Ông Onoda trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Tokyo do bệnh tim ngày 16.1.2014, để lại một cuộc đời truyền kỳ và di sản gây nhiều tranh cãi đến tận ngày nay, theo AFP. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc vào năm 1945, Onoda cương quyết không đầu hàng hay tự sát mà lẩn trốn và chiến đấu theo kiểu du kích trong một khu rừng ở Lubang đến tận năm 1974 mới chịu trở về.
“Ninja cuối cùng”Onoda nhập ngũ năm 22 tuổi, được đào tạo về tình báo, chiến tranh du kích và phá hoại tại trường võ bị khét tiếng Nakano của lực lượng quân phiệt Nhật. Năm 1944, ông được triển khai đến đảo Lubang, khi đó đang bị Nhật chiếm đóng. Đến tháng 2.1945, quân Mỹ tiến vào Lubang, đa số lính Nhật tử trận, tháo chạy hoặc đầu hàng. Tuy nhiên, trước khi rời khỏi Lubang, chỉ huy trực tiếp của đơn vị Onoda là thiếu tá Yoshimi Taniguchi ra lệnh: “Không đầu hàng, không tự sát, chiến đấu đến cùng và chúng tôi sẽ trở lại”, theo tờ The New York Times.
Vì thế, Onoda cùng một số đồng đội rút vào rừng sâu và không hề hay biết Nhật chính thức đầu hàng vào tháng 9.1945. Họ dựng lều bằng tre, sống sót bằng cách săn bắn, trộm thức ăn từ một ngôi làng gần đó, đồng thời tiến hành các hoạt động phá hoại như đốt phá lương thực của dân địa phương, tấn công lính Mỹ và cảnh sát Philippines. Trong một thời gian dài, Mỹ và cả Nhật thường xuyên cho rải truyền đơn cùng thư từ của gia đình các binh sĩ báo rằng chiến tranh đã kết thúc và kêu gọi họ trở về. Tuy nhiên, nhóm của Onoda lại cho rằng đây là đòn tuyên truyền lừa gạt. Dần dà, có thêm người đầu hàng, kẻ bị tiêu diệt và cuối cùng chỉ còn Onoda sống sót. Bản thân ông nhiều lần bị thương, bị đói rét, bệnh tật hành hạ nhưng vẫn cương quyết “tuân lệnh đến cùng” và vào năm 1959, chính phủ Nhật tuyên bố ông đã chết. Việc máy bay Mỹ liên tục xuất hiện trên bầu trời Philippines thời Chiến tranh Việt Nam càng khiến người lính này tin rằng Thế chiến 2 chưa kết thúc.
Bước ngoặt đến vào tháng 2.1974 khi một nhà thám hiểm người Nhật tên Norio Suzuki không tin rằng Onoda đã chết nên lên đường tìm kiếm. Tờ Daily Mail trích hồi ký của Onoda viết: “Một ngày nọ xuất hiện một thanh niên trẻ dựng lều gần nơi tôi trú ẩn. Vì cùng là người Nhật nên tôi cũng không quá nghi ngại”. Dần dần, hai người trở nên thân thiết và Suzuki cố thuyết phục Onoda trở về nhưng cũng không thành công. Vì thế, Suzuki chụp nhiều ảnh Onoda và mang về Nhật để chứng minh rằng ông chưa chết. Sau đó, chính phủ Nhật gửi một phái đoàn, trong đó có người thân và cựu thiếu tá Yoshimi Taniguchi đến Lubang. Ông Taniguchi đến nơi trú ẩn của Onoda để ra lệnh cho ông “chấm dứt chiến đấu và đầu hàng vô điều kiện”. Ngày 11.3.1974, tại Manila, ông Onoda mặc bộ quân phục chắp vá, trao cây kiếm của mình cho Tổng thống Philippines khi đó là Ferdinand Marcos và tuyên bố đầu hàng. Ông Marcos cũng ân xá tất cả những tội ác của ông Onoda tại Lubang.
Tạp chí Time dẫn lời chuyên gia Nhật Bản học John Man nhận định Onoda là ninja cuối cùng của Nhật Bản. “Dù hiện nay vẫn còn một số cơ sở đào tạo ninja tồn tại nhưng không có ai trải qua thực tế như Onoda. Tại Trường Nakano, ông đã được dạy về ý chí chiến đấu, đánh kiếm, sử dụng thuốc nổ, ẩn náu, ngụy trang, phá hoại, thu thập thông tin… và đã vận dụng chúng trong gần 30 năm. Bí mật, thiện chiến và trung thành tuyệt đối, đó chẳng phải là các đặc tính của ninja sao?”, ông Man nói.
Lạc lõng và hòa nhập
Onoda trở về Nhật vào ngày 12.3.1974, khi đã 52 tuổi. Trả lời câu hỏi về 30 năm tử thủ, ông chỉ trả lời: “Đơn giản là tôi thực hiện nhiệm vụ theo lệnh”. Ông trở nên nổi tiếng, được ca ngợi với vô số bài báo, nhiều cuốn sách và phim tài liệu về mình nhưng Onoda lại cảm thấy xa lạ ở ngay chính quê hương. Những gì mà chính phủ quân phiệt gieo vào đầu ông lúc trước khác quá xa so với một nước Nhật quyết tâm theo con đường hòa bình, tập trung phát triển kinh tế và chịu ảnh hưởng mạnh của phương Tây. Vì thế, ông đến Brazil sinh sống vào năm 1975 và kết hôn tại đây. Đến năm 1986, vợ chồng Onoda hồi hương, mở một trung tâm dạy kỹ năng cắm trại và sinh tồn cho giới trẻ. Năm 1996, ông trở lại đảo Lubang và tặng 10.000 USD cho một trường học địa phương. Về cuối đời, ông sống an nhàn với sức khỏe tốt, trí tuệ minh mẫn và thường xuyên đi diễn thuyết. Ngày 16.1, tờ The Guardian dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga chia buồn cùng gia đình Onoda và nói: “Năm 1974, khi nhìn thấy hình ảnh ông ấy trở về, tôi có cảm giác rằng chúng tôi đã thật sự để quá khứ lại phía sau”.
Tuy nhiên, theo Time, vẫn còn nhiều ý kiến lên án việc Onoda được tôn vinh tại Nhật, nhất là khi ông bị cáo buộc đã sát hại 30 người trong thời gian ở Lubang. Nhiều người còn cho rằng việc ông được ân xá năm 1974 mang tính chính trị vì khi đó, Mỹ không muốn để 2 đồng minh vướng vào tranh cãi mới trong thời điểm tình hình khu vực đang rất nhạy cảm.
Người rừng Attun Palalin
Thật ra, Hiroo Onoda không phải là người cuối cùng trong quân đội phát xít Nhật được phát hiện sau nhiều chục năm ẩn náu. Sau khi Onoda về nước vài tháng, không quân Indonesia tìm được binh nhì Attun Palalin trên đảo Morotai của nước này, theo tạp chí Time. Palalin không phải người Nhật mà thuộc dân tộc ít người Amis ở Đài Loan bị ép tham gia quân đội phát xít và phải mang tên Teruo Nakamura. Do đó, ông từ Indonesia về thẳng Đài Loan vào tháng 12.1974 rồi mất năm 1979 ở tuổi 60. Báo chí Đài Loan thường gọi ông là Lý Quang Huy.
Sở dĩ Palalin không được nhắc đến nhiều ở Nhật như Onoda vì trường hợp của ông rất nhạy cảm, có thể gợi lại giai đoạn Nhật chiếm đóng Đài Loan và ép thanh niên trên đảo nhập ngũ. Ngoài ra, Palalin bị lạc trong rừng và đơn thuần chỉ muốn sinh tồn chứ không “kiên trì chiến đấu” như Onoda.
Văn Khoa (theo thanhnien.com.vn)