Với việc nguồn cung thịt gà từ Đông Nam Á bị tắc nghẽn, nhiều nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở Nhật đã ngừng bán hoặc giảm phần thịt gà. Đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những khó khăn về nguyên liệu của ngành thực phẩm Nhật Bản trong đại dịch Covid khi các nhà máy chế biến tập trung ở Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác giảm công suất.
Khi tình trạng khẩn cấp ở Nhật được dỡ bỏ, lực cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm ở Nhật tăng lên nhanh chóng nhưng các nhà hàng và siêu thị gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung. Seven Eleven đã phải ngừng bán món gà nướng xiên của mình ở một số cửa hàng. Saizeriya cũng phải giảm số cánh gà chiên trong món ăn nổi tiếng nhất của mình từ 5 chiếc xuống 4.
Các nhà máy chế biến thịt gà xuất sang Nhật Bản ở Thái Lan phải giảm công suất vì thiếu hụt lao động nhập cư. Công ty thực phẩm đông lạnh Nichirei đang vật lộn để tìm kiếm nhân lực thay thế các công nhân người Campuchia ở Thái Lan. Việc giảm công suất khiên công ty phải hạn chế bán dòng gà rán đông lạnh mới trong quý mùa thu năm nay. Nippon Suisan và Ajinomoto Frozen Foods cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Bên cạnh đó, việc thiếu container toàn cầu cũng gây nên tình trạng khủng hoảng trong vận tải đường biển ở quy mô lớn. Dự trữ thịt gà nhập khẩu ở Nhật đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020 theo Nikkei. Các loại thực phẩm khác cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền. KFC đã ngừng bán khoai tây chiên ở khoảng 1/5 số nhà hàng của chuỗi do các lô hàng khoai tây bị đình trệ. Công ty kinh doanh thủy sản Maruha Nichiro cũng cho biết các lô hàng tới Nhật từ Việt Nam cũng sẽ chậm từ 10 ngày đến 2 tuần so với thường lệ. Rượu vang, thịt bò và hành tây cũng bị ảnh hưởng nguồn cung và đang tăng giá khiến đến cả những món ăn bình dân như gyudon (cơm thịt bò hành tây) cũng trở nên đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên đó chưa phải là điều tệ nhất khi nhiều chuyên gia kinh tế cho biết với Nikkei rằng họ tin việc việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn sẽ kéo dài khi nguy cơ bùng phát dịch vào mùa đông vẫn đang hiện hữu. Việc thực phẩm tăng giá cũng ảnh hưởng tới việc kích thích sức mua để khôi phục nền kinh tế đang khủng hoảng của Nhật Bản. Vì vậy bên cạnh việc khống chế dịch bệnh trong nước, các nước phát triển cũng cần quan tâm tới việc hỗ trợ các nước khác có thể mau chóng kiểm soát dịch bệnh và khôi phục sản xuất.
Theo Nikkei Asia, NHK