Tokyo Electric Power Company Holdings (TEPCO), công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima mới đây đã tiến hành một mô phỏng về kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy ra biển và cho biết ảnh hưởng từ việc xả thải này có tác động cực kỳ nhỏ tới môi trường, sinh vật biển và sức khỏe con người.
Theo kế hoạch thì TEPCO sẽ bắt đầu tiến hành xả nước trong các bể chứa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào mùa xuân năm 2023. Kế hoạch này đã bị ngư dân, người dân xung quanh cũng như các nước láng giếng Hàn Quốc và Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.
TEPCO dự kiến sẽ đưa nước qua một đường hầm dưới biển và xả ở một địa điểm cách nhà máy khoảng 1km sau khi đã pha loãng nước nhiễm chất phóng xạ tritium với nước biển. Theo mô phỏng của TEPCO thì mức độ tiếp xúc với phóng xạ thấp hơn đáng kể so với mức an toàn tối đa của các tổ chức quốc tế quy định. Tritium là chất phóng xạ được giải phóng trong quá trình làm điện hạt nhân và không thể loại bỏ khỏi nước ô nhiễm nhưng có thể được xử lý để giảm xuống ngưỡng an toàn. Việc xả nước nhiễm tritium ra biển vẫn được các nhà máy điện hạt nhân khác trên thế giới sử dụng.
Tuy nhiên trước khẳng định của TEPCO thì một số chuyên gia cho biết tác động lâu dãi với sinh vật biển từ việc phơi nhiễm tritium nồng độ thấp vẫn chưa rõ ràng. Trước đó Nhật Bản cũng đã đề nghĩ cơ quan an toàn hạt nhân IAEA của Liên hợp quốc hỗ trợ để đảm bảo việc xả thải đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Một số chuyên gia của IAEA đã tới Nhật để kiểm tra công tác chuẩn bị cho việc xả thải.
Thảm họa động đất sóng thần năm 2011 đã làm hư hại lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima và làm rỏ rỉ nước làm mát bị nhiễm phóng xạ. Lượng nước này đang được lưu trữ trong khoảng 1000 bồn chứa của TEPCO và vượt quá công suất chịu đựng của hệ thống.
Theo NHK, Japan Today