Trong cuộc họp báo ngày 23/7, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) Hà Nội đã cho biết 15 trên 30 doanh nghiệp được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN sẽ chọn Việt Nam là điểm đến. Theo ông, điều này chắc chắn sẽ làm bất ngờ những quốc gia khác trong khu vực.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế thuộc nhóm ưu tiên trong lần hỗ trợ này của Bộ Kinh tế Nhật. Trong số các doanh nghiệp Nhật chọn đầu tư vào Việt Nam, có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế, quần áo bảo hộ. Trưởng đại diện của Jetro Hà Nội cũng cho biết các công công ty sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế, quần áo bảo hộ chọn Việt Nam vì Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có năng lực và uy tín trong lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên đây chỉ là một khía cạnh.
Một lợi thế khác biệt mà không quốc gia nào trong khu vực so sánh được với Việt Nam, theo trưởng đại diện của Jetro Hà Nội, là Việt Nam có một số lượng lớn người lao động biết tiếng Nhật. Đó là một phần lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp Nhật sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Ông cũng đánh giá, sự tâm huyết của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư Nhật Bản cũng là một điểm mấu chốt khiến những thiếu sót tồn tại như sự thiếu nhất quán, không minh bạch, tham nhũng (có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia khác) trở nên không còn quá đáng ngại với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Lãnh đạo Jetro Hà Nội cũng nhấn mạnh Việt Nam là thị trường hấp dẫn và có nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào. Tuy nhiên, khu vực ASEAN là nơi đang có một cuộc cạnh tranh thu hút FDI gay cấn. Thậm chí, sự cạnh tranh còn xuất hiện giữa các tỉnh ở Việt Nam. “Ở ASEAN, Malaysia, Singapore, Thái Lan thuộc nhóm chi phí cao. Indonesia cũng đang ở mức ngấp nghé. Việt Nam dù còn trong nhóm chi phí thấp nhưng tiền nhân công, thuê mặt bằng ở Việt Nam cũng đang tăng lên từng năm. Lợi thế chi phí giá rẻ sẽ sớm biến mất, Việt Nam cần tạo cho mình những lợi thế khác”, ông chia sẻ.
Với dân số 95 triệu người, Việt Nam đang trở thành điểm hấp dẫn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc Việt Nam quá hấp dẫn khiến doanh nghiệp ở rất nhiều quốc gia muốn đầu tư và có thể dẫn tới tình trạng dù dân số 95 triệu người nhưng nguy cơ thiếu nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Đây là thách thức lớn nhất với Việt Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo CafeF, VnExpress