tăng sức nặng của tiếng nói Nhật Bản là điều cần kíp, sự hiện diện của Nhật ở các khu vực cần bảo vệ và duy trì hòa bình trên thế giới lại vô cùng cần kíp. Nhưng phần lớn người dân Nhật Bản yêu chuộng hòa bình đang không hề mong muốn viễn cảnh huy động quân đội xảy ra.
Tranh cãi kèm theo những sự bất ổn về tình hình chính trị trong nước đi kèm bài toán đồng yên chưa thể giải là một cơn đau đầu không hề dễ chịu cho ngài Thủ tướng. Cộng thêm căng thẳng với Trung Quốc sẽ ngày càng leo thang và người hàng xóm “kim chi” không hề dễ tính. Các khủng hoảng sẽ lần lượt tới theo nhiều cách và Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều kịch bản khác nhau. Có vẻ như nước cờ này của ngài Abe đã sai lầm.
(Mr.Moon – bài viết dựa trên quan điểm cá nhân).