Sức mạnh của thế hệ Reiwa
Bài viết theo quan điểm cá nhân của tác giả Jesper Koll trên tờ Japan Times
Tôi muốn được tái sinh thành một người Nhật ở độ tuổi 23. Trên thực tế, thế hệ học sinh tốt nghiệp trung học và đại học hiện tại ở Nhật Bản có thể trông chờ đạt được những điều mà xem ra khó có thể xảy ra với những người cùng thế hệ ở Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc và các nước công nghiệp tiên tiến khác. Đúng vậy, Nhật Bản sẽ làm cả thế giới ghen tị vì đây là đất nước mà thế hệ nối tiếp sẽ làm cho kinh tế phát triển hơn cả thế hệ đi trước. Đó là thế hệ Reiwa!
Lý do cho sự lạc quan của tôi rất đơn giản. Điều này xuất phát từ cấu trúc nhân khẩu học của nước Nhật bây giờ kết hợp với khái niệm cơ bản của kinh tế – cung và cầu. Khi nguồn cung cấp lao động không đủ, giá lao động – tức là lương và thu nhập – sẽ tăng. Và trái ngược với lập luận một chiều về sự đi xuống của nền kinh tế khi thiếu hụt lao động, tăng lương và thu nhập tốt hơn sẽ kích thích cung ứng tích cực. Những người trước đây thất vọng vì không tìm được việc sẽ đột nhiên cảm thấy bị thu hút bởi mức lương cao hơn và hợp đồng lao động có điều kiện tốt hơn, sẽ làm việc trở lại. Những người trước đây sống phụ thuộc vào bố mẹ thay vì tự mình làm những việc mà họ cho rằng không xứng đáng hoặc điều kiện kém, bây giờ cũng sẽ trở lại với công việc. Sự kỳ diệu của thị trường tự do thực sự có tác dụng ở Nhật Bản.
Hãy nhìn vào những con số: Trong hai năm qua, từ tháng 2/2017 – 2/2019, tổng số người đi làm ở Nhật tăng 2,29 triệu người, từ 64,27 triệu lên 66,56 triệu. Cũng trong khoảng thời gian này, dân số Nhật Bản giảm xấp xỉ 840 nghìn người. Đúng thế, tuy số người Nhật giảm 1.200 người/ngày, nhưng đồng thời, số người Nhật tìm được việc làm đã tăng gần 3.100 người/ngày.
Các bạn không đọc nhầm đâu – Nhật Bản đang tạo ra việc làm mới nhanh hơn 2,5 lần số dân đang giảm. Các nhà kinh tế và nhà bình luận chỉ tập trung vào cái chết hơn là việc làm đã khiến cho bạn bi quan về tình hình nước Nhật hơn là những gì đang thực sự xảy ra. Việc làm bằng với thu nhập, bằng với sức mua, bằng với GDP, bằng với đời sống kinh tế; trong khi cái chết chỉ là cái chết. Bảng điểm của Nhật Bản: cái chết: 1, đời sống kinh tế: 2,5.
Điều quan trọng, “lữ đoàn ngày tận thế” của Nhật quên rằng nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào dân số một cách đơn thuần. Bao nhiêu người sẽ đi tìm việc, sẽ muốn làm việc, hoặc sẽ trở thành nhà kinh doanh và tạo ra việc làm cho người dân? Những điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn giản là số người trong độ tuổi 15 đến 65 (được định nghĩa là lực lượng lao động chính). Tiền lương là một yếu tố quyết định mức độ sẵn sàng làm việc của một người; ở một đất nước giàu như Nhật Bản, cái còn quan trọng hơn chính là chất lượng công việc – khả năng thăng tiến nghề nghiệp, cân bằng công việc và cuộc sống, đồng nghiệp hòa hợp, văn hóa doanh nghiệp, quản lý linh hoạt, v.v…
Ở đây không có gì phải bàn cãi khi ở Nhật Bản ngày nay, cán cân quyền lực đang chuyển dần từ người sử dụng lao động sang người lao động – và trong thời kỳ Reiwa, “cuộc chiến tranh giành tài năng” càng ngày sẽ càng dữ dội hơn. Trong khi thế hệ phụ huynh hiện tại may mắn có được công việc trong suốt nhiều thập kỷ khó khăn sau thời kỳ bong bóng, thì thế hệ mới các học sinh tốt nghiệp trung học và đại học có thể lựa chọn công việc. Ngay cả các công ty hàng đầu cũng phải tham dự vào cuộc đua để thu hút và giữ lại những người giỏi nhất. Theo quan điểm của tôi, cuộc chiến tranh giành tài năng sẽ là điều làm thay đổi văn hóa công ty Nhật hơn bất kỳ điều gì khác. Nếu thời đại Heisei được xem là thế hệ mất mất và cắt giảm chi phí thì Reiwa sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của thế hệ vàng, khi mà các công ty Nhật sẽ tập trung đầu tư vào nhân lực.
Một dấu hiệu quan trọng của động lực cấu trúc tích cực này là sự cải thiện cơ bản về chất lượng công việc được tạo ra: ngày càng có nhiều công việc mới được tạo ra trên cơ sở toàn thời gian/nhân viên chính quy. Đây là một sự đảo ngược của xu hướng cố hủ bắt đầu từ những năm 1995-1996, cho phép việc làm bán thời gian ở tất cả các ngành công nghiệp.
Từ năm 1996, chỉ có công việc bán thời gian là tăng từ 20% trên tổng số công việc lên 40%. Tuy nhiên, hiện nay, qua hơn hai thập kỷ, sự khan hiếm lao động và “cuộc chiến tranh giành tài năng” đã thúc đẩy xu hướng tích cực: việc làm toàn thời gian tăng 890 nghìn trong hai năm qua (2/2017-2/2019), lần đầu tiên có sự tăng trưởng tích cực trong hai thập kỷ qua. Và việc làm bán thời gian cũng tăng gấp đôi 1,52 triệu; nhưng xu hướng đi xuống trong tăng trưởng việc làm toàn thời gian đã bị phá vỡ, và theo quan điểm của tôi, chỉ một vài năm nữa thôi là việc làm toàn thời gian sẽ vượt xa việc làm bán thời gian.
Ở đây chúng ta chứng kiến sự bắt đầu xoay chuyển biến sự già hóa dân số thành động lực thúc đẩy cả kinh tế và xã hội. Sự cải thiện về chất lượng công việc – toàn thời gian thay vì bán thời gian, thường xuyên thay vì không thường xuyên – đã tạo ra một vòng tròn nâng cao chất lượng cuộc sống: bảo đảm công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn vì có thể nhận được tiền thưởng từ công ty (thường làm bán thời gian không được nhận), và được dùng thẻ tín dụng hoặc thế chấp (cơ bản không dành cho người làm bán thời gian).
Trên cả những lợi ích kinh tế hiển nhiên này, tác động tâm lý xã hội là rất đáng kể. Một nhân viên là một thành phần có giá trị của văn hóa công ty, họ sẽ tích cực tham gia vào cộng đồng kinh tế xã hội theo định hướng. Dân số Nhật già đi nghĩa là người trẻ Nhật được chào đón và trân trọng, và những thế hệ cũ không còn lựa chọn nào khác ngoài đấu tranh. Bạn đã hiểu tại sao tôi muốn tái sinh làm một người Nhật 23 tuổi chưa.
Và “lữ đoàn ngày tận thế” sẽ lên tiếng – “Jesper, sao anh dám lạc quan quá như thế, khi mà 300 năm sau, chỉ còn 25 người Nhật tồn tại?” Sớm hay muộn đất nước này cũng hết nguồn lao động, vào rồi sau đó thì sao? Các bạn cần nhớ rằng: Tỉ lệ tham gia lao động, nghĩa là số phần trăm người trong độ tuổi 15 đến 65 đang làm việc hoặc đang tích cực tìm việc, đang ở mức 78% ở Nhật. So sánh con số này với 73% ở Mỹ và 84% ở Thụy Sĩ, tôi hoàn toàn không thấy lý do gì mà người Nhật không làm việc chăm chỉ như người Thụy Sĩ được – nghĩa là có hơn 3 triệu người Nhật sẵn sang tham gia hoặc tái nhập cuộc sống kinh tế.
Vâng, nguồn nhân lực có thể khan hiếm, nhưng đừng nhầm lẫn, có rất nhiều người Nhật sẵn sàng làm việc. Tất cả phải nhờ vào một thế hệ lãnh đạo mới thực sự đầu tư vào con người; những người lãnh đạo ngừng phàn nàn về việc dân số già đi mà thay vào đó tạo ra những ưu đãi phù hợp và điều kiện việc làm hướng tới tương lai để thu hút và thúc đẩy nguồn vốn nhân lực của Nhật Bản. Thế hệ Reiwa sẽ được hưởng cơn gió hướng họ đến tăng trưởng công việc và thu nhập và sự thịnh vượng kinh tế mà thế hệ phu huynh không được biết.
Các doanh nghiệp Nhật Bản, một sự gia tăng tương tự về sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh là có thể nhưng nó đòi hỏi phải có sự cải tổ về cách khai thác nhân sự: thúc đẩy và trân trọng. Từ cuộc cải cách lao động năm 1995-1996, các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật tập trung vào cắt giảm chi phí bằng cách dùng công nhân kĩ năng yếu với giá thành thấp, họ không đầu tư vào nhân lực. Chuyển mình đầu tư lại là nhân lực không phải dễ dàng, không chỉ bởi vì lao động khan hiếm mà còn bởi vì làm việc với máy móc ngày càng thông minh đòi hỏi một bộ kỹ năng hoàn toàn mới cho cả nhân viên và người quản lý.
Kỹ thuật mới và sự khan hiếm lao động là động lực chính để cải cách cơ bản văn hóa của doanh nghiệp Nhật Bản về tất cả các khía cạnh. Quản lý chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng đừng để những thử thách dành cho nhà lãnh đạo đánh lạc hướng bạn khỏi xu hướng mới nổi bật: Nhật Bản đang bước vào thời kỳ hoàng kim mới với thế hệ trẻ.
Nguồn: Japan Times