Người Việt có câu “Đất có lề, Quê có thói” hay “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Phàm làm việc hay sinh hoạt ở đâu cũng có những luật lệ nhất định. Khi bạn hiểu và thích nghi được văn hóa sinh sống, làm việc đó sẽ những sẽ giúp bạn dễ dàng hòa nhập cũng như tránh những sai lầm không đáng có. Văn hóa sống và làm việc của người Nhật có rất nhiều điểm khác biệt với Việt nam. Một trong số đó là văn hóa “tự hiểu”. Người Nhật rất hay “vòng vo tam quốc”. Rất ít khi người Nhật nói bạn nên/không nên làm cái này hoặc cái kia. Vì vậy có thể sẽ khó khăn cho một số bạn khi mới sang. Tình cờ đọc được note “Những điều không nên làm trong một lab nghiên cứu khoa học”, và được sự đồng ý của tác giả Phó giáo sư Nguyễn Tiến Huy tại Nagasaki University; iSenpai trân trọng giới thiệu tới bạn bài viết “Những điều không nên làm trong một lab nghiên cứu khoa học” dưới đây: (Nội dung của bài chia sẻ được giữ gần như nguyên vẹn, người biên soạn chỉ tách một số câu dài và đưa them vài chú thích để các bạn tiện theo dõi)
Phần lớn các bạn du học ở Nhật thì đều lấy được cái bằng, hy hữu cũng có bạn không lấy được hay Thầy không cho thi lên PhD. Đa phần không phải do các bạn ấy trình độ kém, mà chủ yếu các bạn ấy va vào các điều tối kỵ của một học trò theo học làm nghiên cứu.
Trong khoa học cũng rất giống trong học Y, mình còn nhớ hồi đi Nội trú tập trung tầm 10 bạn khối Nội ở Chợ Rẫy cả nhóm đang đứng xem 1 anh lớp trên đang đặt Nội khí quản hoài mà không được. Bệnh nhân đã ngưng thở khá lâu nên mình vào giành làm. Làm xong rồi bị anh ấy gọi lại hỏi “em biết em làm sai chỗ nào không?”. Mình nói “em không biết”. Anh ấy mới nói “em về nên xem lại textbook”. Mình cũng ức chế nhưng không dám nói gì, về đọc lại textbook thì mới thấy là mình lười, chỉ học theo cách làm của đàn anh đi trước trong bệnh viện của mình mà không chịu đọc thêm textbook.
Lớn lên, khi đi làm nghiên cứu cũng thấy nhiều, nhiều bạn thì cực kỳ lễ phép, hơi tí thì “sensei, please teach me” dù bạn ý chỉ kém hơn thầy có 1 tuổi. Có bạn thì hướng dẫn “sensei” từ nơi khác tới học kỹ thuật rất tận tình và vẫn kêu sensei.
Nhưng ngược lại nhiều bạn nhỏ hơn 10 tuổi mà cũng không thèm kêu sensei. Có bạn khi sensei nói gì ra cũng cãi trước cho nó có khí thế, nhưng vài ngày sau quay lại nói sensei đúng rồi. Tuy vậy, ngày nào bạn ý cũng làm một trận như thế. Có bạn dùng email “tranh luận” với sensei 3 ngày liền với các chứng cứ từ internet vì bạn ấy cho rằng mình ở xứ nói tiếng Anh, và các dẫn chứng có nơi nói theo ý bạn ấy. Cuối cùng bạn ấy cũng thú nhận là mình đã SAI, nhưng vì bạn ấy không muốn sữa lại mất thời gian của bạn nên bạn tranh cãi rất hăng.
Nếu bạn nghe ra giống bạn trong câu chuyện thì đứng ném đá nhé vì chưa hẳn là bạn. Những điều này rất thường gặp, ngay cả mình cũng đã từng là sinh viên trong số đó.
Trong sinh viên các nước thì người Nhật ít cãi nhất, VN ta với Tàu thì rất “nhạy cảm” hay nghe phê bình gì thì trước hết phản ứng cái đã. Thường thường hay cãi hay phản ứng là các bạn hơi lớn tuổi, hơi mặc cảm nước nhỏ, mặc cảm nước nghèo trước người ta, hay ngược lại tự cho mình giỏi.
Tranh cãi với Thầy cũng là một nghệ thuật, bạn chỉ nên tranh luận 2 lần với các dẫn chứng đưa ra. Thầy không tiếp nhận không phải là Thầy ngu, bạn nên nhớ là không ai “Sabotage” (dại gì đi phá hoại) nhằm làm giảm giá trị nghiên cứu của mình tham gia cả. Hơn nữa, ở Nhật mình chưa thấy ai ngu mà lên làm Thầy được cả. Để tạo thuận lợi cho bản thân mình học và nghiên cứu, mình rút ra các điều cần tránh theo mức độ từ nhẹ tới cấm kỵ như sau:
1-Bắt buộc làm trái ý của Thầy: Khi bạn có nhiều hơn một Thầy hướng dẫn thì khả năng rất cao là 2 Thầy sẽ chỉ đạo ý kiến khác nhau, đôi khi quan điểm trái ngược nhau. Trong nghiên cứu thì chuyện này rất bình thường. Xung đột này đôi khi làm bạn chậm trể việc gởi bài báo cho tốt nghiệp của mình. Nhật hay Tây cũng như thế, bạn nào hay đọc bài của GS NVT (GS Nguyễn Văn Tuấn) có thể thấy có một bạn làm PhD viết bài xong rồi mà vài năm mới gởi đi đăng được. Lỗi phần lớn là ở bạn này. Phải biết Thầy nào chính thức đóng dấu cho mình thi tốt nghiệp thì phải đưa bài cho Thầy đó cuối cùng. Các Thầy khác mình đưa trước và thống nhất xong rồi mới đưa Thầy chủ chốt. Và theo ý Thầy này để ra version cuối cùng. Bạn có thể gởi email CC cho các co-authors bình thường nhỏ trước để edit bài của mình trong 1 tuần và trong 1 tuần không comment tức là chấp nhận manuscript như thế. Sau đó lần lượt tới ông Thầy từ kém quan trọng đi lên, có thể CC một lượt các ông tùy mức độ khó dễ, mức độ liên quan của các thầy trong đó. Cuối cùng là đưa version sau cùng tới Thầy to nhất đóng cái dấu cho bạn nộp hồ sơ tốt nghiệp.
Nhưng trong lab của bạn thì khác, người hướng dẫn trực tiếp của bạn là người quan trọng nhất với bạn. Nhiều bạn muốn chứng tỏ mình ngon, theo chiến thuật đi tắt đón đầu, nên đi khoe với ông thầy lớn bỏ qua ông Thầy nhỏ. Mà Thầy lớn thì không thể dạy bạn kỹ thuật chi tiết được. Cuối cùng cái khôn lỏi đó làm mâu thuẩn các bên và làm hại mình sau này. Trong khi ông Thầy nhỏ này tương lai ông ấy lên to hơn có thể giúp mình nhiều hơn thì lại làm ông ghét.
2-Làm trái ý Thầy trong thí nghiệm, phân tích hay viết báo: Kinh nghiệm của mình là không nên như thế. Mình có suy nghĩ riêng thì mình làm thêm cái của mình ngoài cái của Thầy bảo, để làm rõ vấn đề hơn.
3-Nói xấu Thầy: Có nhiều bạn mỗi ngày ăn trưa ở căn tin là tố Thầy. Tố Thầy khó chịu hay nghiêm khắc thì cũng chấp nhận, nhưng nguy hiểm nhất là tố thầy kém “không biết gì cái tao đang làm” hay “tao không học được gì mới ở đây”. Hồi mới qua mình ngạc nhiên lắm “sao mà GS Nhật nào mà kém thế” mà mấy bạn này giỏi vậy sao không kiếm Thầy giỏi làm chi mà bây giờ ngồi than mỗi ngày? Ở lâu rồi mới thấy 10 bạn mà chê thầy kiểu này thì hết 9 bạn khi đi thi chỉ tầm hạng 9/10, còn 1 bạn thì hơi tưng tưng.
4-Tự ý hỏi ý kiến hay gởi bài báo tới các đồng nghiệp và chuyên gia khác khi không có sự đồng ý của Thầy: Vấn đề này rất nguy hiểm cho bài báo của bạn. Vì tính bí mật của nghiên cứu bị mất, mấy anh Tây họ làm nhoáng cái là ra trước bạn. Tự ý qua lab khác hỏi nhờ làm thí nghiệm. Có chuyện hư hao gì thì rất mệt, người ta méc tới GS bạn thì rất gay go.
5-Tự ý đem vật liệu và sản phẩm cho người khác: Mấy cái này có số liệu và kiểm soát, đặc biệt những chất độc hại, bản quyền thì phải quản lý rất chu đáo.
6-Gởi bài đi báo cáo, hội nghị thì phải đưa Thầy sửa mà “quên” đề tên Thầy và chỉ đề tên mình trong bài báo cáo: Điều này chứng tỏ là bạn là người cẩu thả hay là nghĩ “thầy có làm giề đâu ;)”.
7-Tự ý đi “đánh quả” bên ngoài khi mình còn là sinh viên hay postdoc trong lab: Thầy của bạn chịu trách nhiệm về bạn về việc nghiên cứu. Bạn lén đi đánh quả bên ngoài ai biết bạn đem sản phẩm hay vật liệu đi cho? Cái này cũng giống như người thân trong nhà của bạn có bệnh đi khám ông BS hàng xóm chứ không thèm hỏi ý kiến bạn. Mình cũng bị vài lần người ta mắng là “đào tường nhà họ ” vì học trò họ chạy qua học ké. Mà người Nhật họ lạ lắm, họ không trực tiếp mắng mình, họ chỉ méc ông Thầy hay Xếp của mình, hay nhờ ai đó nhắn lại. Vì vậy các bạn xin tham gia vào nhóm ORC, mình hay xem các bạn đó có Supervisor chưa. Người Nhật càng đặc biệt chú trọng vấn đề này. Bạn mình làm công ty Nhật cho biết là công ty Nhật ở VN họ không nhận nhân viên đã từng làm cho công ty Nhật khác, không biết thực hư chuyện này ra sao. Bạn muốn ra ngoài thì bạn tốt nhất nói với Thầy và rời lab qua lab khác hay tự lập. Thầy sẽ vui vẽ tạo điều kiện cho mình, thành công của trò thì Thầy cũng sẽ hãnh diện.
8–Tự ý gởi bài báo cho tạp chí mà chưa thông qua Thầy: Có bạn vì gấp quá tới gần ngày hết hạn hồ sơ, bài báo được accept trễ thì bị kéo dài ngày tốt nghiệp, mà kéo dài thì bọc bổng hết, lại còn phải đóng tiền học tư phí nên làm liều. Có Thầy thì chấp nhận sau khi quát một trận, có Thầy thôi bye bye với bạn sau này.
9-Viết bài báo đề tên mình làm corresponding author: Trừ khi văn hóa chỗ bạn là như thế thì không nói. Có bạn Thầy đã sửa lại để Thầy làm corresponding author mà bạn ấy vẫn cứ sữa lại như ban đầu làm mình phục bạn ấy sát đất không hiểu bạn ấy đang ở trên trời hay dưới đất.
10-Viết bài báo đề tên mình làm corresponding author duy nhất đứng tên cuối và tên Thầy làm first author: Đây là sự sỉ nhục cao độ với Thầy của mình. Làm như thế có nghĩa là “ông ấy chỉ xứng làm học trò tui” hay là “tui muốn chứng tỏ tui vĩ đại quá”. Làm thế thì các ông đồng nghiệp nghĩ ông Thầy này “ông ấy cần 1 bài báo tới mức điên rồi”. Ngay cả mình đến bây giờ có đứng tên cuối thì first author là học trò của mình. Thầy của mình cũng gần cuối như là supervisor của em first author.
Các Thầy ở Nhật theo mình biết thì đa số các Thầy từ 1-6 thì còn châm chước, hơn mức đó rất nặng nề, có thể ông không thể hiện ra, nhưng trong tương lai đối với ông, bạn không còn là học trò ông nữa, mọi thơ giới thiệu tốt cho bạn, ông sẽ không làm. Các bạn học ở Nhật và Đức cho biết xem Thầy của bạn chấp nhận ở mức độ nào?
Ngoài lề một chút. Hình trên đây là một nghiên cứu cho thấy 40% nhân viên cho rằng mình giỏi hơn sếp. Mình có từng vài năm trong nhóm 40% này. Không biết có nghiên cứu nào như thế trong sinh viên không?
Tác giả: Associate Professor: Nguyễn Tiến Huy.
Edit và chia sẻ bởi: Mai Phi Hùng