Những thách thức về công nghệ thông tin của Nhật Bản sau đại dịch

Đăng ngày 06/08/2020 bởi iSenpai

 “Liệu pháp sốc” là yếu tố cần thiết để khắc phục các lợi ích được đầu tư và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số của Nhật Bản tiến về phía trước.

Vào tháng 7 hàng năm, chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra hai quyết định chính sách kinh tế quan trọng. Một là chính sách cơ bản về kinh tế và quản lý tài chính liên quan tới kinh tế vĩ mô. Hai là chiến lược phát triển cho các biện pháp cụ thể trong việc tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế. Trước đây, toàn bộ các chính sách kinh tế đã được thảo luận trong một ủy ban kinh tế. Từ năm 2013, dưới nhiệm kỳ thứ hai của thủ tướng Shinzo Abe, hai vấn đề trên đã được thảo luận trong các hội đồng chính phủ riêng biệt – mặc dù chúng vẫn có thể được coi là một chương trình nghị sự tích hợp bởi vì cả hai hội đồng này đều do Thủ tướng Abe chủ trì.

Nền kinh tế Nhật Bản được cho là sẽ phải chịu đựng một sự suy thoái khá mạnh trong bối cảnh hiện tại. Dự báo trung bình của của các nhà kinh tế hàng đầu được đánh giá bởi Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản cho thấy GDP của nước này sẽ giảm xuống khoảng 21% trong quý II năm nay. Chính phủ cần có những bước đi táo bạo trong chính sách kinh tế và tài chính của mình để hỗ trợ sinh kế cho các cá nhân và tài trợ cho các công ty dưới những điều kiện rất khắt khe.

Đồng thời, chính phủ cần chuẩn bị cho một “sự bình thường mới” sau đại dịch, đặc biệt là cần phải kiểm tra các chính sách công nghệ thông tin để đối phó với sự chuyển đổi kỹ thuật số, một điều có khả năng sẽ tăng tốc trong tương lai. Naokazu Takemoto, bộ trưởng phụ trách chính sách công nghệ thông tin, đã thành lập một cơ quan tư vấn riêng để thảo luận về các vấn đề công nghệ thông tin sau đại dịch dưới các góc nhìn khác nhau. Những phần chủ đạo được nói đến tại hội đồng đã được phản ánh trong các chiến lược tăng trưởng mới nhất.

Đề xuất của hội đồng có ba điểm chính. Đầu tiên là đề xuất mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng internet. Đại dịch đã phát sinh một lối sống mới dưới ảnh hưởng của các phương tiện kỹ thuật số, từ làm việc qua mạng đến giáo dục trực tuyến và các dịch vụ y tế từ xa. Những động thái số hóa này đang diễn ra song song với sự tiến bộ công nghệ của mạng truyền thông 5G (thậm chí xa hơn với thế hệ 6G tiếp theo). Khi mà 4G là mạng truyền thông tiên tiến nhất, người ta nói rằng internet kết nối con người. Trong kỷ nguyên 5G, mọi thứ phải được kết nối thông qua internet. Nói tóm lại, các kết nối internet phải được thực hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả ở giữa cánh đồng nông trại hoặc rừng núi, để các dữ liệu thu thập được tại đây có thể tạo ra các điều khiển đa dạng khác nhau.

Ngày nay, internet có thể tiếp cận tới gần 100% người dân sống tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nó lại chỉ bao phủ được 60% quốc gia. Vậy để mở rộng tầm bao phủ lên 100% thì Nhật Bản cần phải làm gì?

Điểm thứ hai trong đề xuất của hội đồng đó là, cùng với việc nâng cao sự thuận tiện theo các khía cạnh khác nhau của cuộc sống hàng ngày và các hoạt động kinh doanh, số hóa sẽ tạo ra các hình thức bất bình đẳng mới. Trong trường hợp giáo dục từ xa, lợi ích của nó sẽ thay đổi phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng wi-fi và liệu người dùng có các trang thiết bị chất lượng cao hay không. Khoảng cách cũng sẽ bị tăng lên giữa các gia đình có đủ khả năng theo sát giáo dục của con trẻ so với những gia đình không có khả năng.

Từ việc nhìn nhận những vấn đề trên, chính phủ cần phải phát triển một hệ thống để đảm bảo rằng không một ai bị bỏ lại sau làn sóng của số hóa. Nhiều xã hội đã chấp nhận khái niệm về “mức tối thiểu của công dân” –  mức tối thiểu cần thiết về môi trường sống để mỗi thành viên trong xã hội được đảm bảo. Hiện tại, cần phải giới thiệu khái niệm “mức tối thiểu về số hóa”. Chính phủ phải thực hiện chính sách theo từng bước để đảm bảo mức tối thiểu cần thiết của môi trường kỹ thuật số.

Thứ ba, hội đồng đã đề xuất sửa đổi luật công nghệ thông tin cơ bản để đưa ra các cải cách này. Vào năm 2000, chính phủ đã thành lập hội nghị chiến lược công nghệ thông tin để xây dựng chiến lược quốc gia nhằm đẩy mạnh công nghệ thông tin. Điều này dẫn tới việc ban hành các điều luật cơ bản về CNTT, nhưng 20 năm đã qua, thực tiễn đã có nhiều thay đổi.

Đây chính là thời điểm để Nhật Bản xem xét lại luật, khi mà đại dịch COVID-19 làm tăng tốc làn sóng số hóa và một sự chuyển đổi chính mang tên Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang diễn ra làm tăng lượng sử dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Điều quan trọng cần phải hướng tới trong quá trình xem xét lại luật đó là mở rộng khái niệm cơ sở hạ tầng internet và tìm ra được một xã hội đảm bảo “mức tối thiểu kỹ thuật số” cho các thành viên của họ.

Tất cả những đề xuất chính sách này đều kịp thời và phù hợp. Câu hỏi là làm thế nào để đưa  chúng vào hành động, và các vấn đề trong quá trình thực hiện. Không quá cường điệu khi so sánh sự chuyển đổi lớn đang diễn ra hiện nay với sự chuyển đổi có hệ thống từ kinh tế xã hội sang kinh tế thị trường tại Đông Âu 30 năm về trước.

Trước đó, chủ đề của cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề liệu cải cách dần dần hay triệt để là phù hợp. Cuối cùng, họ đã đồng ý rằng cải cách sẽ không hiệu quả trừ khi chúng được thực hiện triệt để bởi vì nếu không, những “người lính gác cũ’ sẽ quay lại để cản trở sự thay đổi. Vào thời điểm đó, cách suy nghĩ như vậy được gọi là liệu pháp sốc. Điều đó vẫn đúng đối với sự chuyển đổi kỹ thuật số ngày nay

Do sự bùng phát của Covid-19, chính phủ đã đồng ý sử dụng chăm sóc y tế từ xa đối với các bước kiểm tra ban đầu cho bệnh nhân. Nhưng một tổ chức các bác sĩ đang tìm cách để khôi phục lại các quy định cũ khi đại dịch qua đi, và họ khăng khăng rằng sự bãi bỏ các quy định chỉ có ý nghĩa như một biện pháp đặc biệt trong suốt cuộc khủng hoảng virus corona. Các động thái hướng tới số hóa cũng làm thúc đẩy một ý tưởng về việc thay đổi thời gian bắt đầu năm học từ tháng Tư sang tháng Chín, giống với tiêu chuẩn ở các quốc gia khác. Tuy nhiên cuộc thảo luận về sự thay đổi đã phải kết thúc giữa chừng vì sự phản đối mạnh mẽ của một số người liên quan tới giáo dục học đường.

Điều cần thiết để thúc đẩy sự chuyển đổi kỹ thuật số là chính sách “liệu pháp sốc” – xác định mục tiêu và các mốc thời gian rõ ràng, và thực hiện cải cách chỉ trong một bước.

Theo Japan Times, Japan Today

 

Trả lời