Bài viết của bác sĩ Phạm Nguyên Quý – Khoa Nội khoa tổng quát và ung thư tại bệnh viện Kyoto Miniren, Nhật Bản.
Không phải cứ thực phẩm “tự nhiên” hay thiên nhiên là an toàn. Nhiều sản phẩm tự nhiên nhưng lại có thể ảnh hưởng chức năng gan và thận, hoặc tác động xấu đến quá trình điều trị.
“Nếu bị bắt các hãng bị phạt rất nặng”
Như nhiều người đã biết, khi phát hiện một hoạt chất/thành phần nào đó có trong thực phẩm hay trong tự nhiên cho đến khi được công nhận là thuốc phải mất khoảng 15-20 năm và tốn rất nhiều tiền. Ngay cả khi chứng minh được nó có tác dụng trên tế bào và động vật (gọi là giai đoạn tiền lâm sàng) rồi vẫn phải thêm ít nhất 5-7 năm nữa để nghiên cứu trên người, để chứng minh sự an toàn và có hiệu quả trong điều trị.
Quá trình này thường được chia làm 4 giai đoạn:
Khi vượt qua giai đoạn 3, thuốc mới được cho phép lưu hành trên thị trường. Sau đó còn phải qua giai đoạn 4 để đánh giá lại hiệu quả và sự an toàn của thuốc trên cộng đồng.
Ở giai đoạn 2, nghiên cứu sẽ xem xem thuốc có thể có các tác dụng phụ gì và có hiệu quả tiềm năng như thế nào. Từ đó người ta tính cách thiết kế thử nghiệm giai đoạn 3 như thế nào để đủ cỡ mẫu (số ca bệnh), nếu không sẽ không có ý nghĩa về mặt thống kê và không rút ra được kết luận gì rõ ràng.
Khi thuốc sang được thử nghiệm giai đoạn 3 thì được đặt rất nhiều kỳ vọng; những người tham gia thử nghiệm sẽ thường được chia thành một nhóm dùng thuốc này và nhóm kia làm đối chứng (không dùng gì hoặc được điều trị theo các phương pháp tiêu chuẩn hiện có khác) để xem thực sự thuốc mới có tốt hơn những phương pháp đang được sử dụng hay không.
Nếu chứng minh được là an toàn và có hiệu quả tốt hơn những thuốc/phương pháp điều trị hiện tại thì thuốc mới sẽ được công nhận là thuốc điều trị và được cho phép sử dụng trên thị trường. Tỷ lệ thành công ở giai đoạn 2 và 3 rất thấp.
Trong năm 2011 có các nghiên cứu cho thấy gần 20% thử nghiệm thuốc mới thất bại là do không đủ an toàn, gần 50%-66% do không chứng minh được hiệu quả chữa bệnh của chất đang nghiên cứu.
Chính vì vậy, nhiều loại TPCN đang bày bán tại Việt Nam thực ra không phải là thuốc điều trị và ở Nhật nó không được ghi là có tác dụng phòng ngừa hay điều trị ung thư gì cả. Nếu bị bắt các hãng sẽ bị phạt rất nặng.
Chính vì thế, nguyên tắc trong sử dụng thuốc điều trị ung thư là nếu chất nào đó đã được ghi nhãn thuốc, thì nó đúng là thuốc. Còn nếu không được ghi nhãn thuốc thì đó chỉ là TPCN hay một chất nào đó chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả.
4 chiếc bẫy quảng cáo thực phẩm chức năng
Không phải cứ thực phẩm “tự nhiên” hay thiên nhiên là an toàn. Ăn tôm cua cũng có người bị dị ứng. Có rất nhiều sản phẩm tự nhiên nhưng lại có thể ảnh hưởng chức năng gan và thận, hoặc ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị.
Có 4 cách quảng cáo thường được dùng để chào bán TPCN mà trước khi chọn sử dụng người dùng cần cân nhắc:
1. Trong sản phẩm này có thành phần chữa bệnh: Đừng nghe theo ngay mà phải kiểm tra xem thành phần đó là gì, hàm lượng bao nhiêu thì chữa bệnh được và có thể có tác dụng tốt như thế nào.
2. Có rất nhiều BN dùng đã có kết quả tốt: Chuyện này có thật hay không? Tốt là tốt ở điểm nào và tốt mức nào?
Vừa rồi, BS Phan Đình Hiệp (Úc) chia sẻ câu chuyện có người tự xưng là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, dùng cách nấu nướng đặc thù gì đó chữa khỏi bệnh rồi viết sách bán rất chạy nhưng sau đó bị phát hiện là chuyện bịa từ đầu tới cuối.
3. Đã được người nổi tiếng sử dụng: Người nổi tiếng không làm tăng tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm.
4. Đã được kiểm nghiệm trên động vật: Động vật như chó, chuột, mèo… thì khác với người. Thuốc muốn được chứng minh là an toàn phải được thử nghiệm trên người qua rất nhiều giai đoạn.
Xin giới thiệu thêm bảng hỏi để giúp bệnh nhân và người thân cân nhắc trước khi nghĩ đến việc sử dụng TPCN:
Thật ra nhiều bệnh nhân dùng TPCN không phải là họ không tin BS, mà thực sự là họ muốn có cái gì đó thêm để yên tâm hơn hoặc để kiểm soát quá trình điều trị của mình một cách chủ động hơn. Đó cũng là một nhu cầu rất quan trọng của BN mà BS cần lắng nghe và trao đổi để có lời giải đáp, giúp họ hài lòng và an tâm hơn.
Sự thực về “thần dược” tinh nghệ curcumin, Fucoidan, đông trùng hạ thảo
Tôi xin điểm lại một số tác dụng của một số loại TPCN đang được sử dụng nhiều.
Curcumin (hoạt chất có trong củ nghệ) xuất phát từ Ấn Độ, đã được sử dụng từ rất lâu đời và đang được sử dụng cho một số loại bệnh trong các loại thức ăn.
Tháng 10/2017 vừa qua là tháng rất nhiều quốc gia vận động để tầm soát ung thư vú nên vừa qua tôi cũng kiểm tra thử xem curcumin có tác dụng gì trong điều trị ung thư vú không. Rất tiếc là trong số các nghiên cứu hiện tại mới chỉ có chừng 3 nghiên cứu là đã hoàn thành; hai nghiên cứu được công bố dưới dạng bài báo nhưng đều không chứng minh được bất cứ hiệu quả gì (ảnh bên dưới).
Fucoidan thì được ca tụng rất nhiều ở Việt Nam, được quảng cáo là ở Nhật xài rất nhiều, được mang sang Mỹ bán, rồi từ Mỹ mang về Việt Nam bán, rồi tiếp tục quảng cáo là hai nước này xài rất nhiều cho nên BN Việt Nam rất tin tưởng và tiếp đó cũng xài rất nhiều.
Nhưng tôi search từ khóa Fucoidan trong trang ClinicalTrial.gov để xem đã có những nghiên cứu nào thì hiện tại chỉ có một nghiên cứu xem Fucoidan đường uống có cải thiện đời sống cho BN ung thư phổi không phải tế bào nhỏ hay không, tuy vậy nghiên cứu này cũng chưa bắt đầu.
Những bệnh nhân của tôi ở Nhật chưa ai xài Fucoidan. Hỏi các dược sĩ thì biết cao trào dùng Fucoidan ở Nhật đã qua 4-5 năm rồi.
Về đông trùng hạ thảo (Cordyceps) cũng không có thử nghiệm lâm sàng nào cả!
Đông trùng hạ thảo là một phong trào ở Nhật cách đây 10 năm rồi; nhiều người nhờ tôi tìm đông trùng hạ thảo ở Nhật thì không có, muốn mua phải đặt ở hiệu thuốc khoảng 2 tuần mới có.
Tôi hỏi một số người ở hãng dược thì họ nói đó là lựa chọn của họ, vì chứng minh được tác dụng trên bệnh nhân ung thư quá khó nên họ phải chọn cách cứ cho rằng nó là một thành phần bổ sung hay thực phẩm chức năng đi, và cố gắng tạo ra tin đồn như vậy rồi ai mua thì mua thôi.
Thực ra phong trào dùng những thực phẩm chức năng này thường theo phong trào, kiểu một vài bệnh nhân lên mạng nói “tôi xài tôi khỏe” thế là nhiều người khác dùng theo, cho đến khi BS vào nghiên cứu thấy nó không có hiệu quả gì nên cảnh báo thì các phong trào xẹp xuống.
Nhưng có một số đơn vị kinh doanh hám lợi quá nên ghi đại trên bao bì là có tác dụng chữa bệnh. Như vừa rồi ở Nhật có một loại nước uống được quảng cáo là có chứa Fucoidan, đã có hơn 1.000 người mua, giá cũng rất mắc. Nhưng cảnh sát phát hiện và đã bắt người sản xuất ra thứ “nước thánh” đó rồi!
Nội dung bài viết được rút từ buổi trao đổi trực tuyến (webinar) “Vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị ung thư” diễn ra hồi cuối tháng 10/2017 do tổ chức VietMD và Tổ chức Y học cộng đồng thực hiện với các bác sĩ (BS) và bệnh nhân (BN) ở khắp nơi trên thế giới.
Người điều phối chương trình là BS Wynn Huynh Tran (chuyên khoa cơ xương khớp và da liễu tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ), BS Minh Đỗ (chuyên khoa Nội tổng quát-phòng khám Lão khoa tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ), BS Nguyễn Đình Vân (từng công tác trong ngành gây mê hồi sức tại Việt Nam, hiện đang là điều dưỡng tại Ottawa, Canada).
Khách mời là các bác sĩ:
– BS.TS Phạm Nguyên Quý, chuyên khoa Nội tổng quát và ung thư tại Kyoto, Nhật Bản. BS Quý cũng là người sáng lập và điều hành dự án Y học cộng đồng chuyên cung cấp các thông tin hữu ích về sức khỏe cho bệnh nhân và người thân.
– BS Đặng Tài Vóc, chuyên khoa ung thư tại Hà Nội. BS Vóc đã hoàn thành chương trình nội trú về ung thư tại BV Bạch Mai. Anh có nhiều bài viết chia sẻ trên các tạp chí chuyên ngành, đã giành được giải thưởng và là hội viên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ và Hội nội khoa châu Âu.
– Các bác sĩ Phạm Trường Giang (bị 4 loại ung thư từ năm 2003), bác sĩ QP Hồ…