Tâm tư du học sinh Nhật xa nhà: Quất, mai hay anh đào? Bánh Chưng hay là Mochi 

Đăng ngày 07/02/2019 bởi iSenpai

Anh Nguyễn Mạnh Dũng một cựu du học sinh Nhật thành công hay còn được mọi người gọi với cái tên Shark Dũng từng có một câu nói nổi tiếng đại ý rằng: Ngày nhỏ chỉ có ước mơ được lên học, làm việc ở thành phố, sau này đến được rồi lại có những ước mơ lớn hơn, bước ra ngoài thế giới. Quả đúng như vậy, quả đúng cuộc đời là một chuỗi những hành trình tham vọng và vươn lên. Nhưng trong cuộc hành trình ấy có những khoảnh khắc ta buộc phải đi chậm lại. Vì trong huyết quản có dòng máu, trái tim của người Việt, cái “Tình” mà khó có thể dứt bỏ, vì chúng ta ai cũng có một tuổi thơ tươi đẹp phía sau ở quê nhà.

Một khung cảnh tết quen thuộc của nhiều thế hệ người Việt 

Những ngày Tết âm lịch, dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, dù là con người khô khan nhất cũng sẽ hẫng một nhịp. “Tết” là một cụm từ chỉ nghe thôi cũng có cảm giác hân hoan. Nhưng đối với những người con không có Tết, đó lại là một từ khoá gây thương nhớ. Tết làm cho giọt nước mắt lăn dài không ngừng trên đôi má lạnh buốt của cô bé du học sinh xa quê trên ga tàu đêm 30. Tết làm cho anh kĩ sư tăng ca nghẹn ngào sau cuộc gọi điện thoại mẹ nhắc: “Năm nay con không về nên nhà vắng vẻ”. Tết làm cho chị thực tập sinh dấu tiếng nấc nhắn: “Con ở bên này ăn tết to và vui lắm ba mẹ đừng lo”. Chúng ta đều trở nên yếu đuối hơn khi đến Tết, vì chúng ta vốn dĩ đã được lớn lên trong tình cảm nồng ấm của gia đình và xóm giềng. Sau này dù có đi đâu bao xa, bao lâu những tình yêu đã được nuôi dưỡng ấy sẽ không bao giờ biến mất.

Mô phỏng bối cảnh phim Kimi no na wa ( ảnh Bảo Nguyễn)

Một ngày cuối năm 2017, sau trận đấu đầy quả cảm của đội tuyển u23 Việt Nam dưới tuyết trắng Thường Châu. Trên một chuyến tàu trở về từ bữa tiệc năm mới sớm của người Việt tại Osaka, những cảm xúc xúc động vẫn không nguôi trên đôi bàn tay ôm chặt chiếc áo cờ tổ quốc hai cô gái. Cô chị ghé nhỏ tai em thì thào: “ Em thử nhìn khoang tàu này, đố em ở trên khoang tàu này có ai đang hạnh phúc không?” Chuyến tàu đêm của một ngày lao động mệt mỏi như bao ngày đưa cả hai cô gái vào những dòng suy nghĩ miên man.

Mùa xuân đã về trên khắp quê hương

Tết là ngày chúng ta bỏ qua chuyện cũ, bỏ hết phiền muội, hướng về tương lai. Chúng ta đều biết chính Hàn Quốc, cũng từng phải có 20 năm nắm chặt tay nhau để cùng làm nên kì tích sông Hàn 1988. Những năm tháng ấy người Hàn cũng phải toả đi khắp nơi trên thế giới, chính Nhật Bản cũng là thành quả từ những con người dám bước đi học hỏi. Chưa cần những điều lớn lao hơn, chấp nhận lỡ một vài mùa xuân để mai này có mùa xuân trọn vẹn của chính mình. Chấp nhận kìm lại những cảm xúc tiếc nuối để ta biết trân trọng khoảnh khắc, trân trọng cuộc sống hơn.

Mùa xuân ở Tokyo (ảnh Anh Bill Nguyễn)

Và chắc chắn là sau mùa xuân hoa đào quê nhà, sẽ là cả một mùa anh đào rực rỡ đang chờ đợi. Tháng 3 là tháng chia ly nhưng tháng 4 là tháng của những cuộc gặp gỡ. 「3月は分かれの月」、「4月は出会いの月」
Chúc mừng năm mới Kỷ Hợi 2019. Chúc tất cả những người con đất Việt ở xa nhà sẽ chân cứng, đá mềm và một năm mới an khang.

Huyền Trang

Trả lời