Sơ lược về tiểu sử của Noguchi Hideyo
Noguchi Hideyo sinh năm 1876 và tạ thế khi 51 tuổi vào năm 1928. Ông là một học giả về vi khuẩn thời Minh Trị và Đại Chính. Thời nhỏ ông có tên là Noguchi Seisaku.
Cậu bé Seisaku sinh ra tại một gia đình nông dân nghèo ở vùng nông thôn tỉnh Fukushima. Khi lên một tuổi, do vô tình bị ngã vào bếp lửa của nhà, cậu bị bỏng nặng ở cánh tay trái khiến cánh tay trái bị liệt, các ngón tay không thể cử động được.
Bố Seisaku là một kẻ bét rượu, chỉ ăn bám vào vợ nên mọi gánh nặng kinh tế trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai người mẹ của cậu bé. Tuy vậy, bà luôn nỗ lực hết mình để nuôi dạy Seisaku và luôn cổ vũ, động viên, hướng cậu bé đi theo con đường học thức. Vào thời đại lúc bấy giờ, vì ở trường tiểu học chỉ toàn là con nhà giàu nên cậu bé nghèo lại bị liệt tay trái như Seisaku lúc nào cũng bị bắt nạt, đánh đập. Có nhiều lần để tránh bị bắt nạt cậu đã tự ý bỏ học. Nhưng câu nói khi đó của mẹ Seisaku: “ Mẹ xin lỗi đã khiến tay con không được tự do như các bạn khác nhưng nếu giờ con bỏ học thì mọi nỗ lực trước giờ của mẹ dành cho con đều tan thành bọt biển hết. Mẹ rất thích dáng vẻ học hành chăm chỉ của con’’ đã trở thành nguồn động lực cho cậu nỗ lực học hành. Bởi vậy, sau này khi nói đến thành công của Noguchi Hideyo người ta không thể không nhắc tới công lao to lớn của người mẹ của ông.
Và nhờ sự cố gắng và quyết tâm của mình, năm 10 tuổi Seisaku được đảm nhận chức vụ ‘Seichou’ thay mặt thầy giáo giảng bài, là một trong số những học sinh ưu tú nhất trường.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp tiểu học do gia đình không thể kham nổi học phí nên Seisaku không thể tiếp tục học nữa. Thấy vậy, một thầy giáo dạy tiểu học của cậu với mong muốn bằng mọi giá phải giúp cậu học trò học giỏi vượt khó được đi học tiếp, đã dùng tiền dành dụm của mình để Seisaku được học lên.
Năm Seisaku 15 tuổi, vì cảm động trước bài văn than thở về tổn thương cánh tay của Seisaku, thầy giáo và các bạn đồng học đã quyên góp tiền cho cậu được phẫu thuật cánh tay trái. Khi cánh trái dần hoạt động lại bình thườn, Seisaku đã nhận ra sự tuyệt vời của y học và nuôi dưỡng quyết tâm trở thành bác sỹ từ đó. Vì thế, sau khi tốt nghiệp trường cao trung, ông đã vào bệnh viện nơi mình được phẫu thuật cánh tay để học tập.
Năm 19 tuổi, ông lên Tokyo học. 1 năm sau, năm 20 tuổi, ông đỗ kì thi lấy bằng bác sỹ và chính thức trở thành bác sỹ.
Năm 21 tuổi, ông vào viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Tokyo, nhận chỉ dẫn của tiến sĩ Kitazato Shibasaburou. Cũng trong khoảng thời gian đó, do một lần đọc được cuốn tiểu thuyết của nhà văn Tsubouchi Shoujou có tên 当世書生気質 tạm dịch là Khí chất của sinh viên ngày nay, thấy nhân vật chính trong truyện là Nonoguchi Seisaku không chỉ có tên giống mình mà ngay cả khuyết điểm, tật xấu cũng tương tự nên với suy nghĩ để thay đổi bản thân, Noguchi Seisaku đã đổi tên thành Noguchi Hiyode.
23 tuổi, ông qua Mỹ để chuyên tâm vào nghiên cứu về Huyết thanh học và Miễn dịch học. Năm sau đó ông phát biểu nghiên cứu về rắn độc tại Hội đồng khoa học.
Năm 34 tuổi, ông được nhận học vị tiến sĩ y học của Nhật Bản và thành công trong việc nuôi cấy xoắn khuẩn giang mai.
Năm 37 tuổi, ông được nhận học vị tiến sĩ của Nhật Bản.
Năm 38 tuổi, ông được nhận giải thưởng cao quý của Viện Hoàng gia Nhật Bản. Năm đó, ông cũng về nước một thời gian để gặp mẹ.
Năm 51 tuổi, trong khi đang nghiên cứu bệnh sốt vàng ở Ghana, chính bản thân ông đã bị nhiễm bệnh sốt vàng và mất vào không lâu sau đó.
Cuộc đời của Noguchi Hideyo chính là tấm gương sống cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.
Một số thành tích nổi bật của Noguchi Hideyo
- Nghiên cứu về rắn độc
Đây là nghiên cứu về bản chất của nọc độc của rắn và phương pháp chữa trị khi bị rắn độc cắn được ông phát biểu tại Hội đồng khoa học khi ông 24 tuổi.
- Nghiên cứu về xoắn khuẩn giang mai
Năm 34 tuổi, ông đã thành công trong việc nuôi cấy xoắn khuẩn giang mai.
Cho tới thời điểm đó, giang mai vẫn là một bệnh chưa tìm ra phương pháp chữa trị nên để tìm kiếm phương pháp chữa trị giang mai thì việc sử dụng xoắn khuẩn giang mai để thí nghiệm là vô cùng cần thiết.
Vì thế, việc ông thành công trong việc nuôi cấy xoắn khuẩn giang mai đã tạo nên một chủ đề nóng trong giới khoa học, tên tuổi của ông được cả thế giới biết đến và cũng chính nhờ thành tích đó, ông đã được đề cử giải Nobel.
- Nghiên cứu về bệnh sốt vàng
Từ năm 41 tuổi cho đến khi mất, trong 10 năm, Noguchi Hideyo chuyên tâm nghiên cứu về bệnh sốt vàng.
Bệnh sốt vàng là một căn bệnh rất nguy hiểm do virus sốt vàng gây ra qua vết đốt của muỗi, thường gặp ở Nam Mỹ và Châu Phi. Bệnh gây ra nhũng cơn sốt cao, làm biến đổi da toàn thân thành màu vàng, có thể dẫn tới tử vong.
Những nghiên cứu của Noguchi Hideyo đã đóng góp quan trọng trong các nghiên cứu sốt vàng sau này
Một số danh ngôn của Noguchi Hideyo
- 過去を変えることはできないし、変えようとも思わない。
なぜなら人生で変えることができるのは、自分と未来だけだからだ。
Tôi không thể thay đổi quá khứ, cũng không hề có ý định muốn thay đổi nó. Bởi vì điều có thể thay đổi được trong đời người chỉ có thể là bản thân và tương lai mà thôi.
- 人の一生の幸も災いも、自分から作るもの。
周りの人間も、周りの状況も、自分から作り出した影と知るべきである。
Cả hạnh phúc lẫn khổ đau trong một đời người đều do bản thân mình tạo ra. Và bạn cũng nên biết cả những con người xung quanh hay trạng thái xung quanh cũng đều là bóng hình được tạo ra từ bản thân.
- 人は能力と共に、徳を持つことが必要である。
Con người, cùng với năng lực thì cũng cần phải có đạo đức.
- モノマネから出発して、独創にまでのびていくのが、我々日本人のすぐれた性質であり、たくましい能力でもあるのです。
Xuất phát từ việc bắt chước đến việc tự sáng tạo ra cái độc đáo là bản chất ưu tú của người Nhật cũng là năng lực mạnh mẽ của họ.
- 忍耐は苦い。
しかし、その実は甘い。
Kiên trì, nhẫn nại có vị đắng.
Nhưng một khi kết trái lại rất ngọt.
- 志を得ざれば再び此地を踏まず。
Nếu không đạt được nguyện ước thì không trở lại quê hương nữa.
- 努力だ、勉強だ、それが天才だ。
誰よりも、3倍、4倍、5倍勉強する者、それが天才だ。
Nỗ lực, học tập, đó chính là thiên tài. Người nỗ lực học tập gấp 3, 4, 5 lần người khác chính là thiên tài.
- 絶望のどん底にいると想像し、泣き言をいって絶望しているのは、自分の成功を妨げ、そのうえ、心の平安を乱すばかりだ。
Việc vừa than khóc vừa tưởng tượng mình đang ở đáy cùng của sự tuyệt vọng không chỉ gây cản trở sự thành công của bản thân mà hơn nữa còn phá hỏng sự bình yên nơi tâm hồn.
http://meigen-life.com/jinbutu/kagakusha-tetugakusha/noguchi/index.html