Soichiro Honda là một trong những nhà công nghiệp vĩ đại nhất của Nhật, sánh ngang với Konosuke Matsushita, Akio Morita và Eiji Toyoda. Nổi tiếng về tính độc lập, dám đạp bỏ những quy ước kinh doanh truyền thống của Nhật để hành động theo cách của riêng mình, ông đã biến thú tiêu khiển của mình thành một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD.
Honda sinh năm 1906 tại thị trấn Komyo, cách Tokyo 270 km. Thuở nhỏ, Honda phụ giúp cha trong tiệm sửa xe đạp của gia đình. Năm 15 tuổi, tuy chưa bao giờ đi học chính thức, Honda lên thủ đô tìm việc làm. Cậu được nhận vào làm tập sự ở một garage, nhưng cuối cùng lại được giao giữ con cho ông chủ. Bực mình và nản chí, cậu quay về nhà, nhưng 6 tháng sau được gọi lại. Lần này, Honda lưu lại Tokyo đến 6 năm, trở thành thợ sửa ôtô, rồi về quê mở tiệm sửa xe của riêng mình khi chỉ mới 22 tuổi.
Honda mê xe nên mê cả đua xe. Năm 1936, anh lập kỷ lục về tốc độ trung bình. Vợ anh quá lo cho tính mạng của chồng nên thuyết phục anh bỏ thú vui này. Nghỉ đua xe, Honda tập trung sức lực vào công việc kinh doanh và năm 1937, Honda mở rộng sang sản xuất pít-tông và lập hãng Công nghiệp nặng Tokai Seiki (TSHI). Tuy nhiên, biết mình chưa được học hành đàng hoàng, Honda ghi danh học ở trường Kỹ thuật Hama-matsu.
Do yêu cầu của công việc nên anh khó theo kịp bài vở trong lớp. Anh không thèm để ý đến những bài giảng kỹ thuật không liên quan đến bạc pít-tông, và không chịu ghi chép hay dự thi. Khi hiệu trưởng cảnh báo là nếu không dự thi anh sẽ không được nhận bằng, Honda đáp lại rằng một tấm bằng có giá trị thua một cái vé xem phim. “Vé giúp ta có chỗ ngồi trong rạp chiếu bóng, còn tấm bằng chưa chắc giúp ta kiếm được việc làm”. Từ bỏ bằng cấp, anh quyết định làm giàu theo cách của mình.
Năm 1948, Honda bán TSHI cho Toyota với giá 450.000 yen (tương đương 1 triệu USD hiện nay). Trước đó, ông đã lập Viện Nghiên cứu kỹ thuật Honda vào năm 1946, và đã có ý định giải nghệ, nhưng cảm thấy không thể cưỡng lại sức quyến rũ của kỹ thuật. Cũng năm 1948, Honda tình cờ gặp nhà tài phiệt Takeo Fujisawa. Hai người rất tâm đầu ý hợp về chiến lược công nghiệp thời hậu chiến cho Nhật và cùng tin vào đầu tư dài hạn (điều hiếm hoi ở Nhật lúc đó). Hợp tác với Honda, Fujisawa đồng ý đầu tư vào một công ty mới chuyên sản xuất động cơ. Honda chịu trách nhiệm về kỹ thuật, còn Fujisawa lo tiếp thị và kinh doanh. Kiểu xe máy đầu tiên là Dream, thể hiện giấc mơ chinh phục thương trường của ông.
Honda ký hợp đồng bán toàn bố sản lượng động cơ xe máy cho Công ty Kitagawa. Nhưng kết quả không được như mong muốn: mỗi tháng Honda sản xuất được 100 động cơ, trong khi Kitagawa chỉ sản xuất được từ 50 đến 80 chiếc xe, gây tắc nghẽn cho chu trình sản xuất và kẹt tiền mặt cho Honda. Để đảm bảo tài chính cho công ty, Honda cắt hợp đồng với Kitagawa, và thay bằng những hợp đồng cung cấp trọn chiếc xe gắn máy cho các đại lý phân phối.
Cú thắng lớn đầu tiên của công ty là xe Cub, cho phép khách hàng lựa chọn mua máy xe để lắp vào xe đạp của mình hoặc mua trọn chiếc xe gắn máy. Trong vòng chưa đầy 1 năm, công ty bán được 6.500 chiếc Cub mỗi tháng, và chiếm 70% thị phần xe gắn máy tại Nhật.
Về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, Honda là người cầu toàn. Ông đích thân đi khắp thế giới để nghiên cứu thị trường. Ông dự và ghi chép kỹ về các cuộc đua xe. Thành công trong đua xe gắn máy (Honda lập đội đua xe của mình vào năm 1954) đã giúp quảng bá mạnh cho công ty, tăng thêm giá trị của thương hiệu, và giúp đúc kết công nghệ đua xe thành mô hình sản xuất chuẩn.
Năm 1959 là năm trọng đại của Honda, khi công ty bắt đầu sản xuất đại trà Super Cup, kiểu xe mới bán rất chạy. Để sản xuất kiểu xe này, Honda lập nhà máy sản xuất xe gắn máy lớn nhất thế giới ở thành phố Suzuka, với công suất 30.000 chiếc/tháng. Cũng năm đó, đội Honda giành giải nhất trong cuộc đua Isle of Man (Anh) ngay lần đầu tham dự. Thành công trên đường đua nhanh chóng giúp tăng doanh số: Honda dẫn đầu ở Nhật với 285.000 chiếc. Hai năm sau, Honda bán được 100.000 chiếc mỗi tháng.
Năm 1959, Honda mở đại lý đầu tiên ở Mỹ. Thay vì bán qua hệ thống phân phối hiện có của Mỹ, Honda có một cách tiếp cận khác thường. Ông bán ở bất cứ nơi đâu mà ông nghĩ là có thể thu hút khách hàng. Lúc đó, tổng cộng thị trường Mỹ tiêu thụ dưới 5.000 chiếc mỗi tháng. Nhưng chỉ trong vòng 2 năm, xe máy Honda bán chạy hơn tất cả những thương hiệu khác tại Mỹ. Đến năm 1963, Công ty Honda đã bán được 7.800 chiếc, đến 1984 đã bán được hơn 10 triệu chiếc Honda 50 phân khối. Kết quả đáng nể này là nhờ chất lượng của sản phẩm và một chiến dịch quảng cáo tuyệt vời. Thay vì nhắm vào đối tượng mê xe truyền thống, Honda dùng khẩu hiệu: “Bạn gặp những người dễ thương nhất trên một chiếc Honda”. Chiến dịch này nhắm vào thị trường gia đình, và đã thành công rực rỡ. Honda tiếp tục thống lĩnh thị trường xe máy (bán chạy hơn xe Triumph ở Anh và Harley-Davidson ở Mỹ).
Sau khi thắng lớn với xe máy, Honda bắt đầu sản xuất ôtô. Do không chấp nhận theo văn hóa kinh doanh kiểu “nhất thân nhì thế” của Nhật, Honda thường gặp rắc rối với Chính phủ Nhật, nhất là Bộ Ngoại thương và Công nghiệp Nhật (MITI). Ý định sản xuất ôtô của Honda bị MITI cản trở vì lúc đó Nhật đã có khoảng 10 hãng và định gom lại thành hai hãng lớn có tầm cỡ quốc tế. Bất chấp khuyến nghị của chính phủ, Honda tung ra kiểu xe thể thao S360. Honda tham gia cuộc đua xe Thể thức 1 vào đầu thập niên 1960. Đến năm 1965, đội Honda thắng giải nhất trong cuộc đua Giải thưởng lớn Mexico, và năm tiếp theo đoạt nhiều thắng lợi trong cuộc đua Thể thức 2. Và giống như với xe máy, sau các giải thưởng này, ôtô Honda bắt đầu chinh phục và có ảnh hưởng lớn đến thị trường ôtô. Cuối thế kỷ 20, Honda là nhà sản xuất ôtô số một thế giới. Hiện nay, Honda là hãng xe máy lớn nhất và là hãng ôtô xếp thứ 9 thế giới.
Thành tựu của Honda là kết quả của việc kết hợp kỹ thuật siêu việt, ý thức cao về mẫu mã và chất lượng, cách tiếp thị và quảng cáo tuyệt vời, trọng dụng nhân tài và biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới (đều hiếm thấy ở Nhật). Nhưng trên hết thảy là quyết tâm biến những giấc mơ của mình thành hiện thực. Ông nói: “Nhiều người mơ đến thành công. Theo tôi chỉ có thể đạt được thành công sau khi thất bại nhiều lần và rút kinh nghiệm. Thực vậy, thành công chỉ chiếm 1% trong công việc của bạn mà xuất phát từ 99% trong những điều được gọi là thất bại”. Honda về hưu vào tháng 10/1973, lo quản lý Quỹ Honda. Ông mất năm 1992.
Nguồn TBKTSG