Chúng ta đều biết khi tiếp xúc với một nền văn hóa khác, luôn có những điều tưởng như là dĩ nhiên, đương nhiên đối với bản thân mình, nhưng trong suy nghĩ của đối phương lại không thể gọi là đương nhiên như vậy, hoặc thậm chí là một điều vô lý – đặc biệt khi sang Nhật bạn sẽ tự cảm nhận được rất nhiều điều như vậy. Dưới đây là liệt kê một số trong rất nhiều những thường thức khác biệt ở Nhật mà hầu như chắc chắn không thể áp dụng được ở Việt Nam, nhưng đối với người Nhật lại là những điều “đương nhiên”, “bình thường, ở đâu cũng có”.
1. Giữ chỗ trong quán ăn bằng túi xách, thẻ tích điểm, ví, điện thoại, iPhone
Thật vậy, ở Nhật khi đến các nhà hàng, quán ăn, nếu bạn thấy ở một bàn tưởng như trống không có người ngồi, nhưng lại có 4 cái thẻ tích điểm đặt ngay ngắn ở 4 chỗ, thì đó không phải là ai đó để quên thẻ ở đó, mà chính là dấu hiệu “bàn này đã có người ngồi, mỗi tội là người đó đang ko ở đây” của người Nhật. Và rất nhiều khi bạn sẽ thấy không phải là thẻ tích điểm, mà có thể là túi xách, ba lô, ví tiền, điện thoại – android hoặc iPhone – hiên ngang nằm đó để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm cho chủ nhân của mình trong nhà hàng.
Hoặc cũng có trường hợp khi khách hàng đang vừa dùng bữa hoặc nhâm nhi đồ uống của mình vừa bấm điện thoại hoặc làm việc với laptop, thì bỗng nhiên cần đi WC, họ sẽ để lại laptop hoặc điện thoại hoặc túi xácch, đồ đạc.. của họ tại đó để báo hiệu cho nhà hàng “tôi đi WC và quay lại ngay, chứ không phải là bỏ về mà không thanh toán”.
2. Khách hàng là hoàng đế, trả lời khách hàng là nghĩa vụ
Phương Tây có câu “Khách hàng là thượng đế” với ý nghĩa, một khi khách hàng muốn điều gì thì điều đó phải được thực hiện. Ở Nhật thì điều này hơi khác một chút, đó là, nếu khách hàng muốn gì, thì điều đó phải được cố gắng thực hiện.
Trong siêu thị, nếu bạn muốn tìm một thứ hàng nào đó – ví dụ như bắp cải – bạn có thể tìm đến nhân viên siêu thị ở gần bạn nhất và hỏi bắp cải ở đâu. Người này, dù là đang bận làm một việc khác như đang xếp hàng hóa, đang chuyển hàng hay đang dọn dẹp – sẽ ngay lập tức bỏ dở công việc của mình để đi tìm câu trả lời cho bạn, hoặc ít nhất thì cũng dẫn bạn đến chỗ một nhân viên khác thích hợp hơn, hoặc dẫn nhân viên thích hợp hơn đó đến chỗ bạn.
Trong ga tàu, bất cứ nhân viên nhà ga nào cũng sẽ trả lời các câu hỏi của bạn liên quan đến việc đi tàu như một nghĩa vụ, kể cả khi tuyến tàu mà bạn hỏi là một tuyến khác chẳng liên quan gì đến nhà ga này. Khi có người tàn tật đi xe lăn lên tàu, một nhân viên sẽ đến giúp đẩy xe lăn lên tàu, đồng thời hỏi người đó sẽ xuống ở ga nào, để liên lạc với ga đó cử người ra đúng toa tàu đó đón và đưa xe lăn xuống tàu.
Ở các cửa hàng, thông thường nếu bạn lỡ tay làm đổ đồ ăn, hay làm rơi, vỡ hàng hóa của họ cho dù chưa mua, thì nhân viên của cửa hàng đó sẽ đến nhặt đồ lên, quét dọn đồ ăn rơi hoặc mảnh vỡ – VÀ LIÊN TỤC XIN LỖI BẠN. Nếu ở Nhật lâu có thể một lần các bạn sẽ được trải nghiệm, tuy nhiên tôi tuyệt đối không khuyên các bạn tự kiểm nghiệm: bởi vì nếu món hàng là có giá trị hoặc cửa hàng nhận ra bạn không vô tình đánh rơi, thì sau khi dọn dẹp và xin lỗi rất có thể họ sẽ nhã nhặn trình hóa đơn bồi thường tổn thất cho bạn.
Ở bưu điện, ngân hàng hay các cơ sở giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, các nhân viên có nghĩa vụ phải trả lời mọi câu hỏi của bạn về bất cứ quy trình thủ tục nào, hoặc tìm ra người có thể trả lời câu hỏi đó cho bạn, và cuối cùng nếu không đủ dữ kiện để trả lời họ mới được xin lỗi bạn và ngừng tìm kiếm. Vì thế nên khi đến những nơi này, có bất cứ điều gì muốn hỏi bạn hãy hỏi cho kỹ, nếu thực sự cần thiết, những nhân viên này thậm chí cũng sẵn sàng lặp lại nhiều lần những gì họ đã nói cho đến khi bạn hiểu thì thôi.
3. Biển chỉ dẫn ở khắp mọi nơi
Chính vì nguyên tắc “khách hàng không hiểu thì bằng mọi giá phải cho khách hàng hiểu”, cho nên để tiết kiệm công sức giải thích cho nhân viên, người Nhật đặt các biển báo, bảng chỉ dẫn, tờ rơi take-free in chi tiết các thông tin cần thiết nhất hay các thông tin hay bị hỏi nhất để khách hàng có thể tự tìm hiểu mà không cần gọi giúp đỡ. Ví dụ ở ga Osaka, nơi có nhiều tòa nhà, nhiều tuyến tàu khác nhau, để đi từ ga tàu điện ngầm đến ga tàu JR bạn sẽ đi qua tầm 2 chục cái biển chỉ đường đến ga JR ở trên đầu, dưới chân hoặc trên tường, trên cột.
Ở những nơi khác, biển báo mà bạn thấy nhiều nhất sẽ gồm biển chỉ toa lét và biển chỉ dẫn lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
4. Mang rác theo mình cho đến khi bạn trở thành hoàng đế
Ở Nhật khi đi trên đường hay trong các tòa nhà bạn sẽ rất khó có thể tìm thấy thùng rác, và thực tế người Nhật có thói quen giữ rác trong túi của mình cho đến khi tìm được chỗ vứt. Và họ sẽ tìm được chỗ vứt khi trở thành hoàng đế – tức là khi dùng bữa tại nhà hàng, vào ga đi tàu, hoặc vào cửa hàng tiện lợi; những lúc này họ sẽ lấy rác trong túi ra và bỏ vào thùng rác (trong ga và cửa hàng tiện lợi) hay để lại bàn trước khi đứng lên thanh toán (tại hàng ăn uống). Nếu không trở thành hoàng đế trong suốt cả ngày, họ sẽ giữ rác trong mình cho đến khi về nhà và vứt vào thùng rác của nhà mình.
5. Đi xe buýt trả tiền vào “hòm công đức”
Hầu hết xe buýt ở Nhật (và đôi khi là cả xe điện), khi trả tiền xe khách đi xe sẽ trả đúng số tiền mình cần trả vào một cái hộp, và trong nhiều trường hợp sẽ chẳng ai biết số tiền bạn cần trả là bao nhiêu và thực tế bạn đã trả bao nhiêu – như thể bạn bỏ tiền vào “hòm công đức” vậy. Tuy rằng cũng nhiều khi tài xế sẽ để ý số lượng đồng xu bạn bỏ để đoán xem bạn đã trả bao nhiêu, và khi nghi ngờ thì họ cũng chỉ nhẹ nhàng hỏi “Có phải quý khách vừa trả xxx yên không”, hoặc yêu cầu bạn xuất trình vé lên xe. Có thể bạn sẽ hỏi “thế nếu trả thiếu tiền, họ hỏi thì mình nói là tôi trả đủ mà, thì họ có cách nào để kiểm tra không?”, nhưng câu hỏi này thì tôi cũng không rõ vì chưa bao giờ có kinh nghiệm như vậy.
6. Xe buýt đến đúng giờ quy định, tài xế “xin lỗi đã để quý khách phải chờ”
Có thể nhiều bạn đã biết rằng ở Nhật thì việc tàu điện mấy giờ đến ga nào đều được quy định sẵn, và thời gian đó luôn được tuân thủ chỉ trừ trường hợp có sự cố hoặc tai nạn. Tuy nhiên, xe buýt ở Nhật cũng có một bảng thời gian như vậy – có nghĩa là khi đến bến buýt nhìn bảng thời gian bạn sẽ biết khá chắc chắn là vào x giờ y phút sẽ có xe buýt số z đến bến buýt đó. Tuy rằng xe buýt thì không luôn luôn tuân thủ thời gian được như tàu điện, bởi còn có đèn đỏ, hay tắc đường, nhưng dù có muộn thì xe buýt cũng sẽ đến và bạn có thể yên tâm chờ.
Và cho dù đến đúng giờ hay muộn, khi lên xe rất có thể bạn sẽ được nghe tài xế hoặc loa trong xe nói “大変お待たせいたしました” – “Xin lỗi đã để quý khách chờ lâu”. Mặc dù bạn có thể nghĩ, trời ơi đi xe buýt thì việc chờ là chuyện đương nhiên mà? – tuy nhiên hãy thông cảm cho người Nhật và tự nhủ rằng, đó là văn hóa cuả họ.
7. Những nhân viên tận tụy làm việc và la hét
Khi vào các quán ăn dân dã của Nhật – đặc biệt là các cửa hàng mì ramen hoặc udon, soba, đôi khi khi bạn vừa bước vào cửa thì nghe thấy từ bên trong có người quát to “いらっしゃいませ” – với chất giọng mà nếu như không hiểu nghĩa, bạn sẽ tưởng rằng họ đang quát “Quây thằng kia lại cho tao!” hay đại loại như vậy. Sau đó khi ăn xong thanh toán và mở cửa ra về bạn lại nghe tiếng quát “どうもありがとうございました” hay “おおきに”, thậm chí sau tiếng quát đó tất cả các nhân viên khác cũng đồng thanh hô theo như vậy – bạn sẽ thấy giống như họ đang quát “Thằng kia trả tiền chưa mà đi về thế?”. Tuy nhiên đối với người Nhật, đây là chuyện hết sức bình thường.
Không phải chỉ có tiệm mì mà hầu như tất cả các cửa hàng ăn uống đều sẽ có các nhân viên nói các câu trên, tuy nhiên thường thì họ nói với giọng vừa phải dễ nghe chứ không cần hét to. Nếu bạn hỏi “thế thì tại sao có chỗ người ta lại phải la hét như vậy” thì theo tôi được biết, ngoài việc đó là cách nhân viên thể hiện sự cảm ơn đối với khách hàng, thì việc hét to còn khiến cho các nhân viên tỉnh táo, không buồn ngủ và tập trung hơn, cũng như một phần nó khiến cho các khách hàng trong quán hay những người gần đó có ấn tượng là quán đó có đông khách mỗi khi nghe thấy tiếng hét.
8. Những người mặc đồng phục đứng bên đường và gào thét
Quả thực là đôi khi Nhật Bản sẽ thú vị hơn khi bạn không hiểu tiếng Nhật – khi mà khi đang đi ngoài đường (đặc biệt là các phố mua sắm hay các phố nhiều hàng ăn uống, quán nhậu) bạn bỗng thấy một người, nam hoặc nữ, đứng bên đường, có thể đang cầm một cái biển hay đang phát tờ rơi, liên tục gào thét những tràng tiếng Nhật dài không nghỉ. Nếu hiểu tiếng Nhật bạn sẽ nghe được rằng họ đang nói về cửa hàng của họ, đại loại như “Cửa hàng chúng tôi có bán các mặt hàng x y z…” hay “Ngay hây giờ chúng tôi đang có chương trình giảm giá mặt hàng a còn x yên mặt hàng b còn y yên…” Dĩ nhiên nếu ở Việt Nam nếu có ai làm như vậy sẽ bị nhìn chằm chằm hay bị trật tự ra đuổi đi, nhưng ở Nhật thì đây cũng lại là chuyện quá đỗi bình thường và sẽ không ai để ý đến người gào thét đó cả. Bạn cũng có thể tưởng tượng đó là kiểu rao “Ai bánh giày bánh giò bánh nếp bánh tẻ…. đêh” hay “Ai… ngô nếp nuộc nạc nuộc nước nọc nạnh nào” phiên bản Nhật.
9. Những người mặc đồ vét đứng tập thể dục và lẩm bẩm
Nếu những người gào thét bên đường là những người mặc đồng phục của cửa hàng, thì khi đến các nhà ga các bạn có thể thấy ở gần cửa soát vé có những người mặc đồ kiểu vét, đứng nghiêm hoặc chắp tay trước bụng, mắt nhìn thẳng, và lặp đi lặp lại bài thể dục 2 động tác: cúi người, lẩm bẩm, cúi người, lẩm bẩm,… Bạn có thể đoán ra được, họ là những nhân viên nhà ga, và nếu lại gần nghe kỹ bạn sẽ thấy câu mà họ lẩm bẩm chỉ là “ありがとうございます” hay dài hơn là “本日ご利用ありがとうございます”.
Công việc ở nhà ga có đặc điểm là trong một ngày có khi thì cực kỳ bận rộn, có khi lại không có việc gì, vì thế nên có lẽ để cho đỡ buồn ngủ các nhân viên sẽ ra cửa soát vé đứng tập thể dục, và cũng để có mặt và sẵn sàng trả lời câu hỏi của các hoàng đế nếu có. Và chắc hẳn là để giữ sức khỏe để làm việc cả ngày, họ không cảm ơn quá to mà bằng một giọng vừa đủ, nên trong nhà ga đông đúc ồn ào bạn sẽ không nghe thấy tiếng họ trừ khi lại gần.
10. Giọng nói người phụ nữ kỳ lạ trong toa lét nam
Tôi vẫn còn nhớ ấn tượng khi một lần, vào buổi tối khuya muộn, khi vừa xuống tàu và vào nhà vệ sinh của ga – nhà vệ sinh nam, lúc đó không một bóng người – và bắt đầu giải quyết công chuyện cá nhân… thì bỗng nhiên từ phía sau lưng có một giọng phụ nữ lạnh lùng vang lên:
“こちらは、男子トイレです”
Tôi không chắc chắn lý do là gì, nhưng trong rất nhiều toa lét công cộng ở Nhật, người ta lắp đặt hệ thống loa tự động nói những câu như ở trên.
Nhưng không phải lúc nào giọng nói phụ nữ trong toa lét nam cũng là của loa tự động. Rất nhiều khi đó là giọng nói của một người phụ nữ thật…
…đó là bác lao công dọn vệ sinh trong toa lét. Người dọn toa lét nữ thì chỉ có thể là nữ, nhưng người dọn toa lét nam có thể là nam hay nữ đều được – đây chỉ là một trong vô vàn những ví dụ về việc phân biệt đối xử nam nữ ở Nhật.
Nhưng cho dù giọng nữ đó phát ra từ người thật hay từ đâu, tôi cũng hy vọng rằng sau khi đã biết về thường thức này, khi nào đó đi vệ sinh ở Nhật bạn sẽ không giật mình hay có phản ứng quá mạnh trong những thời điểm nhạy cảm như vậy.
(đón xem phần tiếp theo: Những thường thức khác biệt về nhà vệ sinh, siêu thị, nhà hàng,.. ở Nhật)
Mr. Kro
One thought on “Những thường thức khác biệt ở Nhật bạn nên biết (P1/4)”