Một trong những tính năng bắt buộc ở Nhật Bản khi sản xuất chiếc điện thoại thông minh chụp được ảnh đó là phải tạo ra tiếng động khi bấm máy.
Nó cũng là chuẩn mực cho các nhà sản xuất bên ngoài Nhật Bản muốn đưa sản phẩm của họ vào đất nước Mặt trời mọc. Nguyên do vô cùng đơn giản: Phòng ngừa nguy cơ chụp ảnh trộm. Tiếng “click” trong nhiều trường hợp có thể là sự cảnh báo cho nạn nhân biết họ đang bị đặt trong tầm ngắm.
Mà Nhật Bản là một quốc gia phát triển với hệ thống luật pháp bảo vệ quyền riêng tư cũng như những giá trị đạo đức được đánh giá rất cao. Phòng ngừa ở đây quả không bao giờ là thừa, dù cho để đối phó với những người có dụng ý xấu thì không có gì là đủ.
Chẳng hạn, nếu vị bác sĩ để chân lên giường khi khám bệnh hoặc ai đó ở gần cô hoa hậu cùng nghe được tiếng “click” thì có thể họ đã không trở thành nạn nhân của sự nổi tiếng bất đắc dĩ trong một thời buổi mà sự lan tỏa của một thông tin xấu nhanh và rộng không khác gì sóng thần.
Cũng may là phản ứng của một bộ phận dư luận cho thấy sự đúng sai của cả hai vụ việc. Đây có phải là sự cởi mở, sự tân tiến của dư luận?
Thật khó để trả lời chính xác, nhưng rõ ràng là một thế giới phẳng hơn giúp chúng ta nhận thức rằng tư thế trong nhiều trường hợp cũng chỉ là tư thế chứ không phản ánh nội dung. Nhiều người trong số chúng ta đã biết rằng hình ảnh một thày giáo ngồi hẳn lên bàn còn học sinh vắt vẻo trên thành ghế là chuyện bình thường ở phương Tây, rồi đặt câu hỏi liệu chúng ta có thể làm được như vậy miễn là tạo ra một môi trường giáo dục cởi mở mà vẫn có sự tôn trọng và hiệu quả.
Và thế giới phẳng hơn cũng cho chúng ta thấy là ở đâu có những chuẩn mực pháp lý thì sẽ giảm bớt những vụ việc phải tranh cãi về mặt luân lý.
Theo Thể Thao Văn Hóa