“Bắt nạt tại trường học”- vấn đề chẳng hề xa lạ với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Ở Nhật, đây đang dần trở thành một vấn nạn ớn khiến chính phủ và người dân không khỏi đau đầu. Không chỉ bởi vì tính chất nguy hiểm, số lượng các vụ nhiều mà hơn hết đây đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc muốn tự sát của trẻ đang độ tuổi đi học.
Thực trạng vấn nạn và những con số biết nói
Theo Bộ Giáo dục Nhật bản vào năm 2014 (Heisei 26), số vụ bắt nạt tại các trường tiểu học, trung học, phổ thông, trường dành cho trẻ khuyết tật trên toàn quốc có tới hơn 180 nghìn vụ. Tuy nhiên, đó chỉ là con số có được do phía nhà trường đưa ra. Nếu tính cả những vụ nhà trường giấu đi hay họ không phát hiện ra thì ước tính con số này phải lên tới 200 nghìn vụ.
Số vụ “Bắt nạt tại trường học” (theo điều tra của Bộ Giáo dục Nhật Bản) từ năm 1985 (60年度) đến năm 2014 (26年度)
Xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới lần lượt là trường tiểu học, trung học, phổ thông, trường dành cho trẻ khuyết tật (từ năm 6年度-1994) và tổng số vụ.
Biểu đồ số vụ bắt nạt trên cả nước được phía nhà trường thừa nhận
Đường màu xanh da trời: tiểu học
Đường màu xanh lá: trung học
Đường màu vàng: phổ thông
Đường màu hồng:Tổng số vụ
Đáng nói hơn, số vụ bắt nạt chủ yếu xảy ra tại trường tiểu học với 122721 vụ, chiếm khoảng 2/3 tổng số vụ bắt nạt trên toàn nước Nhật.
Năm 2013, con số vụ bắt nạt ở tiểu học có 33124 vụ, mà tới năm 2014, sau chỉ một năm, con số này lên tới 117384, tức là gấp gần 3 lần so với năm ngoái.
Biểu đồ các vụ bắt nạt của từng năm học (từ năm 1 tiểu học đến năm 4 phổ thông)
Dựa vào biểu đồ trên có thể thấy, đa phần các vụ xảy ra ở lứa tuổi tiểu học nhưng đối tượng bị bắt nạt nhiều nhất lại là học sinh năm thứ nhất trung học, khi các em bắt đầu mới bước chân vào trường.
Nguyên nhân của các vụ bắt nạt
Một số nguyên nhân chính của khiến những đứa trẻ đi bắt nạt bạn bè:
- Không chấp nhận “kẻ không giống mình”
- Giải tỏa stress
- Để giữ được sự yên ổn của con tim
- Cảm thấy thú vị
- Vì không thể bắt nạt chính mình
- Bị ngược đãi ở nhà
- Ở nhà, chuyện bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên
Các hình thức bắt nạt
Theo kết quả điều tra của Bộ Giáo dục Nhật Bản, có những hình thức bắt nạt chủ yếu sau:
- Nói xấu, châm chọc, lăng mạ (64.5%)
- Đánh đập (29.7%)
- Phớt lờ, coi như không tồn tại (19.1%)
- Cướp tiền, trấn ột đồ (9.2%)
- Bắt àm những chuyện đáng xấu hổ, chuyện nguy hiểm (7.8%)
- Bắt dùng điện thoại, máy tính để đi phỉ báng người khác hoặc làm những chuyện bản thân người bị bắt nạt không muốn. (4.2%)
Gần đây, xu hướng dùng điện thoại, mạng xã hội như SNS làm công cụ để bắt nạt đang có xu hướng tăng cao. Các hình thức dùng để bắt nạt ngày càng phong phú và khó đoán.
Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị bắt nạt
Ảnh: tamagoo.jp
Ngày càng nhiều người Việt Nam sang Nhật sinh sống và lập gia đình nên việc cho con theo học ở các trường tại đây có thể coi là lẽ đương nhiên. Và trường hợp đứa trẻ đó bị bắt nạt tại trường hoàn toàn có thể xảy ra. Khi bị bắt nạt, có rất nhiều trẻ không dám nói với bố mẹ, phần vì cảm thấy xấu hổ khi bị bắt nạt, phần vì không muốn bố mẹ lo lắng, phần vì bị đối phương dọa dẫm…Vì thế, các ông bố bà mẹ hãy lưu ý một số dấu hiệu để nhận biết con mình có bị bắt nạt ở trường hay không. Trẻ đột nhiên có những biểu hiện bất thường sau:
- Dễ xúc động, có thể ngay lập tức khóc hoặc ngay lập tức cáu giận
- Hay lơ đãng
- Ngủ chập chờn, hay mơ thấy ác mộng, sáng ngày ra không muốn dậy, không muốn tới trường
- Quần áo bị bẩn
- Bị mất đồ, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân
- Có một số vết thương nhỏ (hoặc lớn) trên người.
- Cặp sách hay một số dụng cụ bị vẽ bậy lên.
- Không muốn ăn, ăn kém
- Ít cười, không muốn nói chuyện, hay ủ rũ
- Đôi khi tự nhổ tóc mình
- Hay cắn móng tay
Ngoài để ý, quan sát các biểu hiện của con mình, bố mẹ cần có sự liên kết với thầy cô, nhà trường để hỏi han về tình hình con ở trên trường và nếu giáo viên phát hiện trẻ bị bắt nạt cũng được biết ngay.
Khi con bị bắt nạt thì phải làm thế nào?
- Trao đổi với nhà trường và giáo viên phụ trách lớp
Đầu tiên, hãy đến gặp trực tiếp giáo viên phụ trách lớp để nói chuyện, trao đổi và cùng tìm cách giải quyết. Không nên chỉ liên lạc qua mai hay điện thoại vì như vậy không thể nói rõ toàn bộ tình hình và việc tìm cách giải quyết cũng có thể tốn thời gian hơn.
- Cùng nhà trường nói chuyện với người bảo hộ của đứa trẻ bắt nạt và bản thân đứa trẻ bắt nạt
Chỉ làm việc này khi đã trao đổi với phía nhà trường và có trong tay bằng chứng xác thực con mình bị đứa trẻ đó bắt nạt, Nếu không như vậy có thể khiến bên kia không thừa nhận hành vi và đem lại rắc rối cho bản thân.
- Bàn bạc và tham khảo ý kiến của luật sư
Nếu cảm thấy cần thiết và hai bên không thể tự hòa giải hãy bàn bạc và tham khảo ý kiến của luật sư để có thể đem lại công bằng cho con mình.
- An ủi, chăm sóc con
Một điều vô cùng cần thiết và phải đặt lên hàng đầu khi biết con bị bắt nạt. Thường những đứa trẻ phải chịu cảnh bị bắt nạt đều mang tâm lí sợ hãi, lo lắng, bất an. Vì vậy, cha mẹ, người gần gũi nhất với trẻ lúc này cần ở bên, động viên con, giúp con vượt qua nỗi sợ hãi. Đồng thời sau này cần dạy con một số điều nếu còn bị bắt nạt nữa như phải báo với cha mẹ, thầy cô, nhà trường và cùng với đó giúp con có kĩ năng tự bảo vệ chính mình như rèn luyện thân thể, học võ tự vệ…
Tham khảo: https://best-legal.jp/children-bullying-9476