“Cái chết cô độc”- cụm từ có lẽ khá xa lạ với phần đông người Việt Nam nhưng không hề xa lạ với người Nhật. Đây đang là vấn nạn cần giải quyết trong xã hội Nhật Bản hiện nay bởi theo ước tính của vài năm gần đây, cứ 50 người chết vì các lí do khác nhau thì trong đó sẽ có 1 người chết cô độc. Vậy cuối cùng thì “cái chết cô độc” là gì?
“Cái chết cô độc”?
Hiện chưa có một định nghĩa rõ ràng nào nhưng theo Wikimedia, những cái chết do bệnh đột nhiên bị phát tác mà bên cạnh không có ai chăm sóc, cũng không thể cầu cứu ai được và sau một khoảng thời gian sau khi chết mới được phát hiện ra gọi là cái chết cô độc.
Hàng năm tại Nhật có khoảng ba vạn cái chết cô độc. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở các cụ già sống một mình. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng chết cô độc ở lứa tuổi 30, 40, 50 thậm chí có cả 20 đang có xu hướng tăng lên.
Cái chết chủ yếu được phát hiện bởi người quản lí khu nhà, sau đó đến nhân viên liên quan đến phúc lợi xã hội rồi mới đến người thân hay bạn bè của họ.
Biểu đồ những đối tượng phát hiện ra người chết. Nguồn: seniorguide.jp
Nguyên nhân phát hiện phát hiện ra xác chết chủ yếu là do đến để hỏi thăm, do lâu ngày không liên lạc được nên đến để tìm hiểu (60.1%), tiếp theo do ngửi thấy mùi lạ, mùi hôi thối xung quanh nhà, căn hộ (21.1%), và cuối cùng có thể kể đến là do trễ tiền nhà, hoặc do trễ nải thư tín, điện báo của bưu điện.
Biểu đồ nguyên nhân phát hiện ra người chết. Nguồn: seniorguide.jp
Số ngày phát hiện ra người chết trung bình là 17 ngày. Có những người chết phải đến sau hơn 90 ngày mới được phát hiện.
Biểu đồ số ngày phát hiện ra người chết cô độc. Nguồn: seniorguide.jp
Nguyên nhân của những cái chết cô độc
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến: do bệnh tật.
Đặc biệt là những bệnh tiềm ẩn nguy cơ đột ngột phát tác như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não…Ngoài ra có rất nhiều trường hợp chết do các tai nạn bất ngờ như ngã cầu thang, ngã do trơn trượt…nhưng vì không có ai để kêu cứu nên cứ thế ra đi. Rồi do tuổi cao, hay do sức khỏe kém nên không thể tự mình lo cho cuộc sống hàng ngày, không thể tự nấu nướng dẫn tới chết vì đói…
Ngoài ra, tâm bệnh cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến những cái chết cô độc. Khi sống một mình, khi không giao tiếp với ai, khi thấy bản thân không thể làm thuần thục những việc đơn giản như việc sinh hoạt hàng ngày (nấu cơm, tắm rửa, thay quần áo, giặt giũ,…) nhiều người sẽ cảm thấy cực kì cô độc, rơi vào trạng thái chán nản, bất lực, tự trách, rồi buông xuôi. Tâm thần bị đè nặng dẫn đến suy mòn về cơ thể, héo hon về thể chất…
Ảnh : matome.naver.jp
Nguyên nhân thứ 2 không thể không nói tới đó là sự mờ nhạt trong mối quan hệ máu mủ cũng như mối quan hệ giữa hàng xóm láng giềng của người Nhật. Nếu con cái quan tâm đến cha mẹ già phải sống một mình của họ hơn, nếu hàng xóm để ý đến nhau hơn một chút thì có lẽ con số những người phải chết cô độc sẽ được giảm đi đáng kể. Bởi vì sống một mình, không mấy khi giao tiếp với ai nên khi xảy ra chuyện ngoài ý muốn, họ cũng không biết gọi cho ai, không biết nên cầu cứu ai.
Hơn nữa, ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật là đức tính không muốn gây phiền phức cho người khác, nếu tự mình làm được sẽ cố gắng làm, không muốn lệ thuộc bất cứ ai. Vì thế, đa phần người già ở Nhật muốn sống một mình. Dưới đây là biểu đồ xu hướng muốn sống một mình của người già trên 65 tuổi tại Nhật Bản. Có thể thấy được rằng, càng ngày, người già ở Nhật càng muốn sống một mình, đặc biệt là nữ giới. Ước tính đến năm 2020, số người già sống một mình có thể lên đến gần 7 triệu người. Và có lẽ nếu chính phủ Nhật Bản không đưa ra được những giải pháp kịp thời thì tình trạng người chết cô độc còn tăng thêm rất nhiều.
Biểu đồ xu hướng sống một mình của người cao tuổi tại Nhật
Ảnh : e-hinseiri.com ( Theo điều tra của phủ Nội các năm 2016)
Nghèo đói cũng là nguyên nhân khá phổ biến. Tuy Nhật Bản là một quốc gia phát triển nhưng tầng lớp nghèo đói vẫn còn. Vì thiếu tiền nên không thể mua đồ ăn dẫn tới chết đói, vì thiếu tiền nên mua đồ ăn không đủ dinh dưỡng dẫn tới suy kiệt mà chết…
Người bị hội chứng nghiện rượu bia
Ngoài ra có thể kể đến nguyên nhân chết do ngộ độc rượu, bia. Nhiều người để quên đi nỗi cô đơn khi sống một mình, họ đã tìm đến rượu bia, dần dần bị nghiện. Ngày qua ngày, chỉ có đưa rượu, bia vào cơ thể và cuối cùng dẫn tới ngộ độc và mất đi ý thức.
Tổng kết : Hiện nay chính phủ Nhật Bản đang rất nỗ lực nhằm phòng và giảm thiểu tình trạng chết cô độc tại đây. Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra như thiết lập chương trình đến thăm hỏi định kì dành cho những người sống 1 mình tại địa phương, tăng cường phúc lợi dành cho người cao tuổi, hỗ trợ chi phí cho người cao tuổi trong các viện dưỡng lão, thành lập nhiều câu lạc bộ xã hội nhằm kết nối mọi người gần nhau hơn, gắn kết cộng đồng, tận dụng sức mạnh của truyền thông để tuyên truyền cho người dân về tình trạng cũng như các mối hiểm nguy của việc sống cô độc…
Tham khảo : https://seniorguide.jp/article/1110348.html