Nước mắt những đứa trẻ người nước ngoài
Đối với Chính phủ đang đau đầu về việc thiếu nguồn nhân lực trầm trọng do sự suy giảm dân số, thì người lao động nước ngoài dường như đã trở thành “vị cứu tinh”. Tuy nhiên, các vấn đề đã bắt đầu xuất hiện khi người nước ngoài tăng đột biến. Nguồn cơn của tất cả đó là “tiền”.
Trẻ em, học sinh người nước ngoài tăng vọt
Tiền đề chính đó là số học sinh nước ngoài tại các trường tiểu học và trung học của Nhật hàng năm đều tăng mạnh, tính đến thời điểm tháng 5 năm ngoài, con số này đã là 77.000 em, tăng 14,000 em so với 5 năm trước. Bởi vậy số học sinh cần được bổ túc thêm về tiếng Nhật cũng tăng cao. Theo số liệu của Monbusho, đến tháng 5/2016, số học sinh cần học thêm tiếng Nhật ở các trường tiểu học và trung học là 31.000 em, tăng 6000 em (24%) trong 5 năm qua.
Chi phí về nhân sự tăng 15 lần?
Trong đó tỉnh có nhiều trẻ em nước ngoài cần được bổ túc thêm về tiếng Nhật nhất là Aichi. Tính đến tháng 5/2016, số học sinh người nước ngoài tại các trường tiểu học và trung học ở tỉnh này lên tới 11.000 em, trong đó có 7000 em hầu như không biết tiếng Nhật. Cho nên, từ năm 1992, tỉnh Aichi bắt đầu nhận trợ cấp từ Chính phủ để bố trí thêm giáo viên dạy tiếng Nhật cho các trường tiểu học và trung học. Cho đến năm nay, con số này đã lên tới 542 giáo viên. Chi phí cho việc này hiện nay là 3.817 triệu yên, so với năm 1992 thì đã tăng 15 lần.
Người phụ trách vấn đề này ở tỉnh Aichi đang rất lo lắng: “Phần lớn chi phí cho giáo viên tiếng Nhật đều do tỉnh chịu. Tỉnh cũng có bố trí thêm giáo viên nhưng toàn bộ chi phí tỉnh phải tự lo, mà chi phí này mỗi năm mỗi tăng. Tình trạng hiện nay là số giáo viên tiếng Nhật không đủ đáp ứng với sự tăng nhanh học sinh người nước ngoài.” Tình trạng này không chỉ là nỗi lo riêng của các tỉnh thành có số lượng người nước ngoài đông.
Cách Nagoya 1 tiếng rưỡi đi shinkensan là Echizen, tỉnh Fukui. Ở đây thường xuyên bắt gặp người Nhật gốc Brazil đi lại trên phố. Theo số liệu có khoảng 4300 người nước ngoài đang sinh sống ở đây, chủ yếu là nhân viên của các công xưởng chế tạo thiết bị điện tử lớn. Cùng với đó, số trẻ em người nước ngoài ở đây cũng đang tăng nhanh.
Ở trường tiểu học Takefunishi, trong tổng số 355 học sinh thì có đến 79 em là người nước ngoài, tỉ lệ là 1:5. Và mỗi tháng đều có các em người nước ngoài mới tới nhập học, cho nên số lượng vẫn đang tăng đều. Phần lớn các em đều không biết tiếng Nhật đủ để học nên phải bố trí lớp học riêng. Theo như quan sát thì cứ mỗi em học sinh người nước ngoài cần một giáo viên kèm cặp và hướng dẫn về tiếng Nhật. Không chỉ giáo viên tiếng Nhật, mà ở trường còn bố trí thêm nhân viên phiên dịch để giúp đỡ các em.
Chúng tôi rất muốn hỗ trợ nhưng nhân lực không đủ
Trái với lớp hỗ trợ đặc biệt, các lớp thông thường không có giáo viên kèm cặp và phiên dịch.Thầy hiệu trưởng Matsuzawa Makoto cho biết: “Đối với việc dạy tiếng Nhật cơ bản như chữ Hiragana, đọc chữ số thì chúng tôi đảm bảo được. Tuy nhiên với số em học sinh người nước ngoài nhập học ngày càng tăng thì dạy tiếng Nhật cơ bản cũng đã rất khó khăn. Không chỉ vậy, việc hướng dẫn thêm cũng cần phải 1 thầy 1 trò, hiện trạng là đang rất thiếu nhân lực.”
Chúng tôi muốn hỗ trợ nhưng chi phí tăng thêm
Thêm một nỗi lo nữa đó là chi phí. Ở trường tiểu học này có 7 giáo viên và nhân viên hỗ trợ học sinh người nước ngoài, trong đó 2 người được Chính phủ và tỉnh hỗ trợ kinh phí, còn lại 5 người là do địa phương chi trả. Echizen-shi mỗi năm chi hơn 38 triệu yên cho nguồn nhân lực này, tăng 20 triệu yên so với 5 năm trước. Thị trưởng Nara Toshiyuki thừa nhận địa phương khó có thể gánh thêm chi phí nữa, “Trong vòng 2, 3 năm nay, số học sinh người nước ngoài tăng mạnh, ở các trường đã không thể đáp ứng nổi. Đối với Echizen-shi, nếu chi phí cứ tăng thế này thì cũng không thể đảm đương được. Địa phương đã trình lên Chính phủ hiện trạng và mong Chính phủ xem xét lại chế độ để bố trí đủ số giáo viên cần thiết.”
Các em học sinh người nước ngoài đang đi học thì có suy nghĩ thế nào?
Em Victor Nakagishi (10 tuổi) hiện đang học lớp 4. Em theo bố mẹ đến Nhật vào tháng 6 năm nay khi bố mẹ tìm được công việc mới ở nhà máy chế tạo linh kiện điện tử. Đã 5 tháng trôi qua, hàng ngày em vẫn học tiếng Nhật, kể cả khi ở nhà, nhưng đối với em vẫn rất khó để hiểu được tiếng Nhật. “Cháu không hiểu gì nội dung bài giảng cả. Cháu muốn có ai đó dù là người dù là máy cũng được phiên dịch cho.” Rồi em khóc, nói rằng: “Cháu nhớ Brazil lắm. Ở Brazil cháu có rất nhiều bạn, lúc nào cũng chơi chung với nhau, ở đây lúc nào cháu cũng chỉ một mình…”
Ở trường các em được hỗ trợ để theo kịp bài, nhưng không chỉ bài giảng, các em không thể kết bạn cũng là một vấn đề nổi cộm.
Chính phủ phó thác hết cho địa phương và trường học
Phó giáo sư Kojima Yoshimi của Đại học Aichi Shukutoku chỉ ra rằng Chính phủ chưa cơ cấu đầy đủ: “Không phải chỉ là số trẻ em người nước ngoài tăng, mà số trẻ em cần được hỗ trợ tiếng Nhật ở các vùng đều tăng cao. Chính phủ chưa có chính sách đối với việc dạy tiếng Nhật cho các em nên phó mặc cho địa phương và trường học. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng.”
Cùng với việc tăng số lao động người nước ngoài, số trẻ em đến Nhật cũng tăng theo. Các địa phương vẫn đang tìm đối sách cho việc tăng chi phí. Các em theo bố mẹ đến đất nước này, gặp phải khó khăn đầu tiên là tiếng Nhật, nhưng đồng thời các em có phải đang bị bỏ quên, bị bắt phải đối mặt với môi trường mới. Chính phủ đang xem xét tăng cường tiếp nhận người lao động nước ngoài, người Nhật chúng ta sẽ phải đối diện như thế nào?
Theo: NHK