Audrey Tang, 38 tuổi, được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Kĩ thuật số của Đài Loan từ tháng 10/2016, bà là người chuyển giới đầu tiên được bổ nhiệm chức Bộ trưởng. Bà bắt đầu học lập trình từ năm 12 tuổi, sau đó nghỉ học và bắt đầu kinh doanh từ năm 15 tuổi. Năm 19 tuổi, bà bắt đầu kinh doanh tại Thung lũng Silicon, đồng thời cũng là cố vấn cho các công ty công nghệ thông tin toàn cầu như Apple. Năm 2019, tạp chí Chính sách đối ngoại của Mỹ đã gọi bà là một trong “100 bộ não của thế giới”.
Gần đây, trong một bài phỏng vấn với tạp chí Toyokeizai vào tháng 2/2020, bà đã nêu lên cái nhìn của mình, chỉ ra một số điểm còn yếu của Nhật Bản.
Thứ nhất, về vấn đề chuyển đổi sang xã hội kỹ thuật số, có vẻ Nhật Bản không linh hoạt bằng Đài Loan. Lấy ví dụ như con dấu, trong khi tại Nhật Bản, người dân vẫn chỉ hay dùng con dấu thì ở Đài Loan chữ kí điện tử đã trở nên thông dụng. Bà cho rằng nguyên nhân có thể vì Nhật Bản luôn coi những thứ như con dấu là một điều quan trọng để gìn giữ văn hoá, ngoài ra, xét trên khía cạnh lịch sử thì chế độ dân chủ ở Nhật Bản đã có từ rất lâu, điều đó khiến Nhật Bản khó thay đổi nhanh chóng những gì họ đã quen thuộc trong nhiều năm.
Ngoài ra, trong khi Đài Loan đã tích cực phát triển và thử nghiệm các cách để áp dụng các công nghệ mới vào nền dân chủ thì ở Nhật Bản hầu như không thấy có sự dịch chuyển nào trong vấn đề này.
Thứ hai, bà chỉ ra, tuy việc so sánh tuổi là không công bằng và vai trò của các bộ trưởng công nghệ thông tin của hai nước là không giống nhau nhưng Bộ trưởng Chính sách Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Nhật Bản đã 79 tuổi, chênh lệch với Đài Loan khoảng 40 tuổi và dù Bộ trưởng Bộ khoa học kĩ thuật hay có những nhà nghiên cứu khoa học của Đài Loan đã bước vào độ tuổi 60 nhưng họ đều có những phát kiến mang tính cách tân.
Ngoài ra, ở Đài Loan, người đứng đầu bộ (Bộ trưởng) điều hành tổ chức theo chiều dọc và các thành viên của chính phủ (Bộ trưởng không bộ) điều hành theo chiều ngang, nghĩa là bộ máy nhà nước vận động bằng cách phối hợp giữa các bộ. Mỗi bên lại có một vai trò riêng, không thể thiếu bên nào.
Đặc biệt, bà Audrey Tang cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề Nhật Bản sẽ đưa giáo dục lập trình vào các trường tiểu học bắt đầu từ năm 2020. Theo bà, giáo dục lập trình chỉ là phương tiện để giải quyết vấn đề. Kỹ năng kỹ thuật số và giáo dục lập trình là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Mặc dù không phản đối giáo dục lập trình nhưng bà cho rằng nó cũng giống như việc học ngoại ngữ thứ hai, nếu chỉ học mà không sử dụng nó một cách hiệu quả thì cũng không có ý nghĩa gì cả.
Bà cho rằng cần chú trọng vào giáo dục giúp người học có thể thấm nhuần kiến thức nền tảng một cách tự nhiên. Ở Đài Loan, trước kia đã tiến hành giáo dục chú trọng vào “năng lực cạnh tranh” nhưng bây giờ chính sách giáo dục đã được thay đổi, chú trọng vào “giáo dục kiến thức nền tảng”. Đó là một sự thay đổi trong giáo dục chú trọng vào ba yếu tố: tự phát, giúp đỡ lẫn nhau và tìm kiếm lợi ích chung. Bà cho rằng tính định hướng của chính sách giáo dục Nhật Bản là đúng nhưng có thể không phát huy được nhiều năng lượng như Đài Loan.
Tham khảo:
https://toyokeizai.net/articles/amp/327954?page=3&fbclid=IwAR0aDsFjvJZCBLTLDrx6lS7CxDokG8oUDpiBB73nru4NeGTfp2Jz3YyMTHQ
https://news.livedoor.com/article/detail/17750447/