Trước tình hình dịch bệnh đang ngày gia tăng nhanh ở Nhật Bản, nhiều người dân bắt đầu đổ xô đi mua khẩu trang, giấy vệ sinh,… để tích trữ khiến các mặt hàng này đang dần trở nên khan hiếm.
“Giấy vệ sinh và giấy ăn sẽ trở thành mặt hàng khan hiếm tiếp theo sau khẩu trang” rồi “ nguyên liệu chế tạo là từ Trung Quốc”. Những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ như trên đang lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người dân hoảng loạn, đổ xô đến các cửa hàng dược mỹ phẩm, siêu thị để mua khiến không chỉ giấy vệ sinh và giấy ăn mà ngay cả đến các mặt hàng như băng vệ sinh, tã giấy cho trẻ em cũng cháy hàng.
Liên quan đến vấn đề này, gần đây, trên mạng xã hội Twitter cũng đang lan truyền nhanh chóng dòng trạng thái nói lên nỗi lòng của một nhân viên drug store : Con người còn đáng sợ hơn cả virus corona. Sau khi dòng Tweet được đăng tải trên trang cá nhân, nhiều người dùng đồng cảnh ngộ đã bày tỏ sự đồng cảm với nhân viên này. Nguyên văn dòng đăng tải từ tài khoản @tama_punpa như sau:
“ Cầu mong cho những người nhiễm Covid-19 đang phải chống chọi với bệnh tật sẽ hồi phục và cầu mong sự yên nghỉ đến với những người đã mất vì chủng virus corona.
Gần đây, vấn đề virus corona liên tục được phát trên các bản tin. Mỗi khi xuất hiện thêm người nhiễm bệnh hay chết, nỗi sợ hãi trong mỗi người lại càng lớn hơn. Tôi không phải là bác sĩ hay chuyên gia về virus corona. Tôi chỉ đơn giản là một nhân viên ở drug store.
12 năm làm việc, cũng có khi vui, khi buồn nhưng nói chung tôi thấy thoải mái khi làm công việc này. Cách đây khoảng 1 tháng rưỡi, khi dịch bệnh corona bùng phát, khẩu trang bắt đầu trở nên khan hiếm, ngày qua ngày tôi đều phải nghe những câu hỏi giống nhau như:
‘Khi nào thì nhập khẩu trang về’.
‘ Không phải lúc nào cũng hết hay sao’.
‘Nhà tôi có người bệnh nhưng tôi không mua được khẩu trang. Hãy cho tôi đặt trước một hộp’.
Những khách hàng luôn nở nụ cười khi đến đây bây giờ bỗng trở nên đáng sợ như ác quỷ. Nếu giải thích với những người định mua nhiều các mặt hàng này về việc hạn chế số lượng mua thì họ phàn nàn và tỏ thái độ không phục. Tất nhiên, tôi phải cúi đầu xin lỗi khách hàng. Nhưng thực tế, tần suất phải nói lời xin lỗi dần trở nên nhiều hơn là nói lời cảm ơn khách hàng khiến tôi ngày càng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.
Điện thoại cửa hàng cũng liên tục đổ chuông.
‘Tôi muốn hỏi còn hàng trong kho không’.
‘Khi nào thì hàng được nhập về’.
Mỗi khi chuông điện thoại reo, tôi cũng cảm thấy vô cùng căng thẳng.
Thực tế, mỗi ngày cửa hàng nhập với số lượng rất lớn khẩu trang. Có nhân viên quầy thu ngân thậm chí đã rơi vào tình trạng thiếu máu và hội chứng tăng thông khí.
Cách đây 2 ngày, số lượng khách hàng đến mua giấy vệ sinh, băng vệ sinh và bỉm tăng đột biến. Chúng tôi luôn trong tình trạng làm việc liên tục không rời quầy thu ngân. Và mọi chuyện lại tiếp diễn. “Khi nào”, “Tại sao”. Khi giải thích về việc hạn chế số lượng mua thì bị hỏi lại “ Cả mặt hàng này nữa sao.” Và chúng tôi lại phải cúi đầu xin lỗi.
Là một nhân viên hiệu thuốc, tôi nghĩ con người còn đáng sợ hơn cả virus corona. Những con người hiền lành đang trở nên hung dữ, cáu gắt. Nhưng hãy nghĩ kỹ xem, các bác sĩ, nhà nghiên cứu, những người sản xuất khẩu trang đang cố gắng làm việc từng ngày. Cả nhân viên chúng tôi cũng đều đang cố gắng, nỗ lực hơn bao giờ hết để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Việc nghe theo những tin đồn thất thiệt về giấy vệ sinh rồi đổ xô mua về khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm thì chính các bạn là người đang tự hại mình. Nếu ở trong nhà, các bạn có thể dùng vòi hoa sen rửa mà không cần dùng đến giấy vệ sinh. Còn băng vệ sinh, liệu các bạn có dùng hết được 10 bịch không. Hãy bình tĩnh suy nghĩ kỹ một chút.
Tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi mỗi khi phải nói lời xin lỗi. Tôi cảm thấy sợ con người hơn cả virus, sợ mỗi khi bị hỏi về khẩu trang hay dung dịch sát trùng. Chúng tôi cũng thường xuyên được nhắc nhở “ Dù bị hỏi nhiều lần đi nữa thì vẫn phải cư xử nhẹ nhàng, tôn trọng khách hàng”. Tuy nhiên, các bạn hãy nghĩ thử xem. Việc hàng ngày liên tục phải nghe những câu hỏi giống nhau rồi nói xin lỗi thì thật mệt mỏi, căng thẳng. Vì vậy làm ơn xin mọi người hãy bình tĩnh lại.”