Thời hoàng kim, thành phố Yubari trên hòn đảo cực bắc Hokkaido của Nhật Bản được biết đến như một thủ phủ của than đá. Nhưng chỉ trong vòng 50 năm, nơi đây mất đi 90% dân số.
Xét về nhân khẩu học, đây là thành phố già nhất Nhật Bản, cũng có thể là nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình năm 2010 là 57 và đến năm 2020 sẽ tăng lên 65. Năm 2020 sẽ có nhiều người 80 tuổi hơn người 40 tuổi và Yubari có lẽ trở thành thành phố có đa số là người hưu trí đầu tiên của thế giới.Hiếm có thành phố ở quốc gia phát triển nào lại có mức suy giảm dân số nhanh như Yubari. Từ chỗ có tới 120.000 người vào năm 1960, dân số của thành phố than đá này giảm xuống chỉ còn 21.000 người năm 1990, thời điểm mỏ than cuối cùng đóng cửa và những thợ mỏ cuối cùng rời đi. Chưa dừng lại ở đó, số dân ở đây tiếp tục giảm mạnh xuống dưới 10.000 người sau khi Yubari bị vỡ nợ năm 2007.
Dân số ở đây vẫn đang tiếp tục lao dốc. So với bất kỳ thành phố nào khác ở Nhật, Yubari có tỉ lệ trẻ em ít hơn, trong 20 người mới có một trẻ dưới 15 tuổi.
Nhân khẩu học trở thành vấn đề được đưa lên trang nhất tin tức ở Nhật và nỗi hoang mang xuất hiện sau khi một bài báo công bố hơn một nửa thành phố ở đây có “nguy cơ tuyệt chủng” vào năm 2040. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản của Nhật sẽ giảm còn một nửa so với năm 2010 hay như trong trường hợp của thành phố Yubari là giảm 85% xuống chỉ còn 100 phụ nữ trong tuổi sinh sản vào năm 2040.
Phá sản, Yubari gánh món nợ khổng lồ và gần như có tình hình tài chính kém nhất so với các thành phố ở đất nước mặt trời mọc. Kéo theo đó là mức lương của công chức và thị trưởng ở đây thuộc hàng thấp nhất. Trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2012, thuế thu nhập bình quân đầu người giảm gần một phần ba.Trước đây, khi kinh tế Nhật Bản bùng nổ, Yubari thường được trợ cấp rất nhiều từ chính quyền trung ương và thành phố đã dùng số tiền này để tạo quỹ phát triển du lịch. Cuối những năm 1970, giới chức thành phố khi đó vẫn duy trì lối chi tiêu công xa hoa khi xây một công viên giải trí rộng lớn cùng nhiều địa điểm du lịch hoành tráng, nhưng tất cả đều không thu hút được du khách. Mọi thứ cuối cùng sụp đổ năm 2007 khi Yubari tuyên bố phá sản với món nợ lên tới 63,2 tỷ yên.
7 năm sau ngày thành phố này vỡ nợ, nơi đây đã có nhiều thay đổi và tất nhiên không phải mọi thứ đều tồi tệ. Tình hình kinh tế khó khăn buộc Yubari phải giảm bớt số lượng trường học xuống mỗi cấp một trường. Các công trình công cũng thu hẹp và hạn chế xây dựng để tiết kiệm chi phí.
Việc làm cũng được tạo ra nhờ sự có mặt của một nhà máy bào chế dược phẩm của Trung Quốc. Năm 2011, thành phố già nhất nước Nhật bầu Naomichi Suzuki làm thị trưởng khi anh này mới bước sang tuổi 30. Người đứng đầu thành phố Yubari được đánh giá năng nổ, nhiệt huyết và quyết đoán đã có nhiều chính sách “thắt lưng buộc bụng” để giảm nợ cho Yubari.
Hiện giờ, Yubari đã đổi thay nhiều so với thời kỳ nhộn nhịp với những mỏ than. Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống thung lũng Yubari và hướng mắt về chân đồi phủ đầy cỏ xanh, thật khó có thể tưởng tượng được rằng thành phố từng bị bao phủ bởi những dãy nhà cho công nhân có màu của than đá. Hầu như tất cả những dấu vết của một thời hoàng kim giờ đã bị xóa sạch.Yubari có một thứ đặc sản khiến nơi này được nhớ đến với ấn tượng tốt hơn, không chỉ là tai tiếng một thành phố phá sản vì nợ nần. Đó là giống dưa đỏ mang tên Yubari. Năm ngoái, trong một phiên đấu giá dưa, một cặp dưa Yubari đã bán được với giá 15.000 bảng, đánh bại các kỷ lục trước đây ở xứ sở hoa anh đào. Dưa Yubari trở thành món quà biếu sang trọng nhờ chất lượng và giá thành đắt đỏ.
Ở Yubari, không có văn hóa graffiti, phá hoại các công trình văn hóa hay tội phạm. Suốt nhiều năm, nơi này trôi qua trong bình yên mà không có một vụ phạm tội nào xảy ra. Năm 2013, có chưa tới một vụ án mỗi tuần.
Tương lai của Yubari trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2040 vẫn là vấn đề dân số bị co lại. Thời của nhiều công trình xa hoa, lãng phí đã qua đi, nhiều bài học đã được đúc rút cho thành phố. Quy hoạch tổng thể năm 2012 của Yubari hướng vào nhà tế bần cho người lớn tuổi, đối tượng sẽ ngày càng già hơn. Hiện Yubari, vẫn còn vật vã với tàn dư của thời kỳ trước, đang học cách “chết đàng hoàng”.
Nguồn VnExpress