Thông thường dân du hành thường truyền tai nhau xứ Phù Tang đẹp nhất là đi vào tháng 11 ngắm lá đỏ khắp cố đô Kyoto, tháng 3 ngắm tuyết núi Phú Sĩ. Nhưng tôi lại đến Nhật vào những ngày đầu mùa tháng 10, nhiều người bảo thế có uổng không vì chỉ đợi tháng nữa là nước Nhật khác.
Không uổng công tí nào, suốt dọc hành trình từ Bắc đến Nam từ Fukuoka đến Tokyo, ghé chân thêm hai thành phố lớn là Osaka và cố đô Kyoto, đến nơi chốn nào cũng được đón nhận bằng buổi sáng tinh khiết và hoàng hôn trong vắt ánh cam hồng.
Cảm giác của tôi mùa tháng 10 chính là lúc bạn được gột rửa tâm hồn u sầu và tuyệt vọng trong không khí trong lành ấy, khoảnh khắc vạn vật đều sáng rõ mà vẫn khiến người ta mơ mòng vì vẻ đẹp hoàn hảo của nó.
Lộng lẫy, xa xỉ trong bộ thời trang hàng hiệu, lưng thẳng tiến lên phía trước, ngẩng mặt kiêu hãnh dạo bước trên đường phố trang hoàng bởi hàng ngàn ngọn đèn vàng quyến rũ sau cả một ngày đầy tăm tối trong hàng núi việc để thăng tiến, người Nhật rời khỏi nhà sau 8 giờ tối hoà vào không gian hội chợ phù hoa nơi con phố lớn nhất của Tokyo. Có ai nói trong đầu tôi: Làm việc để làm gì? – Thì đây, để có thể đắm mình trong không gian huyễn hoặc này với những vẻ đẹp phù phiếm mà tôi thấu hiểu điều đó đến nỗi tôi thà là được buông thả, để nó trôi qua nhanh như cảm giác cuộc đời tôi có được vậy.
Nhưng Nhật Bản không chỉ có Hội chợ phù hoa, mà còn có những vỉa hè trải thảm thơ mộng với cỏ hoa và những lâu đài và những ngôi nhà cổ như trong truyện thần thoại đang ẩn mình trong thế giới hiện đại, khiến người ta có cảm giác được sống cả với hai thế giới cùng lúc: thực và mơ.
Những thành phố tôi đến, những con vỉa hè tôi qua, ở nơi bất kỳ một tầng lớp nào, từ một người không xu dính túi vẫn có thể nằm ngủ ngon trên vỉa hè sạch bóng, thở ra những hơi thở trong lành để có những giấc mơ trong lành, cho đến những trai tài gái sắc líu ríu bên nhau trên dọc những con phố nhỏ. Không gian của một đất nước mở dành cho tất cả mọi người cũng như tất cả mọi người đều giống nhau khi… hít thở khí trời. Nếu ở nơi ô nhiễm, tất cả sẽ cùng chung một bầu không khí bẩn và rồi có một cái chết giống nhau bởi những lá phổi bẩn. Nếu ở một nơi trong lành, bạn sẽ cùng nhau làm chung một việc: hít thở khí trời và khoan khoái với nó, an lành với nó, hạnh phúc với nó… như vậy, có gọi là một cộng đồng rất công bằng hay không, và K. Marx, trong triết thuyết về một xã hội lý tưởng, liệu ông có đề cập đến… khí trời về sự công bằng hay không?
Trải nghiệm về sự bất công trong lịch sử qua các cuộc chiến đầy háo thắng và thù hận khiến người Nhật nhận ra rằng, không thể có sự thay đổi nếu tự mỗi con người không thay đổi, và chính họ cũng đã từng có giấc mơ về sự thay đổi một triều đại, một thể chế khi triều đại và thể chế đó đã ở tận cùng của sự tan rã bởi các giá trị nhân văn cũng đã tan vỡ.
Một đất nước không “rừng vàng biển bạc” nhưng biểu tượng Phú Sĩ qua năm tháng đã trở thành vẻ đẹp vĩnh cửu, bởi vẻ đẹp vốn có của nó, cũng đúng, nhưng có phần vì những người kể chuyện đã kể những câu chuyện thần thoại về nó, cuối cùng, ai đi đến nước Nhật cũng phải vọng về Phú Sĩ, trước hết trong tâm trạng đầy ngưỡng mộ.
Phú Sĩ tháng 10, mùa mà theo người Nhật, sau những đợt hè nóng oi ả tháng 4 đến tháng 6, làm tan chảy mọi thứ kể cả đỉnh núi được mệnh danh quanh năm tuyết phủ, nay như xuân đã về, khí trời se lạnh, gió thoảng hương đưa. Nhưng Phú Sĩ không có tuyết không mang vẻ đẹp lạnh lùng của người đàn bà kiêu hãnh, mà lại mang vẻ trong trắng của thiếu nữ thơ ngây. Sáng còn vương vất choàng mây trắng, chiều dịu dàng núi khoác mây hồng.
Nhận thấy được vẻ đẹp của vạn vật, dù là nhỏ nhoi, cô độc, người Nhật cũng thổi hồn vào từng hạt cát nhỏ nhoi, thế nên mới có vườn Nhật, Trà Đạo và tinh tế của nàng Geisha. Nhiều người nói: “Nhật Bản làm gì có cái gì, tất cả do nghệ thuật sắp đặt mà ra”, vậy mới thấu, đạo do người đặt để, đẹp do người mang hồn. Ý thức vẻ đẹp của một sự vật, mà bản thân nó, vốn chỉ là một loại vật chất vô minh, người Nhật học cách sống sao cho đẹp, cho hoàn hảo, cho long lanh thấm thía. Từ đó, một đất nước Nhật với từng người dân nhận thức về thân phận càng mong manh trong thiên tai, hiểm nguy bao nhiêu thì càng sống một kiếp người trọn vẹn với từng cái đẹp nhỏ nhoi trong cuộc sống bấy nhiêu.
Ý thức của cả một dân tộc sống hướng thượng ấy bắt nguồn từ những cá nhân biết tự thay đổi chính mình hơn là mang gánh nặng lịch sử đầy thương đau. Và Kim Các Tự, vẻ đẹp bất diệt của nó sau nhiều lần bị đốt cháy, mỗi lần tái sinh là một lần hoàn thiện hơn, đẹp đẽ hơn, thiêng liêng hơn.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị