Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Tấm thẻ đỏ giữa phố Shinjuku

Đăng ngày 10/12/2016 bởi iSenpai

Nếu bạn muốn chia sẻ những trải nghiệm về đất nước, con người, cuộc sống ở Nhật; hãy gửi tới chuyên mục “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật” được đăng tải tối thử Bảy hàng tuần trên iSenpai qua địa chi contact.isenpai@gmail.com.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Nhắc đến màu đỏ đêm giáng sinh, bạn sẽ nghĩ tới điều gì? Là bộ quần áo của ông già Noel, một góc phố lấp lánh ánh đèn hay những dải ruy băng sặc sỡ? Với tôi, còn có một màu đỏ đặc biệt hơn thế nữa, một màu đỏ mà đến bây giờ tôi vẫn lưu giữ bên mình như một kỷ niệm tuyệt vời chẳng thể nào quên.

Đó là vào giáng sinh của một năm về trước, giáng sinh đầu tiên kể từ khi tôi sang Nhật. Tiết trời se lạnh không cản được dòng người nhộp nhịp lại qua, ai nếu đều hăm hở chuẩn bị cho mùa Noel của riêng mình. Tôi cũng như chúng bạn, lên kế hoạch chuẩn bị đi chơi. Đang lục lại danh bạ để dò tìm đối tượng thì bỗng tôi nhớ đến chị Lan. Chị là du học sinh trao đổi một năm, và cũng rất thân với tôi. Có những hôm mười một giờ khuya, chị bỗng nhớ nhà, tôi thường rủ chị đi dạo vòng quanh ký túc, hai chị em trò chuyện thâu đêm. Rồi tới khi kết quả thi của tôi không như mong đợi, chị cũng rủ tôi đi chơi để đông viên mặc cho trời rét mướt. Cứ thế, tôi với chị trở nên thân thiết tự bao giờ. Vây nên chẳng lạ lùng gì mà khi tìm kiếm người đi chơi giáng sinh, tôi liền nghĩ ngay đến chị.

Chuyện lên kế hoạch diễn ra suôn sẻ, tôi hẹn chị tại Odaiba, một khu nổi tiếng với khung cảnh nên thơ, lãng mạn. Tất tả chuẩn bị đâu ra đấy, nào ngờ tới gần ngày đi, chị nhắn cho tôi: “Xin lỗi, chị có chuyện nên không đi được em à. Hẹn em lần sau nhé”. Đọc xong, tôi tiu nghỉu hẳn, loay hoay lướt phím một hồi cũng chẳng biết trả lời sao. Cuối cùng đành mím môi mà nhắn lại: “Dạ, không sao đâu chị, mình còn nhiều dịp mà”. Thêm vào vài cái mặt cười trong tin nhắn cũng chẳng thể nào giấu được vẻ thất vọng của tôi. Giáng sinh đã đến tới nơi rồi, bao nhiêu cuộc hẹn  đều huỷ hết, tôi biết sẽ đi với ai đây? Dò qua dạnh bạ một hồi, tất cả bạn bè đều kín lịch. Chán nản, tôi quẳng điện thoại qua một chỗ, nằm gục xuống, thở dài.

Rồi Noel cũng đến. Cái bầu không khí nhộn nhịp với những nhạc khúc tưng bừng lại réo gọi trái tim tôi. Chẳm dằn lòng được, tôi tự nhủ: “Thôi không có ai đi chung thì ta đi một mình. Dạo phố Noel cũng vui lắm chứ!”. Thế là trong chốc lát, tôi sửa soạn áo quần tươm tất, sẵn sàng cho cuộc hành trình “đơn thân độc mã” của mình. Tôi đón tàu dạo qua những khu phố sầm uất của Tokyo. Trái với những gì tôi nghĩ, giáng sinh ở Nhật cũng chẳng nổi trội là bao, ngoài những món hàng được bày bán trong cửa tiệm thì mọi sự trang trí đều rất thô sơ. Cây thông, ông già Noel, những biểu tượng đáng lẽ phải tràn lan và dễ dàng bắt gặp lại chỉ gói gọn ở một vài nơi. Có chăng chỉ là những ánh đèn chớp nháy và vốn ngày thường đã trở nên thừa mứa ở những phố xá nhộp nhịp này. “Đúng là giáng sinh ở Nhật chỉ tuyệt vời khi ở bên bè bạn” – Tôi thở dài, tự trách cho số mình sao quá hẩm hiu.

Loanh quanh một hồi, tôi lạc qua một góc nhỏ tại phía tây của ga Shinjuku. Bất giác, có những tiếng rao liên hồi không dứt:

– Hiến máu cứu người. Hiến máu cứu người. Vì sức khoẻ cộng đồng, xin vui lòng hiến máu…

Tôi nhìn sang thì thấy một người thanh niên đang giơ cao tấm bảng “KenKetsu” (Hiến máu), liên tục chào mời giữa dòng người qua lại. Anh ta như bị phớt lờ khi ai nấy đều chỉ tất tả lo vui đón giáng sinh. Đứng quan sát một hồi, chẳng hiểu sao tôi lại tiến đến gần, ngỏ ý:

– Này anh, tôi muốn xin hiến máu có được không?

Vừa thấy tôi, người thanh niên mỉm cười, hỏi thăm những câu như đã thành thông lệ:

– Anh đã ở Nhật lâu chưa? Trong bốn tuần qua có đi nước ngoài không? Ba ngày vừa rồi đều ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ cả chứ?

Tôi trả lời đầy đủ và được đưa đến nơi để tiến hành hiến máu. Đó là một gian phòng nhỏ tại ga Shinjuku, bên trong khá vắng vẻ, chủ yếu chỉ có các nhân viên đang làm việc. Cũng dễ hiểu vì hôm nay là giáng sinh, ai nấy đều đi chơi chứ mấy ai nghĩ tới chuyện hiến máu bao giờ. Tôi được phát cho tờ giấy ghi những yêu cầu cần thiết cho việc hiến máu rồi ngồi chờ. Đồ ăn thức uống đều được chuẩn bị, muốn lấy bao nhiêu tuỳ thích. Điều này khiến tôi thấy làm lạ vì ở Việt Nam,  trước khi hiến máu không được ăn uống gì vì còn phải chờ xét nghiệm. Tất nhiên tôi cũng chẳng biết sự thể ra sao vì tôi chưa hiến máu bao giờ, tất cả đều chỉ là nghe kể lại. Dù sao thì bác sĩ dặn nên uống chút gì đó cho máu loãng ra dễ lấy, nêu tôi cứ y lệnh làm theo vậy thôi.

Xong đâu đó, tôi được đến gặp nhân viên và phải trả lời một loạt danh sách dài những câu hỏi. Nếu như ở Việt Nam, mọi thứ chỉ cần trả lời “không” hết là được vào (Vì hầu hết nội dung đều yêu cầu cho biết có bệnh tật gì không?) thì danh sách câu hỏi ở đây thâm thuý hơn nhiều, một vài câu lỡ nhắm mắt chọn “không” là bị loại. Cũng may chút tiếng Nhật vớt vát cũng đủ cho tôi trả lời xong. Chẳng hiểu tâm trạng của tôi khi ấy thế nào, mọi thứ đều như không cảm xúc, chỉ biết làm theo những gì người nhân viên dặn. Là vì tôi buồn khi phải đi chơi một mình hay do tiết trời hôm nay lạnh quá?

%e3%83%80%e3%82%a6%e3%83%b3%e3%83%ad%e3%83%bc%e3%83%89-34

Tiếp theo là tới phần xét nghiệm. Máu tôi thuộc nhóm O+, nghe đâu là một loại máu được cho là hiếm hoi ở Nhật. Người nhân viên ngỏ ý nhìn tôi: “Bây giờ chúng tôi xin phép được lấy 400cc máu. Anh đồng ý chứ?”. Nghe vậy tôi có hơi ngần ngại. Nhớ không lầm ở Việt Nam lượng máu cần hiến đối là 330cc với nam và 230cc với nữ. 400cc thế này, liệu có nhiều quá hay không? Tôi lại là kẻ lười vận động, thân thể yếu ợt, chẳng biết sẽ thế nào? Không khéo có chuyện gì thì khổ. Băn khoăn một hồi, tôi lại tự trấn an mình: “Không sao, người khác làm được thì mình cũng làm được mà. Giáng sinh này đã quá tẻ nhạt rồi, nên để lại một điều gì ý nghĩa chứ”.

Nghĩ thế, tôi quyết định gật đầu.

Cuối cùng, tôi cũng được đưa vào hiến máu. Nằm lên chiếc giường đã chuẩn bị sẵn, tôi được những y tá ở đây trình bày về những lưu ý cần thiết, thoát nhiên trong người tự dưng ướt đẫm mồ hôi. Bất giác tôi nghĩ: “Nếu bây giờ mình có chuyện gì thì sẽ ra sao nhỉ? Liệu mình có điều gì để hối hận hay không?”. Trong thoáng chốc dòng suy tưởng đưa tôi miên man về quá khứ, về tất cả những gì mình làm, những điều tuyệt vời và khó nhọc mình đã trải qua. Rồi tôi bỗng mỉm cười: “Thôi, có chuyện gì cũng không sao cả”. Tôi nhắm mắt, đợi mũi kim nhọn từ từ lách qua da luồn sâu vào cơ thể. Tôi cảm nhận rõ mồn một máu từ người mình đang chảy ra bên ngoài, những muộn phiền như cũng theo đó mà cuốn trôi theo. Nhắm ghiền mắt, tôi bỗng nhớ tới chị Lan, về những khi tôi với chị vẫn thường xuyên đi dạo, không biết chị đang làm gì, và nếu biết hôm nay tôi đi hiến máu thế này, liệu chị có vui không. Những suy nghĩ ấy cứ chờn vờn mãi cho tới khi người y tá lay tôi dậy, cho biết đã lấy đủ lượng máu cần dùng.

Tôi từ từ ngồi dậy, vẫn giữ cánh tay ở nguyên vị trí, chẳng dám duỗi ra vì sợ đau. Thấy thế cô y tá nhìn tôi, khúc khích cười: “Anh cứ bình thường đi, không sao đâu mà”. Tôi nghe thế, cũng cười trừ rồi thả lỏng tay ra. Tự nhiên tôi thấy gương mặt cô y tá hiền quá đỗi, chẳng giống với những nhân viên bệnh viện tôi gặp từ trước tới giờ. “Quả là một nước Nhật luôn ân cần, chu đáo” – Tôi tự nhủ trong đầu vậy, trong lòng rộn lên một niềm vui. Xong đâu đó, tôi được ngồi chờ chừng 15 phút ở bên ngoài để đảm bảo tình hình sức khoẻ rồi ra về. Trước khi đi, anh nhân viên ban nãy trao cho tôi một tấm thẻ màu đỏ, chứng nhận cho việc hiến máu rồi dặn tôi lần sau nếu có tham gia nữa thì cứ đưa ra, các thủ tục sẽ ngắn gọn hơn nhiều. Đó cũng là màu đỏ tuyệt vời nhất của tôi trong đêm giáng sinh năm ấy.

Vừa mân mê tấm thẻ, tôi rảo bước trong dòng người tấp nập lại qua. Noel bỗng rộn ràng hơn hẳn. Bất chợt, tôi nhận được tin nhắn từ chị Lan: “Giáng sinh vui vẻ. Đừng giận chị nhé…” Lập tức, tôi soạn luôn một tấm thiệp điện tử gửi qua cho chị: “Không có gì đâu chị. Noel em chẳng có gì, thôi thì gửi chị tấm thiệp này, chúc chị luôn vui nha”. Chẳng biết sao tôi lại làm vậy, có lẽ khi người ta đang vui, người ta muốn nhân rộng niềm vui lên khắp mọi người. Tin nhắn phía bên kia cứ mãi ngập ngừng, rồi chị gửi cho tôi một biểu tượng gương mặt nhăn nhó cùng dòng chữ: “Em làm chị chẳng biết nói gì nữa luôn này”. Tôi bật cười. Chị em tôi lại vui vẻ như xưa.

Sau đợt ấy, cũng có dịp là tôi lại đi hiến máu, tâm trạng lúc nào cũng vui như thuở ban đầu. Vậy đấy, hạnh phúc chẳng ở đâu xa cả, chính là khi ta dám đánh đổi để trao đi những yêu thương.

L.T.N (Tôi kể bạn nghe về nước Nhật – iSenpai)

Trả lời