Các bạn có còn nhớ mình đang làm gì khi mười hai tuổi? Cách đây nhiều năm ở Nhật, có một cô bé mười hai tuổi đang ngồi gấp những cánh hạc, với niềm tin ngây thơ rằng khi 1000 cánh hạc được gấp thành hình cũng là lúc mình sẽ khỏe mạnh trở lại, không còn đau đớn vì bệnh tật nữa. Cô bé đó là Sasaki Sadako, người thường được nhắc đến với cái tên “Cô bé Hiroshima” hay “Cô bé ngàn cánh hạc”.
Sadako sinh ra và lớn lên ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Tên gọi Sasaki Sadako chứa đựng niềm mong mỏi của bố mẹ Sadako rằng cô con gái bé nhỏ của mình sẽ lớn lên khỏe mạnh và an lành. Ngày 6 tháng 8 năm 1945, khi người Mĩ dội bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, cô bé Sadako khi đó mới hai tuổi đang ở nhà, nơi cách tâm của vụ nổ khoảng 2km. Rất nhiều sinh mạng đã bị cuốn đi cùng với những cột khói kinh hoàng đó, nhưng Sadako, nhờ một phép màu nào đó đã sống sót mà không hề có bất kì một thương tích nào, chính xác hơn là không hề bị thương tổn theo cách mà người ta có thể nhìn thấy được. Trong suốt năm năm sau đó, trái với sự lo lắng của bố mẹ, Sadako đã lớn lên một cách khỏe mạnh và yêu đời, cô bé rất có năng khiếu thể thao và khao khát sẽ trở thành một giáo viên thể dục trong tương lai. Tuy nhiên có lẽ bánh xe số phận của Sadako đã chệch ra khỏi đường ray vào ngày mà bom đã nổ ở Hiroshima đó, và mãi mãi không thể quay trở lại đúng quỹ đạo vốn có. Một ngày nọ, vào ngày diễn ra đại hội thể thao mùa thu ở Hiroshima, Sadako đã giúp cho các đồng đội của mình giành chiến thắng chung cuộc, ngay sau khi đường đua kết thúc, Sadako cảm thấy vô cùng choáng váng và mệt mỏi, tuy nhiên cô bé không quá lo lắng vì nghĩ rằng đây chỉ là những triệu chứng bình thường sau khi cô đã dốc hết sức mình cho cuộc thi. Nhưng sau đó, những triệu chứng này diễn ra ngày một thường xuyên. Cho đến một ngày, Sadako bất tỉnh ngay trong lớp học. Thầy cô và các bạn đã ngay lập tức đưa cô đến bệnh viện Chữ thập đỏ, nơi mà sau đó người ta chẩn đoán rằng Sadako đã mắc bệnh máu trắng và sinh mệnh của cô chỉ có thể kéo dài một năm nữa.
Một thời gian rất ngắn sau đó, vào tháng 8 năm 1955, Chizuko- người bạn thân nhất đã đến thăm Sadako và mang theo những chú hạc giấy. Hạc là loài linh điểu, biểu tượng cho sự linh thiêng, cao quý cũng như sự trường thọ trong truyền thuyết Nhật Bản. Và theo Chizuko, có một truyền thuyết nói rằng nếu có thể xếp được 1000 con hạc giấy, người bệnh sẽ sớm bình phục. Sadako tin vào điều đó. Niềm tin đó đã tiếp thêm cho cô sức mạnh và hi vọng vào sự sống. Cô bé quyết định sẽ xếp đủ 1000 con hạc với sự mong mỏi rằng điều đó sẽ giúp mình khỏe trở lại. Gia đình và bạn bè của Sadako đến thăm cô bé hàng ngày, trò chuyện và thậm chí giúp cô gấp hạc. Sau khi gấp đến con hạc thứ 500, Sadako cảm thấy ổn hơn rất nhiều và các bác sĩ đã nói rằng có thể cô bé sẽ được về nhà trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, Sadako đã phải nhập viện trở lại vì các cơn đau tái phát và ngày càng rõ rệt hơn. Ngay cả trong những ngày đau đớn nhất, Sadako vẫn không ngừng gấp hạc, từ cô bé, người ta luôn cảm nhận một nguồn ánh sáng ấm áp đến kì lạ và niềm tin vào sự sống. Mặc dù chỉ một khoảng thời gian sau đó, ngày 25 tháng 10 năm 1955, Sadako đã nhắm mắt lại mãi mãi, khi đó, cô đã gấp được 644 con hạc. Sự ra đi của Sadako đã làm cảm động trái tim của rất nhiều người, Vào ngày 5 tháng 5 năm 1958, ba năm sau ngày Sadako mất, cùng với sự giúp đỡ của 3100 học sinh từ các trường trên cả nước và cả các trường trên thế giới, người ta đã dựng lên một đài tưởng niệm để tưởng nhớ cô bé. Đài tưởng niệm đó ngày nay được biết đến tên gọi Đài tưởng niệm hòa bình của Trẻ em, và được đặt tại khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Phía dưới bức tượng Sadako đang dang rộng đôi tay cùng với một con hạc lớn là dòng chữ: “Đây là niềm xót thương, cũng là lời thỉnh cầu của chúng tôi về một nền hòa bình cho thế giới”.
Câu chuyện về Sasaki Sadako không đơn thuần chỉ là câu chuyện về cuộc đời một con người, mà tựa như một chú hạc, chở trên mình ý chí và niềm tin mãnh liệt vào sự sống, đồng thời cũng chứa đựng tinh thần phản chiến tranh cũng như niềm hi vọng về một tương lai không còn chiến tranh nữa, ở nơi đó, sẽ có những cô bé cậu bé được lớn lên, được trưởng thành khỏe mạnh và yên bình mà không cần đến những chú hạc.
Ngọc Quyên (iSenpai)