Saigon Times – Các chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản đang và sẽ phát triển nhanh ở Việt Nam được xác định là kênh bán hàng quan trọng để tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hayashi Motoo (trên cùng) cùng các doanh nghiệp Nhật khảo sát hàng hóa bán tại cửa hàng Family Mart tại Quận 2, TPHCM vào tối ngày 20-3. Ảnh: Quốc Hùng
Thông tin này được ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, chia sẻ với phóng viên trong khuôn khổ chuyến tham quan các cửa hàng tiện lợi Family Mart và Mini stop tại TPHCM của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hayashi Motoo vào chiều tối ngày hôm nay 20-3.
Tháp tùng ông Bộ trưởng của METI trong chuyến thăm Việt Nam lần này còn có đại diện 4 tập đoàn bán lẻ lớn tại Nhật Bản, cùng 16 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất rau củ quả, đồ dùng gia đình, bánh kẹo, các sản phẩm nông nghiệp, thịt bò, thủy sản, văn phòng phẩm và mỹ phẩm, để khảo sát khả năng đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam.
Bốn nhà bán lẻ này là chủ của bốn chuỗi thương hiệu cửa hàng 24 giờ nổi tiếng tại Nhật và nhiều nước trên thế giới gồm Family Mart, Mini Stop, 7 Eleven và Lowson, đến Việt Nam lần này nhằm khảo sát xem khả năng mở rộng thêm chuỗi hoặc bắt đầu mở chuỗi bán lẻ ở Việt Nam. Những chuỗi cửa hàng tiện lợi này được xem là nơi rất quan trọng mà phía Nhật Bản xác định sẽ hỗ trợ đưa hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản vào kinh doanh, ông Yasuzumi nói.
“Lâu nay, các tập đoàn sản xuất lớn của Nhật đều tự thân mở rộng thị trường quốc tế như thị trường Việt Nam, nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, thì ất cần phải có sự hỗ trợ từ phía chính phủ hoặc các tổ chức xúc tiến thương mại như JETRO để mở rộng thị trường”, ông Yasuzumi chia sẻ.
Dù Nhật Bản đã có một số tập đoàn bán lẻ mở chuỗi siêu thị và trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam, nhưng theo ông Yasuzumi, qua đánh giá thì chuỗi cửa hàng tiện lợi được xem là những điểm kinh doanh quan trọng và thích hợp để đưa hàng hóa của Nhật Bản vào kinh doanh. Do đó JETRO đã phối hợp cùng với các nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi nói trên để xem xét khả năng đưa hàng hóa doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật vào hệ thống ở Việt Nam kinh doanh.
Người đứng đầu văn phòng JETRO tại TPHCM lưu ý, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản khác với các chuỗi cửa hàng tiện lợi của Việt Nam và các nước, vì nơi đây không chỉ là nơi doanh nghiệp Nhật nghiên cứu xem người tiêu dùng thích mua gì, mà còn có thể phát triển các dịch vụ khác như dịch vụ tài chính, thanh toán điện tử, cũng như các dịch vụ công cộng xã hội khác…
Ông Ishige Hiroyuki, Chủ tịch JETRO, cho rằng các chủ chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản đã có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong kinh doanh, lưu thông bán lẻ… Những chủ cửa hàng tiện lợi này đang phát triển chuỗi, mở rộng hệ thống kinh doanh tại Việt Nam, tạo nền tảng để doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa hàng hóa vào khai thác.
Đến nay, mới chỉ có Family Mart và Mini Stop mở chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam và dự kiến đến tháng 11 tới hai chuỗi cửa hàng này sẽ đạt khoảng 200 điểm bán để có thể mở quầy bán thử nghiệm những sản phẩm Nhật Bản lần đầu tiên mang đến thị trường Việt Nam. Dự kiến sẽ có khoảng 50-60 dòng sản phẩm được giới thiệu trong đợt này.
Ông Yasuzumi cho biết hiện Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ lớn và tiềm năng nhất trong khu vực nên JETRO đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Nhật đưa hàng hóa Nhật vào Việt Nam. Mặt khác, Hiệp định Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP cũng đang tiến đến gần hơn sẽ mở ra cơ hội cho hàng hóa Nhật Bản vào Việt Nam được miễn hoặc giảm mạnh thuế quan để cạnh tranh hơn, thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam cũng sẽ đơn giản hơn…
Hiện nay số lượng cửa hàng tiện lợi của Family Mart và Mini Stop chưa nhiều (khoảng 130 cửa hàng), nhưng theo ông Yasuzumi, hai chủ chuỗi kinh doanh này đều có kế hoạch mở rộng và khả năng sẽ nhân rộng hai hệ thống lên đến cả ngàn cửa hàng. Đơn cử chỉ riêng Mini Stop đặt mục tiêu phát triển 800 cửa hàng ở Việt Nam.
Trong khi đó, một thương hiệu nổi tiếng thế giới của mô hình kinh doanh này là 7-Eleven, theo thông tin trước đó trên báo chí thế giới, cũng có kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2017. Mục tiêu của doanh nghiệp này là phát triển được 100 cửa hàng sau ba năm ở Việt Nam. Chủ hệ thống cửa hàng Lawson cũng đang quan sát thị trường Việt Nam để tính toán việc kinh doanh.