Sự mâu thuẫn của Kyoto trước viễn cảnh khách du lịch quay trở lại

Đăng ngày 20/07/2022 bởi iSenpai

Sau một khoảng thời gian dài vắng bóng khách du lịch – những người mang lại nguồn thu lớn cho Kyoto – thì cố đô nước Nhật đang chuẩn bị cho việc phục hồi sau đại dịch Covid. Tuy nhiên bối cảnh hiện tại cho thấy những mâu thuẫn của Kyoto khi những khách du lịch quốc tế trở lại.

Reuters đã phỏng vấn Fujii Yasuko, chủ một cửa hàng rượu truyền thống hơn 230 tuổi. Bà cảm thấy bối rối về sự trở lại của những người khách du lịch nước ngoài như trước khi có Covid. Họ sẽ mua rất nhiều rượu ở cửa hàng nhưng có thể sẽ mang theo nhưng nguy cơ về việc gia tăng dịch Covid. “Từ quan điểm lợi nhuận, chúng tôi cũng mong muốn khách du lịch nước ngoài đến”, bà Fujii, 79 tuổi, nói. “Nhưng từ góc độ cảm tính, chúng tôi lại hy vọng chỉ có khách Nhật.” Cửa hàng của bà nằm ở chợ Nishiki. Trước khi Covid xuất hiện, có tới hàng triệu khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á tới đây mỗi năm. Người dân địa phương cảm thấy nơi này quá đông đúc và dần dần không còn tới đây nữa. 

Trong 10 năm qua, Nhật Bản phát triển rầm rộ việc quảng bá du lịch đại chúng và ngành du lịch đem lại một sự tăng trưởng kinh tế đáng kể. Năm 2019, đã có 32 triệu lượt khách quốc tế đến và chi ra khoảng 38 tỷ USD. Kyoto là một trong những tỉnh được hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ du lịch của Nhật Bản. Là thủ đô của Nhật trong hơn 1000 năm, các tài nguyên du lịch của Kyoto là vô cùng phong phú và có hơn 8,9 triệu khách nước ngoài đến đây vào năm 2019, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Tuy nhiên mặt trái của nó là những lời phàn nàn về các dịch vụ kém chất lượng dần đi từ những người dân bản xứ.

Một người bản xứ từng khó chịu với việc có quá nhiều khách du lịch tới Kyoto là Shoei Murayama, một cựu dân biểu thành phố và là tác giả của cuốn sách “Ngày Kyoto sụp đổ vì du lịch quá mức” xuất bản năm 2019. Trong sách ông cảnh báo ngành du lịch sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến các doanh nghiệp và cư dân địa phương. Ông so sánh Kyoto với Venice, nơi đã cấm tàu du lịch và sắp áp dụng thuế du lịch. Tuy nhiên hiện tại ông đã thay đổi quan điểm khi trả lời phỏng vấn của Bloomberg. Bây giờ, Murayama tin rằng Kyoto cần một lượng lớn du khách để phát triển. “Người dân Kyoto đã nhận ra trong hai năm qua rằng chính khách du lịch mới là những người giúp họ thịnh vượng. Quan điểm của người bản xứ về khách du lịch đã thay đổi”.

Khi Covid xuất hiện, Kyoto chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế khi các khách du lịch nước ngoài vắng bóng. Với việc đồng yên tụt xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua và ngành du lịch toàn cầu đang hồi sinh, các khách sạn lữ quán và các cửa hàng đồ ngọt truyền thống của Kyoto lẽ ra phải đang trong quá trình chuẩn bị cho sự gia tăng trở lại của khách du lịch.

Hiện tại chỉ có một lượng khách nhỏ được phép đến Nhật du lịch sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế vào tháng Sáu. Có thể thấy thủ tướng Fumio Kishida đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi ông giành được sự ủng hộ của cử tri đối với việc đóng cửa biên giới vào năm ngoái. Ông có thể sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội của dân chúng nếu việc mở cửa du lịch đại trà trở lại sẽ châm ngòi cho các ca nhiễm COVID-19 mới. Nhật Bản nói chung và Kyoto nói riêng đang gặp những mâu thuẫn trong việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế từ nguồn khách du lịch nước ngoài với sự hài lòng của những người dân bản xứ.

Một chủ cửa hàng cá hoạt động từ năm 1620 ở chợ Nishiki khác được Reuters phỏng vấn cho biết bà mong muốn khách du lịch quay trở lại, nhưng đừng quá đông. Bà cho biết vấn đề không phải là họ tới từ nước ngoài mà là khả năng đáp ứng khách hàng của cửa hàng.  “Nếu có quá nhiều người đến, chúng tôi không thể cho họ thấy sự hiếu khách nên có của chúng tôi.”

Một số doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ lưu trú, cho thuê kimono, bán hàng truyền thống,… ở Kyoto thất thu nghiêm trọng trong đại dịch. “Kyoto là một thành phố du lịch và nếu không có khách du lịch nước ngoài, chúng tôi thực sự gặp rắc rối”, Hiroshi Fujie, giám đốc 70 tuổi của cửa hàng đồ cổ Hakuba cho biết và nói thêm rằng ông không chắc liệu cửa hàng có thể tiếp tục trong năm thứ ba mà không có khách du lịch nước ngoài hay không. Trong khi đó cửa hàng rượu của bà Fujii đã có thể phục hồi tới hơn 60% so với trước dịch nhờ vào khách Nhật. Các khách hàng Nhật cũng đã quay trở lại du lịch ở Kyoto nhiều hơn. Khoảng 5,17 triệu người hầu hết là khách Nhật Bản đã thuê các khách sạn và lữ quán ở Kyoto vào năm ngoái, theo thống kê của chính phủ. Vào năm 2019, con số đó đạt vào khoảng 13.2 triệu, với cả khách nước ngoài và người Nhật. Những khách du lịch nước ngoài trở lại sẽ khiến Kyoto trở nên phồn thịnh hơn nhưng không phải người dân cố đô nào cũng đã sẵn sàng cho điều này.

 

Theo Reuters, JapanTimes, Bloomberg

Trả lời