Cả 2 đội bóng vừa đứng nhất bảng A và B tại AFF Cup 2014 là Việt Nam và Thái Lan đều đang sử dụng “chất xám Nhật Bản” cho nền bóng đá của mình.
Tuy nhiên, trong khi Việt Nam mới chỉ có HLV trưởng ĐTQG là người Nhật Bản thì Thái Lan thậm chí đã đi trước từ rất xa, và họ đang gặt hái quả ngọt nhờ chiến lược làm bóng đá bài bản của mình.
Chưa đầy 6 tháng ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Olympic Việt Nam, HLV Toshiya Miura gần như đã giúp 2 đội bóng của chúng ta hoàn toàn lột xác và đạt được những kết quả hết sức tích cực.
“Nhật Bản hóa” nền bóng đá – xu hướng đang thịnh hành
Sự thành công của ông Miura trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Olympic Việt Nam càng khiến cho VFF kiên định hơn với việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác với LĐBĐ Nhật Bản và quyết tâm xây dựng nền bóng đá theo mô hình của bóng đá Nhật Bản.
Thế nhưng, nếu như Việt Nam mới chỉ có HLV trưởng ĐTQG là người Nhật Bản thì Thái Lan tuy không ồn ào nhưng họ đã tiến hành công cuộc “Nhật Bản hóa” nền bóng đá của mình từ rất lâu, và đang trở lại vị trí số một khu vực.
GĐKT của LĐBĐ Thái Lan (FAT) là ông Ichiro Fujita, cựu thành viên Ban Quốc tế của LĐBĐ Nhật Bản (JFA) và đồng thời cũng là một chuyên gia kỳ cựu của AFC trong lĩnh vực phổ cập và phát triển bóng đá ở những nền bóng đá còn chưa phát triển.
Và khi Việt Nam mới chỉ có trưởng BTC giải VĐQG là người Nhật Bản thì Thái Lan đã sử dụng cầu thủ và HLV Nhật Bản ở giải VĐQG của mình từ rất lâu trước đó. Ở Thai League 2014, đội bóng giành chức á quân là Chonburi vẫn đang sử dụng HLV người Nhật Bản Masahiro Wada và HLV thủ môn Yoshio Kato, cựu HLV thủ môn đội tuyển Nhật Bản, trong đó HLV Kato đã được FAT mời lên đội tuyển Thái Lan để làm HLV thủ môn.
Giải thích về lý do đưa HLV Kato vào thành phần BHL đội tuyển Thái Lan, ông Surachai Jaturapattarapong, trưởng đoàn bóng đá nước này khẳng định, ông rất ấn tượng với phương pháp huấn luyện dựa trên cơ sở mô phỏng thực tế thi đấu của HLV Kato.
Bí quyết của bóng đá Nhật Bản
Từng được theo học một khóa huấn luyện tại LĐBĐ Nhật Bản nên không có gì ngạc nhiên khi ông Surachai lại dành nhiều thiện cảm như thế cho các HLV Nhật Bản.
Ông Surachai nói: “Thông thường các HLV sẽ phát hiện nhược điểm của thủ môn trong quá trình luyện tập, và từ đấy sẽ xây dựng giáo án huấn luyện chuyên biệt cho từng kỹ năng như bắt bóng hay đấm bóng. Tuy nhiên, phương pháp huấn luyện của Kato lại hoàn toàn khác biệt, ông ấy đặt các thủ môn vào những tình huống thực tế như trong trận đấu và dạy họ cách thích ứng sao cho nhanh nhất có thể”.
Phương pháp huấn luyện của HLV Kato là rèn luyện khả năng tự phán đoán tình huống cho các thủ môn, thay vì cầm tay chỉ việc cho họ. Và kết quả công việc của HLV Kato ở Chonburi rất ấn tượng, khi thủ môn Sinthaweechai Hathairattanakool của CLB này giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất Thai-League năm 2011 và được bầu chọn vào đội hình tiêu biểu của Thai-League năm 2012.
Khác biệt ở người thầy
Một HLV trẻ của SLNA cho biết: “Ở lứa tuổi 12, 13, cầu thủ trẻ Nhật Bản đã được dạy cách chơi bóng bằng đầu mà chưa cần chú trọng tới những vấn đề khác như phát triển cơ bắp, trong khi ở Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược. Vì thế, dù cùng ở độ tuổi, cầu thủ Nhật Bản có thể thấp bé hơn cầu thủ Việt Nam, nhưng cách chơi bóng của các em lại rất chững chạc, già dặn, và đến lúc trưởng thành thì tư duy chiến thuật đã hoàn thiện”.
Từ 2 câu chuyện nhỏ ở trên có thể thấy rằng dù ở bất cứ cấp độ nào thì bóng đá Nhật Bản cũng luôn đặc biệt quan tâm tới năng lực tư duy của cầu thủ, và đây được xem như là kim chỉ nam trong phương pháp của các HLV Nhật Bản.
Đấy cũng là lý do giải thích vì sao cùng với thành phần cầu thủ như thế, nhưng năm ngoái đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Hoàng Văn Phúc bị loại ngay sau vòng bảng SEA Games 27 tại Myanmar, còn HLV Miura đã đưa họ vào tới vòng 1/8 môn bóng đá nam ASIAD 17 ở Incheon (Hàn Quốc), và rất nhiều người trong số này hiện đang giữ vai trò trụ cột trong hành trình của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014.
Phát triển bóng đá, từ những sản phẩm văn hóa
Từ một nền bóng đá kém phát triển, giờ đây Nhật Bản đã trở thành một cường quốc thực sự tại châu Á.Đó chưa phải là một kỳ tích gì quá lớn, nhưng đối đất nước mặt trời mọc kết quả ấy đến từ sự nỗ lực không ngừng của suốt 20 năm chuyển đổi mô hình làm bóng đá của mình.
Công ty tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật (J-League) được ra đời vào năm 1992, sau rất nhiều thời gian phôi thai cũng như đặt nền móng cho giải đấu này.
Sự ra đời của J-League là khá thuận lợi khi cả 14 đội bóng mạnh nhất ở đất nước này đều có cùng chung một ý tưởng, mục đích.
Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ nơi nào, sự khởi đầu luôn chứa đầy những khó khăn về cách làm, về hướng đi cũng như duy trì sự tồn tại cho một giải đấu.
Những người làm bóng đá Nhật Bản tỏ ra rất giỏi, khi biết chắt lọc được những gì tinh túy nhất ở các nền bóng đá chuyên nghiệp châu Âu cũng như Nam Mỹ để mang mô hình về phù hợp đối với đất nước mình.
Nhưng dù có giỏi, thì điều khó khăn đầu tiên mà J-League gặp phải chính là người hâm mộ ở Nhật Bản dành cho môn thể thao vua ở thời điểm đó là rất ít, khi môn bóng chày mới là thể thao đỉnh cao ở đây.
Mặc dù thế, những nhà làm bóng đá Nhật Bản cũng đã tìm ra được một con đường để hướng giới trẻ yêu thích môn thể thao vua hơn thông qua các sản phẩm…văn hóa, chứ không phải bất cứ điều gì to tát.
Những bộ truyện tranh nổi tiếng về bóng đá như Subasa, Đường dẫn tới khung thành,… được ra đời trước và sau khi J-League hình thành vài năm hoặc ở thời điểm thịnh nhất.
Nhiều người giờ vẫn tin rằng, sự thành công của các bộ truyện tranh manga này đã đặt nền móng vững chắc cho J-League khi thu hút được lượng khán giả trẻ đông đảo tới sân.
Cũng với niềm tin đó, đã có rất nhiều giả thuyết và sự khẳng định chính những nhà làm bóng đá ở Nhật đã mời những nhà văn Takahashi, Motoki Monma bắt tay vào hợp tác để cho ra đời những bộ truyện tranh nổi tiếng ấy. Mà nhân vật được chọn làm hình mẫu không ai khác chính từ Kazu Miura, ngôi sao bóng đá đầu tiên mà đất nước này có được ở những thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước.
Thực sự ra sao, cho tới giờ vẫn chưa có được câu trả lời xác đáng. Nhưng, những câu truyện về một học sinh đá bóng giỏi từ trường Trung học, rồi được đi đào tạo tại Brazil sau đó về đưa ĐTQG Nhật Bản tham dự World Cup đối đầu với những danh thủ đương thời đã khiến ở đây hình thành cơn sốt thực sự.
Và bóng đá đi vào với người hâm mộ trẻ tuổi của Nhật Bản theo một cách rất riêng như thế…
… mang “sao” về với J-League
Như đã nói, giới trẻ Nhật Bản yêu thích môn thể thao vua hơn nhờ vào những sản phẩm văn hóa như thế. Nhưng để duy trì niềm đam mê, những nhà làm bóng đá ở đất nước mặt trời mọc cũng đi theo một cách khá giống với bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp mới mẻ nào. Tức đưa ngôi sao tới với J-League.
Ở những thời điểm 1992, 1993… khắp sân chơi ở J-League tràn ngập những ngôi sao đang trên đường xuống dốc của sự nghiệp đến từ Brazil cũng như khắp nơi trên thế giới.
Có thể kể tới đó là Zico, một huyền thoại của ĐTQG Brazil khi có mặt trong màu áo của Kasima Antlers trong suốt 3 mùa giải 1991 -1994.
Hay là Salvatore Schillaci vua phá lưới của World Cup 1994 trong màu áo ĐTQG Italia cũng đã tới J-League để chơi bóng cũng trong suốt 3 mùa giải từ 1994 -1997.
Cũng ở thời điểm mới sơ khai này, Leonardo, tiền vệ hào hoa nổi tiếng một thời của AC Milan cũng đã có mặt tại J-League trước khi trở thành người của đội bóng Italia.
Ngoài ra, chính sách nhập tịch dành cho các cầu thủ giỏi đến chơi bóng tại Nhật Bản cũng khá thoáng. Và có thời điểm, trong đội hình của ĐTQG đất nước này có vài cầu thủ nhập tịch, chủ yếu tới từ Brazil.
Không chỉ chiêu mộ các cầu thủ giỏi tới để thu hút người xem tới sân, một vài HLV nổi tiếng điển hình như Wenger cũng đã từng tới làm việc tại J-League trước khi thăng hoa cùng Arsenal.
… và đầu tư để có “sao”
Một chính sách khác mà những nhà làm bóng đá Nhật Bản áp dụng đó là đưa các cầu thủ tài năng của mình ra nước ngoài học việc, và tất nhiên khi hình mẫu lúc bấy giờ là Brazil cũng là nơi được chọn.
Trong số những người nổi tiếng nhất chính là Kazu Miura, khi đã có nhiều năm “du học bóng đá” ở đất nước từng 4 lần vô địch Thế giới trước khi thành danh trong màu áo ĐTQG, cũng như ở CLB.
Đội bóng lớn nhất mà cầu thủ này được chơi chính là đá cho Genoa tại Seria A, và dù không so được với thế hệ đàn em sau này như Nakata, Kagawa, hoặc Kesuke Honda nhưng chính Miura mới là sản phẩm tiên phong để những nhà làm bóng đá Nhật tiếp tục theo đuổi chính sách đó của mình.
Đi theo con đường rất riêng và bài bản, nhưng cũng đã có thời điểm J-League rơi vào khủng hoảng ở nhiều mặt buộc nhà tổ chức phải điều chỉnh. Cũng rất may, thời điểm khủng hoảng cũng là lúc phong trào hay bóng đá Nhật Bản đã có tiếng nói rất lớn ở châu lục.
Có được nền tảng, uy tín Nhật Bản bắt đầu siết lại vấn đề ngoại binh cũng như nhập tịch. Giờ đây J-League vẫn là mảnh đất tốt cho nhiều cầu thủ xuất sắc nhưng không còn tràn lan như trước đây mà có sự chọn lọc vô cùng khắt khe.
Làm điều đó không phải J-League rơi vào khủng hoảng kinh tế như ở V-League, bằng chứng cho tới mùa bóng gần nhất giải đấu này vẫn thu về tới 160 triệu USD mỗi mùa từ thương quyền truyền hình, tài trợ hay các sản phẩm kinh doanh khác
Họ siết chặt ngoại binh sau vài mùa thả nổi, nhằm giúp các cầu thủ trẻ bản địa có cơ hội ra sân và thi đấu nhiều hơn để học hỏi kinh nghiệm cũng như hoàn thiện về kỹ năng.
Và tới giờ, con đường ấy cho thấy rất đúng đắn khi mà ĐTQG Nhật Bản không còn nhiều cầu thủ nhập tịch, mà hầu hết là những gương mặt bản địa được đào tạo, phát hiện từ bóng đá trường học, rồi lên tới J-League.
Những thành công vang dội của ĐTQG Nhật Bản nói chung và J-League nói riêng là hình mẫu cho rất nhiều quốc gia châu Á học tập, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, học được đến đâu và đưa về để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, văn hóa ra sao thì đó lại là một câu hỏi lớn dành cho những nhà làm bóng đá Việt Nam.
Phải có tầm và có tâm để biết chắt lọc tinh túy từ Nhật Bản hay J-League. Nhưng xem ra, sau nhiều lần xách cặp đi học ở đây, bóng đá Việt Nam vẫn chưa tìm được lối thoát để bây giờ V-League đang trên đà sụp đổ bất cứ lúc nào…
Tổng hợp